ĐHĐCĐ Vietbank: Tiếp tục kế hoạch niêm yết HOSE, tăng vốn thêm 25%
Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - Mã: VBB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 bằng hình thức trực tuyến.
Tiếp tục tăng vốn thêm 25%
Trong năm 2024, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.050 tỷ đồng, tăng 29% so với năm ngoái. Chỉ tiêu tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, huy động đến từ khách hàng ở mức 116.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng là 95.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo còn đặt mục tiêu mở rộng thị phần và tăng trưởng quy mô tổng tài sản, kiểm soát nợ xấu dưới hoặc bằng 2,5% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (mức quy định NHNN là 3%).
Trong năm 2023, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 812 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm liền trước và hoàn thành 85% kế hoạch năm. Lãnh đạo Vietbank lý giải đã chủ động cắt giảm lợi nhuận cũng như cắt giảm lãi suất trong điều kiện thị trường và khách hàng gặp nhiều khó khăn.
Vietbank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án cơ cấu lại hoạt động giai đoạn 2021-2025. Vietbank theo đó được chủ động tổ chức triển khai phương án và báo cáo định kỳ kết quả cho NHNN.
Với kết quả trên, cổ đông thông qua quyết định chia cổ tức với tỷ lệ 25% bằng hình thức phát hành cổ phiếu. Đây là tỷ lệ chi trả cao trong số các ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch cổ tức, được tính trên vốn điều lệ mới.
Trước đó, Vietbank vừa thực hiện đợt chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 100:21 nhằm tăng vốn điều lệ lên 5.712 tỷ đồng. Lãnh đạo Vietbank nói việc tăng vốn giúp củng cố năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
PHIÊN THẢO LUẬN
Tình hình thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ đến đâu?
Chủ tịch HĐQT Dương Nhất Nguyên: Ngày 8/4, Vietbank đã hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 và 2023.
Ngày 16/4, ngân hàng nộp hồ sơ báo cáo kết quả phát hành và đến ngày 19/4 UBCKNN có văn bản xác nhận kết quả chào bán cổ phần tương ứng đạt 93,18% tổng số cổ phiếu chào bán. Như vậy, sau khi thực hiện các thủ tục với NHNN và các cơ quan hữu quan thì vốn điều lệ chính thức là gần 5.712 tỷ đồng.
Ngay sau khi thực hiện các thủ tục tăng vốn trên, HĐQT sẽ tiếp tục triển khai Phương án tăng vốn bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, dự kiến vốn điều lệ của Vietbank cuối năm nay sẽ đạt gần mức 7.200 tỷ đồng.
Bao giờ cổ phiếu VBB mới được niêm yết sàn HOSE?
Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Trung: Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu VBB của Vietbank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.
Vì tình hình thị trường tài chính 2023 có nhiều dấu hiệu không khả quan, việc niêm yết cổ phiếu sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và đảm bảo quyền lợi của cổ đông, vì vậy Vietbank chưa triển khai thực hiện.
Việc niêm yết nhằm nâng cao thương hiệu Vietbank trên thị trường, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, đồng thời tranh thủ cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh để thực hiện các mục tiêu chiến lược 2021-2025.
Do đó, HĐQT tiếp tục trình ĐHĐCĐ thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu VBB từ hệ thống UPCoM sang niêm yết chính thức tại HOSE khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.
Khả năng thanh khoản của Vietbank hiện nay thế nào? Giải pháp nào để đảm bảo tính thanh khoản?
Tổng giám đốc Trần Tuấn Anh: Vietbank luôn tuân thủ đúng, nghiệm ngặt các quy định của NHNN và các Cơ quan quản lý về các tỷ lệ an toàn hoạt động.
Tỷ lệ khả năng thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN. Cụ thể như chỉ số LCR luôn duy trì ở mức khoảng 12,5% đến 13% (cao hơn mức 10% quy định). Tỷ lệ LDR kiểm soát tốt dưới 67%.
Ngoài việc duy trì các tỷ lệ an toàn, Vietbank luôn có những chương trình thu hút khách hàng gửi tiền gửi nhằm duy trì độ tăng trưởng của hoạt động huy động; kiểm soát nợ; kiểm soát các mục đích cho vay NHNN hạn chế; cải thiện chất lượng hoạt động và mở rộng quan hệ với các đối tác, các quỹ; cơ cấu lại danh mục đầu tư...
Kế hoạch mở rộng mạng lưới 2024?
Chủ tịch HĐQT Dương Nhất Nguyên: Đầu năm 2024, NHNN đã chấp thuận cho Vietbank mở mới 14 chi nhánh và phòng giao dịch tại Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Định, Đăk Lăk, Quảng Ninh...
Đây là tín hiệu tốt, thông qua kết quả hoạt động, NHNN mới đồng ý cho Ngân hàng mở rộng mạng lưới, tạo điều kiện phát triển kinh doanh trong giai đoạn tới. HĐQT sẽ đề nghị tiếp tục kế hoạch mở mới, đảm bảo độ phủ trên các địa bàn chưa có điểm giao dịch.
Theo phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 của Vietbank, năm 2024 ngân hàng tiếp tục lập hồ sơ trình NHNN chấp thuận cho mở mới 8 điểm giao dịch sau khi hoàn tất việc khai trương 14 điểm giao dịch đã đượcchấp thuận vào tháng 1/2024.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của 2023? Giải pháp cải thiện tỷ lệ này?
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Trung: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối năm 2023 (sau kiểm toán) là 10,39%, tăng 0,15% so với năm 2022 là 10,24%. Mục tiêu đến 2025 là duy trì ở mức 11%.
Để tiếp tục cải thiện hệ số này, Vietbank có 2 giải pháp. Đầu tiên là phát hành thành công 1.003 tỷ đồng vốn cấp 1. Thứ ha là chia cổ tức bằng cổ phiếu 25% sắp tới để giúp làm tăng hệ cố CAR.
Việc tăng vốn điều lệ này ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn của TT41 và TT13, còn tạo nền tảng vững mạnh hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2024.
Vietbank vẫn song song kiểm soát danh mục tài sản có rủi ro phù hợp định hướng kinh doanh 2024. Ngân hàng cơ cấu lại danh mục tín dụng, giao hạn mức tài sản có rủi ro cho từng khối Kinh doanh, từng dòng sản phẩm nhằm kiểm soát hệ số CAR đảm bảo an toàn.
Cụ thể, quy định lại hạn mức cho vay với từng ngành nghề trong khối cá nhân, doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu. Làm sao hệ số rủi ro tương ứng mang lại lợi nhuận tối ưu. Mục tiêu an toàn vốn của VBB cao hơn quy định của NHNN.
2023 chưa được như kỳ vọng, định hướng 2024 ra sao?
Tổng Giám đốc Trần Tuấn Anh: Năm 2023 hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, chỉ riêng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 86%. Lý do là Vietbank chủ động cắt giảm lợi nhuận để đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; thực hiện cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất.
Với kế hoạch 2024, Vietbank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong quý đầu năm để tăng năng lực tài chính. Ban điều hành sẽ tiếp tục bám theo chiến lược ngắn và trung dài hạn, tăng quy mô và mở rộng mạng lưới.
Để đạt được kế hoạch năm 2024, Vietbank sẽ dựa trên việc tăng trưởng dư nợ thị trường 1, phát triển bán lẻ, bảo toàn danh mục khách hàng hiện hữu, khai thác tối đa hiệu quả thông qua việc bán chéo các sản phẩm, dịch vụ.
Tập trung tăng trưởng huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư, vốn huy động không kỳ hạn, tăng huy động bằng đồng USD. Thực hiện các giải pháp để tiếp tục cải thiện giá vốn, nâng cao các chỉ số hiệu quả hoạt động.
Tiếp tục dịch chuyển mô hình kinh doanh theo định hướng bán lẻ, giảm sử dụng vốn vào các ngành nghề rủi ro; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để gia tăng nguồn thu phi tín dụng.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua.