|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO Hoá dầu Petrolimex (PLC): Kỳ vọng vào mảng nhựa đường ở các dự án đầu tư công, lĩnh vực hóa chất sẽ khó khăn năm nay

17:20 | 20/04/2023
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Hoá dầu Petrolimex kỳ vọng ngành nhựa đường sẽ phát huy được lợi thế ở các dự án đầu tư công. Tuy nhiên việc sử dụng nhựa đường lại nằm ở giai đoạn cuối, thời điểm giải ngân và thi công sẽ quyết định tới kết quả kinh doanh của PLC. CEO dự báo mảng hóa chất sẽ khó khăn còn lĩnh vực dầu nhờn cố gắng duy trì thị phần.

Sáng 20/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex-CTCP (Mã: PLC) với số cổ đông tham dự đại diện cho 79,27% cổ phần có quyền biểu quyết. Kết thúc đại hội, các tờ trình đều được thông qua.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2023 của PLC. (Ảnh: HK).

Năm 2023, PLC đặt mục tiêu sản lượng 425.372 tấn, tăng 5,3% so với năm ngoái. Kế hoạch doanh thu thuần năm nay là 8.903 tỷ, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ; tăng lần lượt 3,5% và 36,8% so với năm 2022. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 không thấp hơn 12%.

  Nguồn: Tổng hợp từ Wichart và tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023.

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart và tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Năm 2023, doanh nghiệp dự báo vẫn có nhiều diễn biến phức tạp; chứa đựng nhiều rủi ro khi các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao tại các nước Châu âu; cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến nay chưa dừng lại; xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục và chưa có hồi kết đã làm xáo trộn tình hình kinh tế thế giới.

Thị trường dầu mỏ trên thế giới thay đổi khó lường, xu hướng tăng trong thời gian tới, tuy nhiên để đánh giá xu hướng giá như thế nào là việc không đơn giản, gây ảnh hưởng nhiều đến công tác dự báo giá, công tác nhập khẩu nguyên vật liệu của PLC.

Tình hình kinh tế 2023 của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nét khởi sắc, tuy nhiên đồng USD tăng giá sẽ vẫn tiếp tục gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá ngoại tệ, tạo sức ép lên lạm phát và là những thách thức và khó khăn với PLC năm nay.  

Về phương án chi trả cổ tức năm 2022, công ty dự kiến mức cổ tức là 12% tiền mặt (1.200 đồng/cp), tương đương với số tiền dự chi gần 97 tỷ đồng.

 Phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. (Nguồn: Tờ trình ĐHĐCĐ thường niên).

Thảo luận:

Quỹ Vinacapital: Cập nhật thị phần của PLC ở mảng nhựa đường và dầu nhờn?

Ông Đỗ Hữu Tạo - Chủ tịch HĐQT: Thị phần ngành hàng dầu nhờn chiếm 7-8%, dự báo có thể đạt 9%. Thị phần mảng nhựa đường chiếm khoảng 28-30% và mảng hoá chất chiếm 19% so với thị trường.

Mảng hoá chất có mức độ cạnh tranh khốc liệt nhất, hoá chất của PLC tập trung vào hoá chất dung môi hữu cơ, phục vụ trong lĩnh vực sơn, công nghiệp in, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa,... Các đối thủSam sung, Top Solvent, Dealim, Kaiser, PKG… đã và đang tham gia sâu vào thị trường Việt Nam khiến cho việc chiếm lĩnh và giữ vững thị phần của rổng công ty gặp nhiều khó khăn.

Quỹ Vinacapital: Kế hoạch thoái vốn của công ty mẹ Petrolimex tại PLC và IPO công ty hoá chất?

Chủ tịch HĐQT: Về kế hoạch thoái vốn, tháng 12/2022, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đã có văn bản số 1989 chấp thuận chủ trương đề án tái cơ cấu cho Petrolimex giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2035. Theo đề án tái cơ cấu, Petrolimex sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PLC từ 79,07% (hiện nay) xuống 51 - 65%. Lộ trình thực hiện là từ giai đoạn 2022 - 2023.

Về việc cơ cấu các ngành hàng, PLC đã trình Petrolimex chủ trương nghiên cứu để đáp ứng được nhu cầu bổ sung vốn của lĩnh vực hoá chất - mảng có sự cạnh tranh khốc liệt.

Trong 2023 - 2024, PLC sẽ triển khai các chủ trương của Petrolimex song phương án này sẽ nằm trong phương án tổng thể của Petrolimex về việc thoái vốn tại PLC. 

Quỹ Vinacapital: Tiềm năng của PLC đối với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công?

Chủ tịch HĐQT: Hiện Chính phủ lấy chủ trương đầu tư công làm động lực phát triển kinh tế. Với bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Các dự án đầu tư công được hình thành từ nhiều năm về trước, nên các mô hình giá cả, nguyên vật liệu thay đổi rất nhiều nên tác động lớn tới tiến độ đầu tư công của Chính phủ.

Chính phủ thành lập nhiều đoàn công tác để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các đoàn công tác còn phải quy hoạch các vùng khoáng sản, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư công cho thấy chi phí nguyên vật liệu phục vụ cho đầu tư công gặp rất nhiều vấn đề.

Với lĩnh vực nhựa đường của PLC, 7 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều có các đối tác khách hàng hoặc có mặt trực tiếp của PLC tham gia cung cấp.

Với xu thế giá dầu quay trở lại mốc trên 100 USD/thùng và dự báo trên 100 USD/thùng, tác động lớn tới nguồn cung nhựa đường. Khi giá dầu tăng, các nhà máy lọc dầu trên thế giới sẽ tối ưu hoá các sản phẩm lọc hoá dầu của họ ảnh hưởng tới nguồn cung. Đặc biệt là tốc độ mở cửa của thị trường Trung Quốc còn hạn chế, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine cũng tác động tới việc tạo nguồn nhựa đường.

Khả năng vượt mục tiêu lợi nhuận năm có cao không?

Ông Lê Quang Tuấn - Tổng Giám đốc: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 200 tỷ năm nay, xác định trên cơ sở bối cảnh kinh tế có nhiều biến động khó lường.

Nhu cầu dầu nhờn dự báo giảm sút. Cả ba lĩnh vực kinh doanh chính chịu tác động lớn của lãi suất, tỷ giá đẩy chi phí tài chính năm nay lên. Chi phí tài chính có xu hướng giảm so với 2022 song vẫn cao hơn so với các năm trước đó.

Năm 2023 có lợi thế ngành hàng chính là nhựa đường, ông Tuấn kỳ vọng ngành hàng này sẽ phát huy được lợi thế ở các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên việc sử dụng nhựa đường lại nằm ở giai đoạn cuối, thời điểm giải ngân và thi công sẽ quyết định tới kết quả kinh doanh của PLC.

Năm nay, trong ba lĩnh vực, CEO kỳ vọng nhất là lĩnh vực nhựa đường. Mảng hóa chất sẽ khó khăn còn lĩnh vực dầu nhờn cố gắng duy trì thị phần.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo thường niên các năm của PLC.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo thường niên các năm của PLC.

Năm 2023, PLC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 200 tỷ, tăng 8,5% so với năm ngoái song lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gần 37% lên 160 tỷ. Vì sao có sự chênh lệch lớn như vậy?

Tổng Giám đốc: Năm 2022, do ảnh hưởng của Nghị định 132 (quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết) nên thuế suất thu nhập doanh nghiệp lên tới 36%, trong đó truy thu 17 tỷ. Năm 2023, tính theo thuế suất bình thường là 20% nên có sự chênh lệch lớn như trên.

Trên báo cáo kiểm toán hợp nhất 2021 và các năm trước đây đều có trình bày các khoản tiềm ẩn liên quan Nghị định 132, năm 2022 đã không còn mục này, vì sao? Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 là 36% trong khi thuế bình thường là 20%, vì sao?

Đại diện Kiểm toán KPMG: Trên ý kiểm toán từ 2019 - 2021 đã có có vấn đề nhấn mạnh liên quan tới rủi ro thuế thu nhập doanh nghiệp. Cách đây vài năm, nhà nước đã ban hành Nghị định 132 liên quan tới chi phí lãi vay không được trừ tuy nhiên tại thời điểm đó chưa hướng dẫn cụ thể là chi phí lãi vay đó chỉ đến từ các giao dịch các bên liên quan hay các ngân hàng thương mại.

PLC có công ty con là công ty hoá chất mà các khoản vay của đơn vị này gần như 100% đến từ ngân hàng thương mại. Đã có nhiều tranh cãi của các đơn vị thuế về việc có tính khoản chi phí lãi vay từ ngân hàng thương mại vào áp dụng cho Nghị định 132 không.

Giai đoạn 2019 - 2021, Kế toán trưởng của PLC đánh giá qua các đợt thanh tra thuế đều không phát sinh vấn đề. Tuy nhiên vào năm 2022, đã có hướng dẫn cụ thể của đơn vị thuế địa phương là các khoản này cho dù đến từ ngân hàng thương mại hay các bên liên quan thì đều được coi là chi phí không được trừ.

Năm 2022, PLC đã trích lập bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp cho giai đoạn 2019 - 2021 và trên báo cáo kiểm toán đã bỏ đi nhấn mạnh về rủi ro tiềm ẩn này. 

Ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023

Tổng Giám đốc: Tổng sản lượng của ba ngành hàng là gần 100.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 22% mục tiêu năm.

Doanh thu quý I ước đạt 1.970 tỷ, giảm 6% so với cùng kỳ và thực hiện được 22% chỉ tiêu năm.

Lợi nhuận trước thuế ba tháng đầu năm khoảng 40 tỷ, đạt 25% kế hoạch năm. Tuy nhiên, vị CEO cho biết quý I chưa phản ánh toàn diện kết quả kinh doanh cả năm do quý I ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết và một số ngành hàng ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Ví dụ, mảng dầu nhờn mùa mưa không bán được và mùa khô thì bán tốt, quý II và quý III bán rất tốt ở thị trường miền Trung và Tây Nguyên.

Mảng nhựa đường thường ảnh hưởng nhiều bởi thời điểm thi công cuối năm.

Kinh doanh dầu mỡ nhờn của PLC gắn chặt với hệ thống bán xăng dầu của Petrolimex, sản lượng dầu mỡ nhờn bán trực tiếp là bao nhiêu % và bán qua Petrolimex là bao nhiêu %? PLC có giải pháp gì để gia tăng thị phần?

Ông Nguyễn Thanh Khương - thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc: PLC hiện phân phối sản phẩm qua công ty xăng dầu trực thuộc Petrolimex (phủ khắp 63 tỉnh) - tỷ lệ này trong nhưng năm qua tăng dần.

Ngoài ra, PLC sẽ phát triển bên ngoài thông qua việc bán trực tiếp cho các khách hàng công nghiệp lớn.

Trước đây, tỷ lệ này khoảng 50-50 nhưng hiện tại đã gia tăng do số lượng cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tăng. Lĩnh vực dầu mỡ nhờn gắn chặt với xăng dầu, khi tỷ lệ bán xăng dầu tăng thì tỷ lệ dầu nhờn tăng.

Năm 2023, PLC đặt mục tiêu phát triển kênh phân phối bên ngoài Petrolimex.

Một là bán trực tiếp cho các khách hàng công nghiệp lớn như thuỷ điện, nhiệt điện, hầm mỏ, công ty vận tải lớn,... Hiện tỷ lệ bán ở phía Bắc, Đông Nam Bộ khoảng 35%, ở miền Trung còn ít với tỷ lệ trên 10%.

Thứ hai là hệ thống bán trực tiếp cho các tàu biển, các tàu thuỷ nội địa. PLC sẽ phối hợp cùng các cảng biển, nhà vận tải để bán hàng.

Thứ ba là phát triển nhà phân phối sản phẩm dầu cho các ô tô, xe máy. Với hệ thống xe máy, tiếp tục gia tăng kênh của các khách hàng phân phối, họ sẽ chuyển tiếp đến các địa điểm sửa xe với hàng trăm nghìn cửa hàng trên cả nước - đây cũng là điểm cạnh tranh rất mạnh của các hãng.

Lợi thế của PLC để có thể hưởng lợi từ các dự án đầu tư công?

Ông Phú - thành viên HĐQT: PLC có lợi thế về hệ thống cơ sở vật chất trải dài từ Bắc vào Nam với 7 nhà máy, cách 300 km có một nhà máy - thuận tiện cho việc vận chuyển nhựa đường.

PLC cung cấp hệ các sản phẩm từ bình thường tới cao cấp nhất. Những sản phẩm cao cấp đáp ứng cho tất cả dự án nền đường với yêu cầu cao như sân bay, cao tốc.

Đầu năm 2023, đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn tới 2025. 

Các dự án dự kiến hoàn thành 2025, đưa vào hoạt động 2026, hiện mặt bằng bàn giao khoảng 70%.  Hoạt động trải nhựa đường là giai đoạn sau cùng, sau thời gian phát động thì khoảng 1-1,5 năm mới trải nhựa.

PLC sẽ tiếp tục đầu tư kho bể lớn để có thể nhận được tàu chở lớn giúp giảm chi phí, tăng cạnh tranh và cải thiện lợi nhuận. Trên thị trường các hãng cạnh tranh rất lớn, các đơn vị tư nhân xây kho bể rất nhanh. 

 

 

 

 

 

Hoàng Kiều

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.