|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo PLC: Giá nhựa đường đang ở mức thấp nhất 22 năm, cạnh tranh với hàng rẻ Trung Đông khiến giá sụt 80 - 120 USD/tấn

17:10 | 22/04/2024
Chia sẻ
Nói về cạnh tranh với hàng giá rẻ, người đứng đầu Hoá dầu Petrolimex khẳng định doanh nghiệp không được phép sử dụng nguồn hàng phi tiêu chuẩn. "Mảng nhựa đường sẽ không cạnh tranh bằng mọi giá vì PLC là đơn vị có vốn nhà nước", Chủ tịch HĐQT chia sẻ.

Giá nhựa đường về mức thấp nhất kể từ 2002

Sáng 22/4, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (Mã: PLC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Lãnh đạo PLC nhận định năm nay các doanh nghiệp sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn nên tổng công ty đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 141 tỷ của năm 2023. Chỉ tiêu cổ tức tối thiểu 10%.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2024.

Tại buổi hỏi, trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch các ngành kinh doanh. Lãnh đạo thông tin sản lượng dầu mỡ năm 2023 là 27.100 tấn và mục tiêu 2024 là 28.500 tấn, tăng 5% so với năm ngoái.

Đối với lĩnh vực nhựa đường, năm qua sản lượng đạt 265.000 tấn và kế hoạch năm nay là 255.000 tấn, tăng 3,5% so với 2023 trong bối cảnh dự báo tình hình kinh doanh khó khăn.

"Nhựa đường là sản phẩm dẫn xuất của dầu mỏ, giá nhựa đường có mối liên hệ chặt chẽ với giá dầu. Thời điểm hiện tại, giá nhựa đường đang ở mức thấp nhất từ năm 2002 tới nay với những căng thẳng địa chính trị. Dự báo giá dầu có những điều chỉnh tăng sẽ tác động cùng chiều với giá nhựa đường", lãnh đạo chia sẻ với cổ đông.

Năm nay, PLC sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng đề án cổ phần hóa Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex báo cáo xin ý kiến Tập đoàn Petrolimex (công ty mẹ); phối hợp với CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại CTCP Vận tải Hóa dầu VP.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống kênh phân phối dầu mỡ nhờn tại một số tỉnh/thành phố theo hướng tập trung phát triển khách hàng công nghiệp trực tiếp; khách hàng thương mại; khách hàng phân phối, điểm bán lẻ; khách hàng hàng hải. Phấn đấu từng bước đạt mức sản lượng bán trực tiếp trong tổng sản lượng đạt tỷ trọng tối thiểu 30% theo yêu cầu của tập đoàn mẹ.

Ngoài ra, PLC sẽ tăng cường quản lý công nợ phải thu khách hàng; có biện pháp quyết liệt để kiểm soát số dư công nợ phải thu khách hàng, ngày nợ bình quân, giảm nợ quá hạn (số tuyệt đối và tỷ lệ nợ quá hạn), tăng tỷ lệ công nợ có bảo lãnh theo mục tiêu đã đề ra. 

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, PLC dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 12% (1.200 đồng/cp), tương ứng với số tiền dự chi là gần 97 tỷ đồng.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024. 

 Lần đầu tiên phải giảm giá bán trong quý IV để tiêu thụ được hàng

Nói về năm 2023, lãnh đạo PLC cho biết: "Đặc thù của ngành hàng nhựa đường là phụ thuộc vào đầu tư công. Vì vậy có những năm kết quả kinh doanh rất cao song có năm kết quả lại chưa tốt. Năm 2020 chỉ đạt 32 tỷ lợi nhuận nhưng tới 2021 con số lợi nhuận lên tới 88 tỷ. Tính mùa vụ và tính thị trường cao".

"Thuận lợi của 2023 là chủ trương đầu tư công được đẩy mạnh, các ngân hàng được giao hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm nên không xảy ra tình trạng thiếu hạn mức như 2022. Tỷ giá năm qua cũng được kiểm soát ở mức tốt. Tiến độ giải ngân vốn đầu công năm 2023 tương đối tốt, đặc biệt trong quý I và quý IV.

Về mặt khó khăn, cạnh tranh các ngành hàng rất khốc liệt, đặc biệt ở khối tư nhân có lợi thế tương tự như PLC. Nguồn hàng nhựa đường giá rẻ từ Trung Đông đang có xu hướng nhập vào Việt Nam ngày càng lớn. Năm 2022 là 1%, năm 2023 là 20%.

Xuất khẩu sang các thị trường nào cũng gặp nhiều khó khăn khi tỷ giá và lạm phát cao. Như Campuchia cũng bị cạnh tranh bởi nguồn hàng giá rẻ và tính thị trường ở đây rất cao. Năm 2023 là năm đầu tiên công ty phải giảm giá vào quý IV để bán hàng, khác với thông lệ hàng năm", lãnh đạo doanh nghiệp thông tin.

Đang chuẩn bị phương án cổ phần hoá

Đối với năm 2024, đại điện PLC cho biết: "Về mặt thuận lợi, chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, các dự án đường cao tốc tiếp tục được triển khai mạnh. Lãi suất vay và hạn mức vay đang ở mức tốt.

Về khó khăn năm nay, lãnh đạo nhận định tốc độ giải ngân có chậm lại so với 2023, dòng tiền của công ty bị ảnh hưởng khá nhiều. 

Biến động tỷ giá hơn 4% từ đầu năm tới nay, sự xuất hiện của hàng từ Trung Đông đã ảnh hưởng tới giá và thương hiệu của PLC. Ngoài ra, sự xuất hiện của các nhà tư nhân mới tiếp tục gây khó khăn cho công ty. Bên cạnh đó, thị trường đòi hỏi tài trợ công nợ đang trong giai đoạn dòng tiền giải ngân thấp cũng là một thách thức cho tổng công ty.

Lãnh đạo thông tin hầu hết các dự án đầu tư công đều có sự tham gia của PLC như: Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau,…

Chủ tịch HĐQT cho biết thêm đối với lĩnh vực dầu nhờn, xe điện sẽ là một xu hướng tất yếu, ảnh hưởng tới tốc độ tiêu thụ sản phẩm này. Vấn đề địa chính trị gây ra đứt gãy nguồn cung và chi phí logistics tăng rất cao, sẽ tác động tới việc tiêu thụ sản phẩm trong nước.

"Tác động rất xấu là nguồn hàng giá rẻ của các nước bị cấm vận tràn vào Việt Nam, cạnh tranh rất mạnh, đặc biệt với mảng nhựa đường khiến giá sụt 80 - 120 USD/tấn. Với PLC, doanh nghiệp không được phép sử dụng nguồn hàng phi tiêu chuẩn. Mảng nhựa đường sẽ không cạnh tranh bằng mọi giá vì PLC là đơn vị có vốn nhà nước", người đứng đầu doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ.

Duy trì tốc độ tăng trưởng và giữ được thị phần từ nay tới 2029, bình quân 200.000 - 230.000 tấn bình quân mỗi năm. Ở mảng hoá chất dự báo sẽ rất khó khăn trong các năm tới. Nhiều doanh nghiệp FDI là khách hàng của PLC có công nhân phải nghỉ việc luân phiên. 

Liên quan tới câu chuyện thoái vốn nhà nước, đại diện PLC thông tin cuối 2022, Petrolimex đã ban hành nghị quyết phê duyệt các nội dung liên quan tới đề án tái cơ cấu tập đoàn, trong đó, Petrolimex sẽ nắm từ 50 - 60% cổ phần PLC. Hiện Petrolimex đang sở hữu 79% vốn điều lệ PLC. 

Tháng 6/2023, PLC đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai các nội dung. Hiện nay, PLC có hai nhiệm vụ chính là nghiên cứu phương án tái cấu trúc theo nghị quyết của tập đoàn đồng thời đề xuất phương án tái cấu trúc PLC. 

"Ban chỉ đạo đã mời và đang lựa chọn các đơn vị tư vấn. Ngoài ra, PLC đang chuẩn bị phương án để cổ phần hoá và hiện nay đang tổng hợp các nội dung để báo cáo HĐQT sau đó báo cáo lên Petrolimex", lãnh đạo cập nhật.

Hoàng Kiều