Chủ tịch Saigonbank: Đã nói đến ngành ngân hàng không thể nào không có nợ xấu, ước lãi trước thuế quý I gần 68 tỷ đồng
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Saigonbank sáng ngày 25/4. (Ảnh: Nguyên Ngọc).
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Mã: SGB) sáng ngày 25/4 có sự tham dự của 328 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền), đại diện hơn 228 triệu cổ phần, tương đương 74,18% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tính đến cuối năm 2023, Saigonbank huy động hơn 26.600 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và vượt 7% kế hoạch. Trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp và dân cư khoảng 23.557 tỷ đồng, tăng gần 15% so với đầu năm.
Dư nợ cho vay gần 20.380 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, thực hiện được hơn 97% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - 5) là 1,99% trên tổng dư nợ (năm 2022 là 2,03%).
Tổng số thẻ đã phát hành trên 473.200 thẻ, số dư tiền gửi qua thẻ gần 367 tỷ đồng. Doanh số thẻ tín dụng quốc tế trong năm là 1,74 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản trên 31.500 tỷ đồng, tăng 14% và vượt hơn 7% kế hoạch năm. Vốn điều lệ của ngân hàng là 3.080 tỷ đồng, trong đó các pháp nhân sở hữu 81,04%. Ngoài Hội sở chính, Saigonbank có 33 chi nhánh, 55 phòng giao dịch, trung tâm kinh doanh thẻ trên toàn quốc.
Saigonbank đã góp vốn liên doanh vào các đơn vị: Khách sạn Sài Gòn Hạ Long, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam, Công ty Chứng khoán Saigonbank-Berjaya. Lợi nhuận thu được từ hoạt động góp vốn liên doanh hơn 7 tỷ đồng.
Kết quả trong năm ngân hàng lãi thuần hơn 600 tỷ đồng, tăng 23% và lãi trước thuế hơn 332 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2022, vượt gần 11% kế hoạch năm. Riêng lợi nhuận trước thuế của Công ty Quản lý khai thác tài sản (công ty con) là 3,6 tỷ đồng.
Trên cơ sở kết quả đạt được, HĐQT trình cổ đông phương án trích lập 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính. Lợi nhuận năm 2023 còn lại sau phân phối gần 227 tỷ đồng.
Kế hoạch lãi 368 tỷ trong năm 2024
Trong năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng quy mô theo đúng định hướng của NHNN, quản trị rủi ro từng bước theo chuẩn Basel-II, hoàn thiện phê duyệt phương án cơ cấu, xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp để thu hồi các khoản nợ tồn đọng nhằm tăng thu nhập, kiểm soát nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ theo quy định.
Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản tăng thêm 3% lên 32.300 tỷ đồng. Vốn huy động 27.300 tỷ đồng và dư nợ cho vay 23.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 13% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế 368 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với kết quả đạt được trong năm 2023.
HĐQT trình cổ đông xem xét và giao cho HĐQT phê duyệt chiến lược phát triển của ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 , bao gồm chiến lược tài chính toàn diện theo các quyết định của NHNN được ban hành trong năm 2019 và 2020.
Phiên thảo luận
Cổ đông: Luật quy định ĐHĐCĐ có quyền quyết định mức chi trả cổ tức hàng năm. Đề nghị phần cổ tức giao cho ĐHĐCĐ quyết định, lấy ý kiến bằng văn bản nếu chưa chuẩn bị kịp.
Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT: Việc chia cổ tức chốt tại đại hội 2023 nhưng đến 2024 mới nhận được văn bản chấp thuận, sau đó ngân hàng mới công bố thông tin, lấy lợi nhuận 332 tỷ đồng để phân phối. Chúng tôi sẽ trình đại hội bất thường tỷ lệ cổ tức 2024, dự kiến khoảng 8%. Thẩm quyền vẫn là của ĐHĐCĐ.
Cổ đông: Kết quả kinh doanh quý I? Kế hoạch chuyển sàn? Kế hoạch xử lý nợ xấu?
Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT: Về kết quả kinh doanh quý I/2024, tổng tài sản 31.863 tỷ đồng; huy động vốn 27.069 tỷ đồng, cho vay hơn 19.000 tỷ đồng; nợ xấu chiếm 23,38% tổng dư nợ; lãi trước thuế 67,97 tỷ, giảm 35,17% so với cùng kỳ.
Với những khó khăn chung, nợ có tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng. Tất cả các khoản vay đều có tài sản bảo đảm đầy đủ.
Hiện nay, các chỉ số tài chính của ngân hàng đã đủ điều kiện để chuyển sàn sang HOSE. Chúng tôi đã ký hợp đồng với Chứng khoán Vietcombank để được tư vấn chuyển sàn. Chúng tôi mong sẽ hoàn tất trong thời gian sớm nhất.
Về xử lý nợ xấu, cũng như những ngân hàng khác, đây là hoạt động rất phức tạp và khó khăn. Việc thi hành các bản án hiện nay kéo dài thời gian rất dài nhưng chúng tôi đã thành lập ban xử lý nợ. Chúng tôi sẽ giám sát, đồng hành cùng ban tổng giám đốc, bảo đảm tỷ lệ nợ xấu dưới mức quy định của NHNN.
Cổ đông: Qua sự kiện SCB, tôi nghe nói có nhà đầu tư muốn mua ngân hàng nhưng ngân hàng không đồng ý bán, đến hôm nay tôi rất cám ơn lãnh đạo về việc này. Tại sao công tác cho vay rất kĩ nhưng vẫn có nợ xấu? Nợ xấu đã thu được bao nhiêu và có phát sinh nợ xấu mới không? 2020 lãi trước thuế kế hoạch 130 tỷ nhưng chỉ đạt 21 tỷ, không chia cổ tức. Đến 2021, lãi trước thuế chỉ đạt 120 tỷ, không đạt kế hoạch. 2022 lãi trước thuế 487 tỷ, chia cổ tức bằng cổ phiếu 10%. 2023 phương hướng hiện nay vẫn chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chúng tôi chỉ thích tiền tươi thóc thật, tôi nghĩ 8% cổ tức chia thêm sắp tới nên chia bằng tiền mặt. Cách quản lý tại các công ty ngân hàng góp vốn như Khách sạn Hạ Long?
Cổ đông: Tôi đồng ý quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu, ít nhất bán cổ phiếu còn lời. Nhưng tỷ lệ chia 10% thực chất là khoản lãi 10 năm, quá chát, tức hơn một thập niên làm ăn không có lãi. Thời gian quyết định chia cổ tức và thông báo chia thực tế một năm là quá lâu. Cho cổ đông chúng tôi được biết vì sao chậm trễ như vậy? Việc chuẩn bị chia cổ tức 8% sắp tới, rút kinh nghiệm vừa rồ, tôi nghĩ nên chốt thời điểm. Chủ tọa đoàn nói rõ hơn về nợ xấu và trích quỹ dự phòng?
Cổ đông: Theo báo cáo, thành viên HĐQT 2023 là 5 thành viên. Có khó khăn gì trong tương lai hay không?
Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT: Chúng tôi hết sức xúc động và cảm ơn những lời động viên của cổ đông đối với những người làm công tác quản trị trong bối cảnh thách thức của ngành ngân hàng hiện nay.
Về việc chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu, thật sự ngân hàng có đầy đủ quỹ tiền mặt để chia bằng tiền nhưng giai đoạn hiện nay NHNN khuyến khích chia bằng cổ phiếu để tăng nguồn lực cho ngành ngân hàng. Chia bằng cổ phiếu thì cổ đông vẫn có thể giao dịch trên sàn để chuyển đổi thành tiền dễ dàng. Thị giá SGB so với các mã cùng ngành là cả sự nỗ lực của chúng tôi.
Đã nói đến ngành ngân hàng không thể nào không có nợ xấu. Có những câu chuyện hết sức bình thường và rất thương tâm. Ví dụ một gia đình cả vợ và chồng đang làm ăn rất tốt, tự nhiên chồng đột quỵ và người vợ chưa đảm đang được thì ngân hàng phải đồng hành của khách hàng. Hay như việc đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp không xuất khẩu được, khách hàng truyền thống cũng trở thành nợ xấu. Có rất nhiều lý do dẫn đến nợ xấu. Saigonbank rất dũng cảm đánh giá đúng tính chất khoản nợ từng nhóm chứ không giấu.
Trích lập dự phòng hoàn toàn nằm tại ngân hàng, được kiểm toán độc lập kiểm toán rất chặt chẽ, không có gì khuất tất.
Về hoạt động của các công ty ngân hàng góp vốn, do lịch sử để lại, chúng tôi không có đủ túc số cử người vào. Tuy nhiên, ngân hàng được cử một người vào HĐQT, một người vào BKS. Hoạt động của Khách sạn Hạ Long ổn định, khó khăn những năm qua ngành du lịch khó khăn một chút nhưng đã có tích lũy để đầu tư mở rộng trong thời gian tới.
Qua sự cố, có một thành viên HĐQT đương nhiên mất tư cách, 5 người còn lại vẫn đoàn kết, đủ năng lực điều hành ngân hàng. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ tổ chức đại hội bất thường để bầu HĐQT nhiệm kỳ mới (nhiệm kỳ 2019 - 2024 sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2024).
Đại diện Satra: Đề nghị không gộp chung nhiều nội dung cùng một lúc mà để cổ đông biểu quyết từng nội dung cụ thể.
Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT: Đây là thông lệ hàng năm, chúng tôi sẽ nghiên cứu để những đại hội tới phù hợp hơn.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.