|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chân dung doanh nghiệp nhựa đường duy nhất trên sàn: Thị phần top đầu, triển vọng cung cấp 733.000 tấn cho các dự án đầu tư công

07:00 | 06/03/2023
Chia sẻ
PLC hiện đang là doanh nghiệp nhựa đường duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán với thị phần 30%. Khoảng 48% doanh thu của PLC đến từ mảng nhựa đường. Thúc đẩy đầu tư công được dự báo sẽ là cú hích cho kết quả kinh doanh của PLC giai đoạn tới.

Năm 2023, Chính phủ xác định mục tiêu năm nay sẽ đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023. Việc chú trọng vào đầu tư cơ sở hạ tầng đã khiến nhà đầu tư chú ý vào nhóm các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, bao gồm nhóm xây dựng hạ tầng, nhóm đá, nhóm thép,…

Thông thường, khâu rải nhựa đường sẽ diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án đường giao thông. Đây là giai đoạn rất quan trọng để dự án tiến tới những bước hoàn thiện cuối cùng, đi đến quyết toán. Do đó, những doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín sẽ được ưu tiên lựa chọn thầu.

 

Tại thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất nhựa đường chính gồm như Công ty TNHH Cung ứng Nhựa đường (ADCo) (100% vốn nước ngoài), Công ty kinh doanh nhựa đường ICT, Công Ty TNHH Một Thành Viên Nhựa Đường Transmeco. Trong đó, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (Mã: PLC) đang được niêm yết trên sàn chứng khoán và chiếm khoảng 30% thị phần nhựa đường Việt Nam (số liệu công bố năm 2021).

PLC được thành lập năm 1994 và đến năm 2003 được cổ phần hóa, sau đó được chính thức niêm yết trên HNX cuối năm 2006. Vốn điều lệ của công ty đến cuối năm 2022 gần 808 tỷ đồng, trong đó Petrolimex nắm giữ 79,07% vốn điều lệ, còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ khác.

PLC kinh doanh với ba lĩnh vực chính là nhựa đường, dầu nhờn và hóa chất, bên cạnh đó còn hoạt động trong vận tải biển nhựa đường.

Mảng nhựa đường: Thị phần top đầu Việt Nam

Với mảng nhựa đường, công ty hiện đang nhập nguyên liệu từ một đơn vị thuộc Petrolimex tại nước ngoài rồi bán khoảng 80% sản lượng, sau đó sẽ qua công đoạn pha chế và cho ra các sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao hơn như nhựa đường MC, nhựa đường nhũ tương, nhựa đường Polyme.

Thống kê giai đoạn 2015 – 2022, doanh thu của mảng nhựa đường PLC hầu hết đều trên 2.000 tỷ đồng, đỉnh điểm năm 2022 tăng vọt lên 4.147 tỷ đồng, chiếm 48% cơ cấu tổng doanh thu của PLC.

 

Năm 2022, PLC tham gia vào 5 dự án cao tốc trong đó dự án Vân Đồn – Tiên Yên – Móng Cái đã hoàn thiện và tiến hành thông xe vào 30/4/2022. Dự án Cam Lộ - La Sơn cũng đã hoàn thiện xong và tiến hành thông xe vào cuối năm 2022.

Đối với 2 dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo và Phan Thiết – Dầu Dây, 2 dự án cao tốc này dự kiến sẽ hoàn thiện công đoạn cuối vào tháng 4/2023 và tiến hành thủ tục thông xe vào tháng 6. Đây là nguyên nhân chính giúp công ty ghi nhận doanh thu từ mảng nhựa đường tăng vọt năm ngoái.

Theo báo cáo thường niên năm 2021, PLC cho biết hiện công ty sở hữu 7 nhà máy phân bổ rộng khắp trên cả nước, với khoảng cách 400 km lại có một nhà máy sản xuất đồng bộ các sản phẩm nhựa đường.

PLC sở hữu hệ thống kho bể trải dài cả nước và dàn xe chở nhựa đường giúp công ty có lợi thế trong việc cung cấp sản phẩm cho các dự án với cự ly vận chuyển hợp lý. (Ảnh minh họa: PLC).

Ngoài ra, doanh nghiệp có 75 xe bồn với sức chứa 10 – 16 tấn nhựa đường mỗi xe. Hệ thống kho bể và dàn xe chở nhựa đường chính là lợi thế của PLC trong việc cung cấp sản phẩm cho các dự án với cự ly vận chuyển hợp lý. Hiện tại, năng lực sản xuất của PLC là 400.000 tấn/năm, lớn nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành.

Ngược lại, do sản phẩm nhựa đường phục vụ cho các dự án giao thông đường bộ, khó khăn đối với PLC chính là phụ thuộc vào kế hoạch chính sách đầu tư công. Năm 2016 – 2019, việc giải ngân đầu tư công khá thấp đã ảnh hưởng đến nguồn thu trong mảng nhựa đường của PLC. Mãi đến năm 2021 và đặc biệt là năm 2022 khi đầu tư công được chú trọng, doanh thu của mảng này mới tăng vọt vượt mốc 4.000 tỷ.

Thị trường nhựa đường vẫn đang cạnh tranh rất quyết liệt, với những thương hiệu lớn như Chevron, Shelba đã phải rút lui. Ba đối thủ lớn của PLC là Tratimex, ICT và Adco đã triển khai xây dựng các kho bể với công suất lớn ở Quảng Nam và Cam Ranh. Bên cạnh đó, các công ty đại lý tham gia sâu vào kinh doanh nhựa đường với giá bán thấp đã gây lũng đoạn thị trường và khiến PLC không thể tăng giá bán.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá dù sự cạnh tranh liên tục thay đổi, nhưng PLC vẫn giữ được thị phần ổn định nhờ năng lực sản xuất lớn, vị trí chiến lược của các kho và nhà máy; và đặc biệt là mối quan hệ lâu dài với các doanh nghiệp nhà nước giúp công ty có thể nhận được các hợp đồng cung cấp nhựa đường so với các đối thủ.

Ngoài ra, công ty cũng có vị thế lớn tại thị trường nước ngoài. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, PLC chiếm 30% thị trường Lào và chiếm phần lớn thị trường Thái (số liệu không công bố cụ thể).

Theo ước tính của BVSC, với việc đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.,… các dự án sẽ cần khoảng 2,4 triệu tấn nhựa đường, tương đương mức sản lượng tiềm năng của PLC có thể cung cấp trong 5 năm tới là 733.000 tấn.

Tuy nhiên do nhựa đường thường sẽ được sử dụng vào cuối giai đoạn xây dựng, nên các chuyên gia kì vọng doanh thu của PLC sẽ hưởng lợi mạnh hơn trong giai đoạn 2024 - 2025. Động lực tăng trưởng chính trong năm 2023 sẽ đến từ các dự án thành phần Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đang dần hoàn thiện.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Mảng dầu nhờn: Doanh thu đi ngang nhưng biên lãi gộp cao nhất trong ba mảng

Với mảng dầu nhờn, thực tế, PLC không tìm kiếm các nhà phân phối tại địa phương để phân phối sản phẩm như các nhãn hiệu thông thường. Thay vào đó, PLC chủ yếu tiếp cận kênh bán lẻ thông qua các trạm dịch vụ ( trạm xăng dầu) của Petrolimex. Điều này sẽ giúp PLC tiếp cận dễ dàng với khách hàng, phục vụ cho các dự án dân dụng, công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng nhất là các công trình có vốn đầu tư công.

Hằng năm, doanh thu của mảng dầu nhờn đóng góp khoảng 1.300 - 1.600 tỷ đồng vào doanh thu của PLC, chiếm khoảng 20% - 25%.

 

Dù mảng nhựa đường đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của PLC song mảng dầu nhờn mới có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong ba mảng kinh doanh chính với 27% - 30%, trong khi đó nhựa đường dao động dưới 15%.

Mảng dầu nhờn có doanh thu thấp hơn nhưng có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong mảng ba kinh doanh chính của PLC. Dù vậy, biên lãi gộp của mảng này đang có dấu hiệu giảm sút do giá đầu vào cao nhưng không thể tăng giá bán do cạnh tranh gây gắt. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC của công ty). 

Doanh thu của mảng dầu nhờn hầu như đi ngang nhưng biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ giá dầu thô giảm và công ty tăng bán dầu gốc tổng hợp.

Theo BVSC, trên thị trường giá của các sản phẩm dầu nhờn thay đổi rất chậm, không đủ bù đắp sự thay đổi giá nguyên liệu đầu vào, do đó biên gộp của mảng này cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi giá hàng hóa biến động mạnh.

So với các đối thủ trong ngành, thị phần của PLC có dấu hiệu giảm sút còn 6% (năm 2020) do sự gia nhập của các doanh nghiệp ngoại với hai tên tuổi là Eneos và Idemitsu khiến công ty mất một số hợp đồng quan trọng.

Mảng hóa chất: Dự định tái cấu trúc

Hóa chất là mảng kinh doanh thương mại của PLC, với các sản phẩm chủ yếu là hóa chất dung môi có nguồn gốc từ dầu thô, được sử dụng trong các ngành công nghiệp như da giày, cao su, sơn, nhựa,....

 Ảnh minh họa: PLC.

Hiện nay, thị phần của PLC ở mức khoảng 25% - là một trong số những doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối lớn nhất của Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với các công ty đa quốc gia lớn như Top Solvent, Brentag Vietnam, Dealim Vietnam, Riverbank Vietnam.

Công ty có hai nhà kho ở Hải Phòng và TP HCM với tổng diện tích là 16.000 m2. Các sản phẩm được nhập trực tiếp từ các nhà cung cấp nước ngoài như ExxonMobil, CKG (Singapore), Bayer (Đức) và Marubeni (Nhật Bản). Các khách hàng chính là các doanh nghiệp sản xuất sơn, mực in, keo, formaline, thuốc bảo vệ thực vật.

Do hoạt động chính là thương mại, nên biên lãi gộp của mảng kinh doanh này là rất thấp. Đặc biệt trong giai đoạn năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát đã chứng kiến những ảnh hưởng tiêu cực tập trung vào những khu công nghiệp, các khu chế xuất lớn lớn, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và sử dụng hóa chất.

Chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, PLC đang nghiên cứu giải pháp để tái cấu trúc, cổ phần hóa công ty hóa chất.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PLC hơn 4.616 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ so với đầu năm. Do là công ty sản xuất, phân phối nên hai khoản mục chiếm tỷ trọng nhiều nhất là các khoản phải thu ngắn hạn (1.431 tỷ) và hàng tồn kho (1.432 tỷ). Nợ phải trả tại cuối năm ở mức 3.371 tỷ, hầu hết là nợ ngắn hạn với 1.771 tỷ đồng nợ vay từ các ngân hàng. Năm 2022, công ty phải trả 84 tỷ đồng cho chi phí lãi vay.

Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho mỗi năm chiếm trên 50% tổng tài sản của PLC, riêng năm 2022 chiếm 62%. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty). 

Minh Hằng

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.