|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank lãi kỷ lục trong quý I/2024, thu nhập nhân viên hơn 49 triệu đồng/tháng

07:01 | 23/04/2024
Chia sẻ
Techcombank ghi nhận lợi nhuận quý I đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ và cao nhất trong lịch sử nhờ thu nhập lãi, phí và các hoạt động như ngoại hối, chứng khoán đầu tư.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ, thực hiện được 28,8% kế hoạch lợi nhuận vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức 6.277 tỷ đồng, tăng 38,3%.

Với con số này, quý I/2024 đã vượt qua quý II/2022 để trở thành quý có lãi cao nhất trong lịch sử của Techcombank. 

Quý I/2023 là quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của Techcombank. 

Trong quý I, thu nhập lãi thuần (NII) đạt gần 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng 30,2% so với cùng kỳ và 11,9% so với quý IV/2023. Techcombank cho biết kết quả này đến từ tăng trưởng tín dụng và chi phí vốn được cải thiện từ mức 4,2% vào quý IV/2023 xuống 3,4%. 

Bên cạnh đó mảng chứng khoán đầu tư đã đem về cho ngân hàng khoản lãi thuần 1.073 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 30,6 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối giúp Techcombank kiếm được 544,4 tỷ đồng lãi thuần, cùng kỳ năm trước lỗ 229 tỷ đồng. Phần lớn lãi thuần từ ngoại hối trong quý I đến từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay.

Lãi thuần từ dịch vụ của Techcombank cũng tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ, đem về 2.171 tỷ đồng. Dịch vụ thanh toán và tiền mặt cũng như dịch vụ môi giới kinh doanh chứng khoán đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng lãi thuần của mảng kinh doanh này.

Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh khác của Techcombank lỗ 3 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 1.057 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên quý I/2023, Techcombank từng ghi nhận khoản thu bất thường hơn 1.775 tỷ từ việc bán trụ sở cũ.

 

Nhờ nhiều mảng kinh doanh thuận lợi, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Techcombank tăng 31,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động chỉ nhích thêm 3,4%, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 46,4%, đạt 9.013 tỷ đồng. 

Dù chi phí dự phòng rủi ro trong quý I/2024 gấp đôi cùng kỳ, ở mức 1.211 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của Techcombank vẫn đạt kỷ lục.

Techcombank kết thúc quý I với khoảng 13,8 triệu khách hàng, bổ sung thêm khoảng 370.000 khách hàng mới trong quý. Trong đó, 59% gia nhập thông qua nền tảng kỹ thuật số và 39% từ kênh chi nhánh, đặc biệt nhờ chương trình mở rộng nhóm khách hàng nhà bán lẻ (merchant).

Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đạt 681,6 triệu giao dịch trong quý, tăng 3,5% so với quý liền trước và 58,8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị giao dịch đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tương đương với quý trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ. 

 

Dư nợ ngoài BĐS tăng 38% trong quý I

Cuối quý I/2023, tổng tài sản Techcombank tăng 4,3% so với cuối năm ngoái, lên gần 885.700 tỷ đồng. Tín dụng của ngân hàng mẹ tăng trưởng 6,4% so với đầu năm lên ngưỡng 563.900 tỷ đồng. Ngân hàng hợp nhất ghi nhận tín dụng tăng trưởng 10,7%.

Đặc biệt, dư nợ ngoài lĩnh vực bất động sản tăng 38% so với cuối quý I/2023, cho thấy nỗ lực đa dạng hóa của ngân hàng. Tín dụng cá nhân tiếp tục tăng trưởng 5,3% so với đầu năm.

Giải ngân cho vay mua nhà giảm 22,3% so với quý trước, chịu ảnh hưởng từ sự trầm lắng dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên vẫn ở mức cao, tăng 281% so với thời điểm này năm ngoái. Dư nợ cho vay mua nhà tăng khoảng 1% so với đầu năm. Cho vay ký quỹ của TCBS ghi nhận tăng trưởng 19,4% so với cuối 2023, phản ánh sự hồi phục thị trường chứng khoán, về cả điểm số và thanh khoản.

Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 458.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cuối quý I/2023 và ổn định so với cuối 2023, phù hợp với kỳ vọng về yếu tố mùa vụ. Số dư CASA tăng trưởng 49,4% so với thời điểm một năm trước và 2% so với cuối 2023, giúp tỷ lệ CASA tăng lên 40,5%.

Techcombank cho biết động lực tăng trưởng CASA đến từ nền lãi suất thấp và các tính năng như "Sinh lời tự động", giải pháp thanh toán T-Pay hay tính năng quản lý tài chính cá nhân.

Cuối tháng 3, Techcombank ghi nhận tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) là 78,5%, so với 77,4% vào cuối năm 2023. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 25,1%, thấp hơn so với trần 30%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của ngân hàng đạt 14,2% tại 31/3/2024, tiếp tục cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0%.  

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm xuống 1,17% tại cuối quý I/2024, từ mức 1,19% cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục cho vay và trái phiếu là 1,10%. Tổng dư nợ của các khách hàng có dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 ở mức 7.600 tỷ đồng vào cuối tháng 3, trong đó khoảng 6.000 tỷ đồng được kỳ vọng quay lại nhóm 1 trong quý 2/2024. 

Tính đến cuối quý I/2024, Techcombank có 11.497 nhân viên, tiếp tục giảm so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, chi phí bình quân nhân viên đã được cải thiện lên mức 49,2 triệu đồng/người/tháng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các ngân hàng niêm yết.

Minh Quang

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.