Nếu các kế hoạch tăng vốn đều được thực hiện: Vietcombank sẽ giành vị trí quán quân, Techcombank vượt BIDV và Agribank
Vốn điều lệ toàn ngành dự kiến tăng 29%
Trong những năm gần đây, cuộc đua vốn điều lệ của các ngân hàng đang nóng lên khi nhóm Big4 không còn giữ được vị thế hàng đầu. Một số ngân hàng như VPBank hay MB đã chiếm những vị trí dẫn đầu nhờ kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Nhóm ngân hàng quốc doanh có lợi thế từ nguồn lợi nhuận để lại lớn và cũng đang triển khai những kế hoạch bán vốn cho nước ngoài (Vietcombank, BIDV). Dù vậy, cho đến nay, quá trình tăng vốn tại những ông lớn này vẫn diễn ra tương đối chậm do phải phụ thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan chức năng cũng như khó khăn của thị trường.
Nếu việc phê duyệt tăng vốn của nhóm Big4 thuận lợi, vốn điều lệ của các ngân hàng này có thể ghi nhận đà tăng trưởng nhanh chóng nhờ nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào. Trong khi đó, dư địa gia tăng vốn điều lệ của các nhà băng cổ phần sẽ hạn chế hơn do đã chia cổ tức qua các năm và đa số có lợi nhuận kém hơn nhóm Big4.
Do đó, nếu hoàn thành tất cả kế hoạch đã đều ra, những ngân hàng quốc doanh sẽ lấy lại vị thế dẫn đầu về vốn điều lệ.
Tính đến ngày 10/4, đã có 22/27 ngân hàng niêm yết công bố đầy đủ tài liệu họp ĐHĐCĐ 2024. Ngoài ra, Vietcombank cũng đã công bố kế hoạch phân phối lợi nhuận còn lại năm 2022. Dựa vào những số liệu trên, có thể ước tính rằng nếu hoàn thành tất cả kế hoạch tăng vốn điều lệ, các ngân hàng niêm yết và Agribank (28 ngân hàng) sẽ có tổng vốn điều lệ là 921.460 tỷ đồng, tăng 29% so với hiện tại.
Trong danh sách 28 ngân hàng đang theo dõi, có 24 nhà băng đang có kế hoạch nâng vốn điều lệ. Chỉ có 4 ngoại lệ bao gồm VPBank (vốn điều lệ cao nhất hệ thống), TPBank, Sacombank (đang tái cơ cấu) và ABBank.
Bảng xếp hạng vốn điều lệ sẽ thay đổi như thế nào?
Vietcombank dự kiến sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất nếu hoàn thành tất cả các kế hoạch. Hiện vốn điều lệ của ông lớn này đang là 55.891 tỷ đồng, cao thứ ba ngành ngân hàng. Năm 2023, Vietcombank đã triển khai việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018. Vốn điều lệ dự kiến tăng khoảng 27.700 tỷ đồng. Vừa qua, Vietcombank cũng công bố kế hoạch phân phối 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2022. Nếu thực hiện xong các kế hoạch trên, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên 105.256 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietcombank vẫn còn nguồn lợi nhuận năm 2023 chưa có kế hoạch phân phối và dự định phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Theo thông tin từ ĐHĐCĐ năm ngoái, ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến trong năm 2023 - 2024. Theo Bloomberg, Vietcombank đã chọn Citigroup để dàn xếp thương vị bán vốn với trị giá 1 tỷ USD (khoảng 25.000 tỷ đồng).
Người viết lựa chọn không đưa phương án chào bán này vào trong số liệu vốn điều lệ dự kiến do chưa rõ thời điểm phát hành.
VietinBank dự kiến sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, đạt 91.635 tỷ đồng nếu hoàn thành xong ba cấu phần tăng vốn từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lũy kế đến 2015, lợi nhuận còn lại năm 2022 và lợi nhuận còn lại năm 2023.
Theo tờ trình tại ĐHĐCĐ 2024, VietinBank muốn sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank đạt 19.457 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 13.927 tỷ đồng.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Do hiện đã có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống và duy trì chính sách cổ tức tiền mặt, VPBank đã không trình kế hoạch tăng vốn tại ĐHĐCĐ năm 2024. Tuy nhiên, ngân hàng này dự kiến vẫn sẽ đứng thứ ba toàn hệ thống về quy mô vốn điều lệ sau khi các nhà băng khác hoàn thành kế hoạch.
Techcombank sẽ lên vị trí thứ 4 nhờ kế hoạch tăng vốn khủng từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2024.
Nếu nhìn vào quá trình tăng vốn thực tế của nhóm Big4, có thể dự báo rằng Techcombank sẽ đứng vị trí thứ hai ngành ngân hàng (sau VPBank) trong một khoảng thời gian dài. Mặc dù có kế hoạch lớn, các ông lớn Big4 đang triển khai tăng vốn tương đối chậm.
Ngay sau Techcombank sẽ MB với kế hoạch phát hành cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 14.159 tỷ đồng. Dự kiến, quy mô vốn điều lệ của nhà băng này sẽ đạt 61.643 tỷ đồng.
Hiện BIDV vẫn chưa công bố đầy đủ tài liệu ĐHĐCĐ năm 2024. Theo chương trình đại hội, các cổ đông sẽ thảo luận và thông qua tờ trình về "Phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, 2023" và "Phương án tăng vốn năm 2024".
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ 2023, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối đa 61.557 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 12,7% (642 triệu cổ phiếu) và phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu).
Ngoài ra, BIDV cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9% đang trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, người viết không đưa phương án này vào do chưa rõ thời gian thực hiện.
Agribank là Big4 có vốn điều lệ thấp nhất và dự kiến sẽ đứng thứ 7 trong danh sách (giảm một bậc) sau khi được bổ sung 10.347 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2024. Do đặc thù là ngân hàng 100% vốn nhà nước, quy trình xét duyệt tăng vốn của Agribank diễn ra chậm hơn các ông lớn còn lại.
Những vị trí còn lại trong Top 10 ngân hàng dự kiến có vốn điều lệ cao nhất lần lượt thuộc về ACB, SHB và HDBank. Thứ hạng của SHB có thể thay đổi do nhà băng này chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2024.
Phần lớn vốn điều lệ tăng lên trong giai đoạn tới sẽ đến từ việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng kết hợp nhiều phương án như phát hành ESOP và chào bán cho nhà đầu tư. Nếu loại trừ Vietcombank và BIDV, LPBank và NCB đang có kế hoạch chào bán cổ phiếu tham vọng nhất.
LPBank dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong khi đó NCB muốn chào bán tối đa 620 triệu cổ phiếu có thể một hoặc nhiều đợt tùy thuộc tình hình thị trường, việc thương lượng và đàm phán với các nhà đầu tư. Thời gian dự kiến phát hành là trong các năm từ 2023 đến 2025.
Hoạt động phát hành ESOP cũng sẽ tiếp tục đóng góp một phần vào mức tăng của vốn điều lệ ngân hàng trong tương lai, tuy nhiên quy mô không quá đáng kể.