|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO Techcombank chia sẻ lý do tập trung tín dụng DN và thời điểm chuyển dịch sang bán lẻ

07:31 | 24/04/2024
Chia sẻ
Lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ, tuy nhiên cũng sẽ cẩn trọng khi lựa chọn thời điểm thâm nhập thị trường.

 Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner. (Ảnh: Techcombank).

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa tổ chức buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024. Trong phần hỏi đáp, Tổng Giám đốc Jens Lottner đã có những chia sẻ thêm về kế hoạch chuyển dịch sang kênh bán lẻ của Techcombank.

Khi được hỏi về việc bán lẻ hay bán buôn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, ông Lottner cho biết ngân hàng có chiến lược đa dạng hóa khỏi tín dụng bán buôn (corporate) và mở rộng danh mục cho vay sang lĩnh vực bán lẻ (retail and SME). Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng cần đặt ra là "khi nào?".

"Lý do Techcombank vẫn tiếp tục tập trung vào tín dụng doanh nghiệp vào năm ngoái là bởi rủi ro thấp do dòng tiền của các tập đoàn lớn ổn định hơn. Đồng thời, khẩu vị đầu tư của những doanh nghiệp này cũng mạnh mẽ hơn và có nhiều khả năng tận dụng cơ hội", ông nói.  

Ngoài ra, Tổng Giám đốc Techcombank cho hay các khoản vay thế chấp (mortgage) hiện vẫn chưa được giải ngân nhiều. Trong quý I, ngân hàng đã giải ngân khoảng 23.000 tỷ đồng cho mảng này, nhưng đồng thời cũng có một tỷ lệ lớn khách hàng lại lựa chọn trả trước hạn.

"Trong trường hợp xuất hiện nhu cầu lớn trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ hoặc nhu cầu trong nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa và nhỏ (SME) trong nửa cuối năm nay thì nhiều khả năng Techcombank sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn", ông nhận định. 

Ngược lại, Techcombank sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ chuyển dịch từ nhóm bất động sản - xây dựng - vật liệu xây dựng (ReCOM) sang những lĩnh vực khác, Tổng Giám đốc Techcombank tiết lộ. 

61,2% danh mục tín dụng của Techcombank đến từ khách hàng doanh nghiệp lớn. (Ảnh: Techcombank).

Khi được hỏi về thời điểm và cách thức chuyển dịch sang tín dụng SME, tài chính tiêu dùng, Tổng Giám đốc Techcombank khẳng định: "Không phải ngắn hạn, dài hạn mà là luôn luôn (ever-term). Về mặt chiến lược, Techcombank vẫn luôn hứng thú với tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo tại Việt Nam". 

Ông cho biết ngay cả những lĩnh vực tín dụng ở mảng khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng cũng đang dựa vào tầng lớp trung lưu, chẳng hạn như du lịch, giải trí, bất động sản, FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) … Điều tương tự cũng diễn ra ở mảng bán lẻ, đặc biệt là hoạt động cho vay thế chấp. 

Theo ông, lý do Techcombank tập trung vào bất động sản là bởi lĩnh vực này có thể giúp khách hàng bán lẻ của mình xây dựng gia sản. "Do đó, tôi không nghĩ rằng Techcombank sẽ cần sự “chuyển dịch” sang mảng bán lẻ", ông Lottner nhận định. 

Thay vào đó, Techcombank sẽ thâm nhập sâu hơn, phục vụ không chỉ nhóm khách hàng khá giả (affluent) mà còn nhóm khách hàng đại chúng (mass affluent). Đồng thời, ngoài cho vay thế chấp, ngân hàng có thể cung cấp những sản phẩm như thẻ tín dụng, cho vay tài chính.

"Tuy nhiên, rõ ràng chúng tôi không muốn tiến vào những thị trường tương tự như FE Credit", Tổng Giám đốc Techcombank cho biết thêm. 

Để đảm bảo thành công trong thị trường mới, Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng ngân hàng cần kiểm soát được ba yếu tố: chi phí thu hút khách hàng, chi phí rủi ro và chi phí vận hành. 

Về vấn đề chi phí thu hút khách hàng, Techcombank sẽ làm việc với những hệ sinh thái từ các khách hàng doanh nghiệp lớn như Masan, WinLife hoặc qua các kênh số, ông nói. 

Vấn đề chi phí rủi ro sẽ được giải quyết nhờ sự đầu tư vào dữ liệu của Techcombank. Ngân hàng đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng dự liệu và hiện đã có thể xây dựng mô hình rủi ro khác biệt với những gì đang sẵn có trên thị trường, Tổng Giám đốc Techcombank tiết lộ.

"Mỗi ngày, chúng tôi đang lưu trữ 5 tỷ bản ghi. Những dữ liệu này giúp Techcombank hiểu thêm về khách hàng, cũng như xu hướng rủi ro của khách hàng (risk profile). Những dữ liệu này cho phép chúng tôi đưa ra các quyết định một cách cẩn trọng hơn", ông nhận định. 

"Chúng tôi có thể lựa chọn chấp nhận thêm nhiều rủi ro để thu được nhiều lợi nhuận hoặc cùng một mức lợi nhuận có thể chấp nhận được nhiều khoản vay hơn nhời hiểu rõ về khách hàng", ông Lottner cho hay.

Theo Tổng Giám đốc, chi phí vận hànhsẽ hưởng lợi nhờ việc tất cả các quy trình của Techcombank được tự động hóa. Nếu so sánh kênh số và kênh truyền thống của Techcombank, có thể thấy kênh số đang có CIR thấp hơn từ 10 đến 15 điểm cơ bản (bps). 

Trong những năm vừa qua, ngân hàng đã xây dựng nền tảng vững chắc để có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực hơn. Tuy nhiên, Techcombank cũng muốn đảm bảo rằng sẽ không thâm nhập vào thị trường tài chính tiêu dùng đúng thời điểm tồi tệ nhất, ông nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Techcombank kết luận: "Do vậy, chúng tôi sẽ có những động thái rất cẩn thận. Nếu nền kinh tế phục hồi ổn định, lĩnh vực bán lẻ và khách hàng có thêm niềm tin thì chúng tôi có thể sẽ mở rộng danh mục cho vay".

"Về mô hình kinh doanh và hoạt động, chúng tôi đã sẵn sàng. Câu hỏi giờ đây không phải là Techcombank sẽ làm gì, mà là khi nào thì sẽ làm", ông nói thêm.

Minh Quang