|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Năng lực tài chính của nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng: Phụ thuộc lớn vào nợ vay

10:52 | 20/02/2023
Chia sẻ
Tiêu chí để lựa chọn thầu xây dựng hạ tầng cho các dự án đầu tư công của Chính phủ sẽ ưu tiên vào những doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiến độ đảm bảo và năng lực tài chính lành mạnh. Thực tế, hầu hết các công ty này có tỷ lệ nợ vay/nguồn vốn lớn cao, phụ thuộc chính vào nợ đi vay, trong khi lượng tiền mặt sở hữu ít ỏi.

Năm 2023, đầu tư công chính là xung lực hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh vốn đầu tư FDI và tiêu dùng nội địa. Theo kế hoạch đã thông qua, năm 2023 tổng số vốn đầu tư công được giao là hơn 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021.

Các chuyên gia nhận định, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường cao tốc sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới. Hệ thống đường bộ, đường cao tốc, sân bay, cảng biển… sẽ đón nhận dòng vốn đổ vào với mức lớn nhất từ trước đến nay giai đoạn 2023 - 2025.

Nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ là những công ty trực tiếp hưởng lợi, tuy nhiên "miếng bánh" này không phải ai cũng có phần. Tiêu chí để lựa chọn thầu xây dựng hạ tầng của Chính phủ sẽ ưu tiên vào những doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiến độ đảm bảo và năng lực tài chính lành mạnh.

 

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) được coi là một trong những nhà thầu xây dựng hạ tầng lớn với năng lực thi công đã thể hiện qua nhiều dự án, đặc biệt là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 như Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây,...

Đồng thời, Vinaconex cũng là một trong những đơn vị tham gia nhiều gói thầu nhất tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (5 gói).

Đầu năm 2023, Vinaconex đã giành thêm 3 gói thầu lớn tại Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị backlog từ cao tốc lên tới 6.419 tỷ đồng, theo ước tính của VNDirect.

Cũng như tình hình chung trong ngành, Vinaconex là doanh nghiệp có cơ cấu nguồn vốn phụ thuộc nhiều vào vốn vay. Tính đến cuối năm 2022, nợ vay của Vinaconex là 13.222 tỷ đồng, chiếm 41% trong tổng 32.285 tỷ đồng nguồn vốn.

Tỷ lệ này đã giảm bớt so với các quý trước trong năm 2022 nhưng ở mức cao so với các năm trước đó. Trong bối cảnh lãi suất cao, đồng nghĩa chi phí lãi vay leo thang sẽ bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng này.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của Vinaconex.

Bù lại, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của Vinaconex ở mức 3.175 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng tài sản.

Nói thêm, chi phí vật liệu xây dựng chiếm hơn 60% chi phí của các dự án cao tốc tại Việt Nam. Các loại vật liệu chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí là đất đắp, cát san nền, đá,…theo dự báo vẫn duy trì xu hướng tăng giá.

Trong bối cảnh trên, việc sở hữu lượng tiền nhàn rỗi lớn sẽ là lợi thế của Vianconex so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Trong nhóm các công ty xây dựng hạ tầng được thống kê, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) sở hữu tổng tài sản lớn nhất với 35.643 tỷ đồng. HHV hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, doanh thu chính đến từ mảng vận hành BOT, chiếm khoảng 73%, mảng xây lắp chiếm 24% (năm 2022).

HHV có kinh nghiệm xây cầu và hầm đường bộ. Các dự án HHV thực hiện hầu hết đều đúng hoặc vượt tiến độ. (Ảnh minh họa: Hầm Phú Gia thuộc địa phận Thừa Thiên Huế do HHV thực hiện).

Đặc tính mảng BOT tương đối ổn định, đem lại dòng tiền đều. Do đó, triển vọng tăng trưởng của HHV sẽ đến từ mảng xây lắp. 

Tương tự Vinaconex, HHV cũng là một nhà thầu đã thực hiện nhiều dự án đầu tư công. Trong quá khứ, HHV mạnh ở mảng xây cầu và hầm đường bộ nên với sự bổ trợ từ công ty mẹ Tập đoàn Đèo Cả.

Theo công bố mới nhất, tháng 12/2022, liên danh HHV tham gia đã trúng gói thầu đầu tiên ở cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn với giá trị hơn 3.800 tỷ đồng. 

Về tình hình tài chính, cơ cấu tài sản của HHV sở hữu lượng tiền mặt ít, chưa tới 500 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng tài sản, tính tại ngày 31/12/2022. Công ty phụ thuộc nhiều vào nợ vay, với 20.652 tỷ đồng, chiếm tới 58% tổng nguồn vốn.

Mảng xây lắp của HHV có biên lợi nhuận gộp 13% năm 2022, cao hơn mức chung toàn ngành là 3 - 4%. Song, việc vay nợ nhiều có thể bào mòn lợi nhuận của công ty. Chỉ tính riêng năm 2022, HHV đã phải trả 647 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 17% so với 2021.

 Nguồn vốn của HHV phụ thuộc nhiều vào nợ vay. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của HHV).

Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đều phụ thuộc nhiều vào nợ vay. Đây sẽ là rủi ro trong bối cảnh lãi suất cao và biên lợi nhuận gộp của ngành vốn mỏng. 

Trong bối cảnh lãi suất leo thang thì việc phụ thuộc lớn vào nợ vay sẽ đẩy chi phí lãi vay lên cao, bào mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh, những rủi ro như các công ty trong ngành là cơ cấu nợ vay cao, các công ty kể trên còn phải chịu khoản phải thu có tính rủi ro, nhất là các khoản có tiến độ triển khai dự án chưa tốt hay trễ tiến độ.

Chẳng hạn, tại cuối năm 2022, các khoản phải thu ngắn hạn của Fecon là 2.923 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản. Khoản phải thu ngắn hạn của Cienco 4 tương đương 42% tổng tài sản, hơn 3.500 tỷ đồng. Hay gần 48% tổng tài sản của Lizen là các khoản phải thu ngắn hạn, với 2.351 tỷ đồng, trong đó nợ xấu hơn 117 tỷ đồng.

Trong khi đó, tỷ lệ các khoản phải thu ngắn hạn trên tổng tài sản của Vinacone là 29% và tỷ lệ của HHV chỉ 1%.

Theo tiêu chí lựa chọn nhà thầu của Chính phủ, bên cạnh kinh nghiệm, nhà thầu ít có các dự án chậm tiến độ có thể được ưu tiên giải ngân hơn.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng các gói thầu xây lắp mới trong chu kì đầu tư 2021 – 2025 sẽ tập trung nhiều hơn cho các doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tài chính lớn. Điều này đến từ việc quy mô mỗi gói thầu xây lắp cao hơn đáng kể so với chu kì đầu tư trước do chủ trương không chia nhỏ các gói thầu để quản lý chất lượng và lọc bỏ các nhà thầu năng lực yếu.

Các nhà thầu có nguồn lực tài chính tốt sở hữu nhiều lợi thế trong việc duy trì hoạt động mua vật liệu và đảm bảo tiến độ xây dựng ngay cả khi giá thị trường diễn biến bất lợi. Song song đó, họ sẽ có vị thế tốt để đàm phán với các nhà cung cấp.

Sau các hợp đồng tại giai đoạn đầu tư 2016 - 2020, nhiều nhà thầu đã bộc lộ hạn chế về năng lực và không được ưu tiên cho các gói thầu thuộc giai đoạn mới.

Các chuyên gia sẽ đánh giá cao các doanh nghiệp sở hữu dòng tiền tốt và cơ cấu tài chính khỏe mạnh, qua đó giúp doanh nghiệp đảm nhận được các gói thầu lớn và không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay tài chính cho hoạt động thi công. Ngoài ra, điều này sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng tận dụng được việc tham gia xây lắp dự án hạ tầng để cải thiện các hoạt động kinh doanh khác của mình.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Năm 2025, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, GDP có thể tăng trưởng trên 7%
Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2025, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng ở kịch bản tích cực, năm 2025 tăng trưởng GDP có thể đạt trên 7% thậm chí tới 7,5% nếu tiêu dùng được cải thiện, đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ.