|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bức tranh tài chính tiêu dùng nửa đầu 2024: Tín hiệu phục hồi xuất hiện

09:20 | 03/09/2024
Chia sẻ
Những tín hiệu phục hồi đã xuất hiện trên thị trường tài chính tiêu dùng nửa đầu năm 2024. Nhiều công ty tài chính báo lãi lớn, vượt qua con số đạt được trong năm trước.

Ảnh minh hoạ: Minh Quang.

2023 là một năm đầy khó khăn với ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Các ông lớn trong ngành như FE Credit, Home Credit, HD Saison, Mcredit ... đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hoặc lỗ sâu.

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024, các công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể sau một thời gian đầy thách thức. Tính đến thời điểm hiện tại, một số công ty tài chính tiêu dùng như HD Saison, Home Credit, EVNFinance,... công bố kết quả kinh doanh với nhiều dấu hiệu tích cực.

Những tín hiệu hồi phục

Báo cáo tại Hội nghị Nhà đầu tư 6 tháng đầu năm 2024 của HDBank, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc HD Saison, cho biết lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 601 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, gấp đôi cùng kỳ năm trước (314 tỷ đồng) và gần bằng lợi nhuận cả năm 2023 (660 tỷ đồng). 

Theo ông Thái, yếu tố chính giúp HD Saison đạt được kết quả trên là nhờ biên lãi thuần (NIM) tiếp tục tăng thêm 1 điểm % so với cuối năm ngoái, đạt mức 30%. Trong khi đó, chất lượng tài sản cũng được cải thiện hơn, khi tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2024 là 7,5%, giảm nhẹ so với mức 7,9% ở cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả khả quan trong nửa đầu năm, lãnh đạo HD Saison đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng 25% và lợi nhuận sau thuế đạt hoặc vượt 1.000 tỷ đồng đã đề ra trong năm 2024.

Không chỉ HD Saison, nhiều công ty tài chính tiêu dùng khác cũng đem lại những dấu hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2024.

 

Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam, vừa công bố lợi nhuận sau thuế nửa đầu 2024 đạt 474 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn lợi nhuận cả năm 2023.

Công ty hiện nắm giữ thị phần lớn thứ hai trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, tương đương khoảng 14% tính đến ngày 30/6/2024 (theo thông cáo của SCB X).

Lợi nhuận phục hồi đã giúp tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Home Credit Việt Nam tăng gấp đôi từ 3,22% vào nửa đầu năm ngoái lên 6,77% cho giai đoạn 6 tháng đầu năm nay. Chỉ tiêu an toàn vốn của Home Credit Việt Nam vào cuối quý II ở mức gần 25%, cao hơn đáng kể so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là 9%. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc với 311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 56% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 249 tỷ đồng, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái (160 tỷ đồng).

Với kết quả trên, 6 tháng đầu năm công ty đã thực hiện được 53,16% kế hoạch năm về lợi nhuận trước thuế (585 tỷ đồng).

EVN Finance ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng 97,1% so với cùng kỳ 2023, đạt mức 8.687 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 9,7 lần xuống 4,82 lần. Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn theo quy định pháp luật của công ty này tăng từ mức 10,83% lên 14,17%, cao hơn mức quy định tối thiểu là 9%.

Chi tiết quý II, nợ xấu của EVN Finance đã giảm 38% so với đầu năm, nguyên nhân do nợ nhóm 4 và nhóm 5 đều sụt giảm. Tỷ lệ nợ xấu quý II giảm từ mức 1,3% xuống còn 0,71%. 

Đến thời điểm hiện tại, Home Credit, HD Saison và EVN Finance là ba doanh nghiệp tài chính tiêu dùng lãi lớn nhất trong nửa đầu năm nay.

Mặc dù chưa công bố cụ thể kết quả kinh doanh quý II, song dựa trên số liệu báo cáo hợp nhất tại VPBank, ước tính công ty tài chính FE Credit (công ty con của Ngân hàng VPBank) đã bắt đầu dấu hiệu phục hồi.

Theo đó, quy mô lỗ trước thuế được thu hẹp với mức lỗ 707 tỷ đồng tính đến hết quý II. Trong năm 2023, khoản lỗ của công ty này là hơn 3.700 tỷ đồng.

Sau hai năm 2022 - 2023 khó khăn, FE Credit đặt mục tiêu lãi 1.200 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến vượt 66.500 tỷ đồng trong năm nay. VPBank dự kiến từ năm 2025 lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng.  

VPBank cho biết theo đà phục hồi của cầu tiêu dùng, tín dụng cốt lõi từ mảng tài chính tiêu dùng của FE Credit trong quý II tăng trưởng 3,5% so với cuối năm 2023.

6 tháng đầu năm, FE Credit ghi nhận doanh thu lãi đạt 7.252 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 919 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác đạt trên 646 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng trích lập 6.058 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro. 

FE Credit không phải là công ty duy nhất báo lỗ trong 6 tháng đầu năm. Một số công ty tài chính như Shinhan Finance, VietCredit cũng ghi nhận khoản lỗ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô lỗ của các doanh nghiệp này đã thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. 

Shinhan Finance, công ty tài chính có 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của Shinhan Financial Group, đã báo lỗ sau thuế 95 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, quy mô giảm so với khoản lỗ năm ngoái (249 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu nửa đầu 2024 của Shinhan Finance giảm xuống 2.367 tỷ đồng, thấp hơn 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,72 lần xuống 3,43 lần. 

Từ hai con số này, có thể ước tính tổng tài sản nửa đầu 2024 của Shinhan Finance là 10.485 tỷ đồng, giảm 16,67% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn theo quy định pháp luật của Shinhan Finance đang ở mức 22,44%, giảm từ 23,59%. 

Mới đây, Mirae Asset Finance - Việt Nam công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lỗ sau thuế 347 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ trước, công ty này lỗ 392 tỷ đồng. 

Tính đến ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của Mirae Asset Finance đạt 1.397 tỷ đồng, giảm gần 20% so với thời điểm cuối năm 2023. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 6,92 lần lên 8,39 lần. 

Do vậy, có thể ước tính quy mô nợ phải trả vào cuối năm 2023 là 13.812 tỷ đồng và giảm xuống 11.721 tỷ đồng vào cuối quý II/2024. Tổng tài sản của công ty vào ngày 30/6 đạt khoảng 13.118 tỷ đồng, giảm 15,7% so với cuối năm ngoái. 

Ngược lại với sự phục hồi trong kết quả kinh doanh của các công ty tài chính trên,

Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit - Mã: TIN) báo lỗ sau thuế 185 tỷ đồng trong nửa đầu năm, quy mô gấp đôi khoản lỗ so với trong khi cùng kỳ năm trước (lỗ 74 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính của việc tiếp tục thua lỗ trong nửa đầu năm là sự sụt giảm từ các mảng kinh doanh chính. Thu nhập lãi thuần giảm 24% so với cùng kỳ, lãi thuần từ dịch vụ giảm 87% trong khi hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 12 tỷ đồng.

Cơ hội và thách thức

Theo báo cáo của FiinGroup, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, sự phục hồi của thị trường sẽ rõ rệt hơn từ nửa sau của năm 2024. Song, kỳ vọng sẽ có những cơ hội phát triển thị trường này khi nền kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. 

Mới đây, World Bank cũng nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay lên mức 6,1% từ mức cũ 5,5%. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng/tháng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đến hết ngày 15/8 đạt 473,33 tỷ USD.

Những tín hiệu phục hồi này, đặc biệt trong các ngành sản xuất và nhập khẩu, sẽ tạo nhu cầu tín dụng lớn hơn từ lực lượng công nhân và lao động phổ thông (nhóm khách hàng chính trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng).

Cùng với đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc cho phép các khoản vay dưới 100 triệu đồng không cầnkhách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn được dự báo sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các sản phẩm tài chính chính thống. 

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho hay quy định này sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây không phải là quy định lỏng lẻo mà mục đích đẩy mạnh tài chính tiêu dùng, tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, việc số hoá trong hành trình khách hàng, tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ tăng trưởng này. Đặc biệt, nhận thức của Gen Z (tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động) có xu hướng nhìn nhận các sản phẩm tài chính tiêu dùng như một công cụ thanh toán tiện lợi hơn là gánh nặng nợ nần. Sự thay đổi nhận thức này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty mở rộng sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là các giải pháp tài chính kỹ thuật số. 

Triển vọng tương lai của ngành tài chính tiêu dùng đầy hứa hẹn nhưng cũng không thiếu thách thức. Sự thay đổi hành vi tiêu dùng và quy định pháp lý sẽ định hình ngành này trong những năm tới.

Mặc dù có cơ hội mở rộng cho vay nhờ các chính sách mới, nhưng các công ty tài chính cũng phải đối diện với rủi ro tín dụng gia tăng. Việc nới lỏng điều kiện vay có thể dẫn đến việc mở rộng tín dụng cho các đối tượng có khả năng trả nợ thấp, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ xấu. 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó, có nhiều trường hợp khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ ngân hàng, nhưng cũng có không ít khách hàng cố tình chây ỳ trả nợ.

Để thị trường thực sự phục hồi và phát triển bền vững, cần phải có nhiều thay đổi về môi trường pháp lý, đặc biệt các quy định về quy trình thu hồi nợ. Đồng thời, cần sự nỗ lực từ phía Chính phủ và các công ty tài chính tiêu dùng trong việc nâng cao điểm tín dụng, gia tăng nhận thức của người đi vay về trách nhiệm tài chính. 

"Để giải quyết nợ xấu, bản thân ngân hàng và khách hàng đều phải có trách nhiệm với khoản nợ. NHNN sẽ có biện pháp để nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Minh Nguyệt