Ngân hàng tích cực chia cổ tức tiền mặt, hơn 26.000 tỷ đồng sắp về tay các cổ đông
Ngân hàng mạnh tay chi cổ tức trong năm 2024
Cứ mỗi mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), câu chuyện chia cổ tức của doanh nghiệp, ngân hàng lại trở thành chủ đề nóng.
Tính đến ngày 9/4, đã có 22/27 ngân hàng công bố đầy đủ tài liệu ĐHĐCĐ. Trong danh sách này, có 16 ngân hàng dự định trả cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông, với tổng số tiền dự kiến dùng để chi trả là 144.000 tỷ đồng. Năm 2023, tổng số tiền mà 27 ngân hàng niêm yết dùng để chi trả cổ tức là 96.620 tỷ đồng.
Trong đó, có 7 ngân hàng có kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt trong năm 2024, cao hơn con số 5 nhà băng vào năm ngoái. Số tiền dự kiến dùng để trả cổ tức tiền mặt trong năm nay là 26.356 tỷ đồng, trong khi vào năm ngoái, các ngân hàng chỉ chi ra 19.270 tỷ đồng.
Hiện nay, có ba ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV và SHB chưa công bố đầy đủ tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2024. Theo chương trình họp ĐHĐCĐ 2024 đã công bố, cả Vietcombank và BIDV đều sẽ bàn chuyện phân phối lợi nhuận năm 2022 và 2023. Trong đó, Vietcombank đã có tờ trình về việc sử dụng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (hơn 21.680 tỷ đồng) để trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Techcombank dẫn đầu về độ chịu chi
Năm nay, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) có kế hoạch tăng vốn từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2024.
Ngoài ra, ngân hàng cũng có phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (01 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024. Trước đó, Techcombank đã từng thực hiện chiến lược không chia cổ tức trong vòng 10 năm để dồn lực phát triển.
Như vậy, nhiều khả năng Techcombank sẽ là nhà băng chia cổ tức nhiều nhất trong năm 2024. Các ông lớn trong Big4 thường có kế hoạch tăng vốn điều lệ lớn, tuy nhiên quá trình xét duyệt thường kéo dài. Chẳng hạn, ĐHĐCĐ Vietcombank 2023 đã thông qua kế hoạch đưa vốn điều lệ ngân hàng lên hơn 75.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay, vốn điều lệ của Vietcombank mới chỉ ở mức 55.891 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã CTG) cũng vừa công bố kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 (13.927 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, ngân hàng còn có kế hoạch tăng vốn từ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.678 tỷ đồng) và lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016 (12.330 tỷ đồng) vẫn đang trong quá trình triển khai.
Như vậy, tổng mức chi trả cổ tức tối đã của VietinBank trong năm 2023 có thể lên tới 71%, tương ứng vốn điều lệ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 91.635 tỷ đồng. Tuy nhiên, tương tự như các ông lớn Big4 khác, việc triển khai kế hoạch tăng vốn của VietinBank đang diễn ra tương đối chậm. Mức chia cổ tức thực tế của VietinBank vào năm ngoái chỉ là 11,7%.
Các ông lớn cổ phần khác, bao gồm Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) tiếp tục duy trì mức chia cổ tức như năm trước. Cụ thể, MB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5% và 15% bằng cổ phiếu, tổng số tiền chi trả là 10.613 tỷ đồng.
ACB tiếp tục trả cổ tức 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu, mức chi trả là 9.710 tỷ đồng. Năm nay, VPBank cũng sẽ chi ra 7.934 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - HDB) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) cũng sẽ tiếp tục chính sách chia cổ tức cao trong năm 2024. VIB sẽ bỏ ra 7.484 tỷ đồng để trả cổ tức 12,5% bằng tiền mặt và 17% bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm nay thấp hơn so với 2023 nhưng số tiền bỏ ra cao hơn.
HDBank dự kiến duy trì mức chi trả cổ tức 25%, với 10% bằng cổ phiếu và 15% cổ tức. Tổng số tiền mà ngân hàng này dự kiến sử dụng là 7.269 tỷ đồng.
Sau khi không trả cổ tức vào năm 2023, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB -Mã: MSB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank - Mã:VBB) cũng đã có kế hoạch thưởng cho nhà đầu tư trong năm nay.
Cụ thể, MSB sẽ trình việc tăng vốn bằng cổ tức thêm 30%, tương ứng số tiền bỏ ra là 6.000 tỷ đồng tại ĐHĐCĐ 2024. VietABank dự kiến bỏ ra 2.106 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 39%, trong khi Vietbank sẽ chi 1.445 tỷ đồng để trả cổ tức tỷ lệ 25%.
Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank - Mã: SGB) có kế hoạch không trả cổ tức trong năm 2024, mặc dù từng chi cổ tức trong năm ngoái.
Trong đó, theo giải trình từ LPBank và ABBank, cả hai nhà băng muốn giữ lại lợi nhuận để đầu tư, xây dựng nguồn lực. LPBank còn có dự định sẽ không chia cổ tức trong ba năm tới.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - Mã: NVB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - Mã: STB) tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2024 do đang trong diện tái cơ cấu.