|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giới hạn cho vay SME không quá 30% tổng dư nợ của các công ty tài chính là quá thấp

11:56 | 25/07/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia từ IFC, tại Việt Nam có 26 công ty tài chính nhưng không công ty nào tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ.

SME khó tiếp cận vốn

Ngày 24/7, FiinGroup phối hợp cùng IFC và Công ty S&P Market Intelligence, Singapore, tổ chức hội thảo "Đổi mới dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam".

Báo cáo tại hội thảo, FiinGroup cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam hiện chiếm gần 85% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhóm doanh nghiệp này đạt khoảng 20% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp trong nước. So với GDP, doanh thu của doanh nghiệp SME tương đương 70% GDP Việt Nam.

Mặc dù là động lực vô cùng quan trọng trong nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp SME đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc Điều hành khối Thông tin doanh nghiệp FiinGroup nhận xét.

Về khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, số liệu của FiinGroup cho thấy, khoảng 62% tổng nhu cầu tài chính của SME vẫn chưa được đáp ứng, tương đương với khoảng trống tài chính khoảng 24 tỷ USD. 

Khoảng trống về tài chính này gấp khoảng 2,11 lần mức cho vay doanh nghiệp SME hiện tại. Trong khi con số này tại các nước đang phát triển chỉ cao hơn 1,23 lần.

(Ảnh: FiinGroup).

Đồng thời FiinGroup cho biết, nhóm SME chiếm gần 85% số doanh nghiệp cả nước, nhưng khả năng vay vốn còn rất thấp. Tổng nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp SME chỉ chiếm hơn 9% tổng nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn, nhóm chỉ chiếm chưa tới 20% số doanh nghiệp cả nước, nhưng tổng nợ vay chiếm tới hơn 90%.

FiinGroup cho biết thêm rằng theo phân loại về tình trạng tiếp cận vốn vay, các doanh nghiệp không được TCTD tài trợ có mức độ rủi ro cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp được tài trợ. Tỷ lệ gặp khó khăn về tài chính chênh lệch từ 8% đến 10% qua các năm giữa hai nhóm DN này. 

Thiếu công ty tài chính cho vay SME

Trong phần trình bày của mình, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Cán bộ Quản lý Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam và Campuchia, Khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết những khoảng trống này một phần đến từ việc Việt Nam đang thiếu rất nhiều các tổ chức tín dụng chuyên cho vay doanh nghiệp.

Theo đại diện từ IFC, ngân hàng có khẩu vị rủi ro khác biệt và thường chỉ muốn hướng đến các doanh nghiệp dẫn đầu, do đó, các doanh nghiệp SME đang rất cần nguồn vốn từ các tổ chức tài chính. 

Nói rõ hơn, bà Huyền nhắc đến loại hình tổ chức cho vay không nhận tiền gửi (NDTL) phổ biến tại nước ngoài. Những tổ chức này do không phải nhận tiền gửi của người dân nên sẽ có các quy định an toàn thoải mái hơn.

Ở Việt Nam, NDTL được xếp vào nhóm các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, và chia thành nhiều nhóm khác nhau. Tổng cộng, có 16 công ty tài chính tiêu dùng và 10 công ty cho thuê tài chính, 8 công ty đang hoạt động tích cực còn hai công ty thì về quy mô cho vay không quá lớn, bà Huyền thông tin. 

“Tổng số công ty tài chính ở Việt Nam có 26 công ty, nhưng không công ty nào tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ”, chuyên gia IFC cho hay. 

Bà Phạm Thị Thanh Huyền. (Ảnh: FiinGroup).

Ngoài ra, bà Huyền cho biết thêm rằng các doanh nghiệp cho thuê tài chính đang gặp một điểm nghẽn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đó là khi cho vay doanh nghiệp SME thì không được vượt quá 30% tổng dư nợ. 

“Đối với một số công ty tài chính tại Việt Nam thì 30% là quá nhỏ. Những doanh nghiệp này đã có ý kiến lên NHNN để xin nới hạn mức này. Tuy nhiên, NHNN vẫn đang xem xét”, bà Huyền nói thêm. 

Về vấn đề huy động của các công ty tài chính, đại diện IFC cho biết thực tiễn trên thế giới các doanh nghiệp này sẽ có được nguồn cho vay từ thị trường vốn, thông qua phát hành trái phiếu hoặc chứng khoán hóa (với khoản phải thu). 

Bà hy vọng Bộ Tài chính và NHNN có những trao đổi, nghiên cứu để có quy định cho phép các TCTD có thể chứng khoán hóa các khoản phải thu. Ngoài hỗ trợ cho công ty tài chính, những quy định này còn có thể giúp ngân hàng dễ dàng hơn trong việc mua bán nợ. 

Nhìn sang thế giới, bà Huyền cho biết số lượng NDTL nhiều hơn “khoảng 10 lần so với số lượng các ngân hàng”. Chẳng hạn, tại Mỹ có 5.177 tổ chức nhận tiền gửi vào cuối năm 2019 nhưng có tới 40.000 NDTL. Còn tại Trung Quốc, có 4.044 ngân hàng và ngân hàng hợp tác xã, trong khi có khoảng 42.000 NDTL. Ở Mông Cổ chỉ có 12 ngân hàng nhưng lại có tới 530 NDTL; tương tự, Nam Phi có 18 ngân hàng nhưng lại có ít nhất 6.500 NDTL. 

Trong khi đó, Việt Nam có 43 ngân hàng nhưng lại chỉ có 26 công ty tài chính tiêu dùng và cho thuê tài chính. 

Minh Quang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.