Chủ tịch ABBank giải trình về việc không chia cổ tức, kế hoạch niêm yết không thuận lợi
Sáng nay (5/4), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để thảo luận về kết quả và các định hướng kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ, kế hoạch phân phối lợi nhuân và nhân sự.
Tính đến 8h45, số cổ đông dự đại hội và ủy quyền là 224 cổ đông, đại diện cho hơn 767 triệu cổ phiếu, tương đương với 74,09% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.
Chia sẻ tại đại hội, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng Giám đốc ABBank, cho biết theo tư vấn của McKinsey, ngân hàng đặt “mục tiêu 3 tỷ USD vốn hóa, 2% ROA và tổng tài sản 15 tỷ USD vào năm 2028”.
Theo ông Hiếu, ABBank dự kiến trong năm 2024, thu nhập lãi đạt 3.777 tỷ đồng, thu nhập từ phí đạt 760 tỷ đồng, thu nhập ngoại hối 378 tỷ đồng, thu nhập từ thu hồi nợ đạt 350 tỷ đồng, thu nhập từ tài sản tài chính ở mức 295 tỷ đồng. Với chi phí hoạt động ở mức 3.093 tỷ đồng và chi phí dự phòng 1.497 tỷ đồng, ABBank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận này tăng 95% so với kết quả thực hiện của năm 2023, nhưng chỉ bằng 1/3 so với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2023 thông qua là 2.826 tỷ đồng, cũng như thấp hơn nhiều so với kết quả thực hiện của năm 2022 là 1.686 tỷ đồng và bằng một nửa lợi nhuận thực hiện năm 2021.
Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, cho biết năm 2023, HĐQT đã đưa ra kế hoạch “chưa sát thực tế”. Đồng thời, ngân hàng phải thoái lãi dự thu trái phiếu, trích lập dự phòng tăng nhiều so với kế hoạch dẫn đến không đạt mục tiêu lợi nhuận.
Ông Kháng thay mặt HĐQT xin chịu trách nhiệm trước cổ đông do chưa thực sự sát sao với công tác lập kế hoạch, dự báo tình hình 2023 dẫn đến kết quả rất xa so với những gì đã trình đại hội đồng cổ đông.
Về các chỉ số khác trong năm 2024, ABBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 5% lên 170.000 tỷ đồng, huy động từ khách hàng tăng 13% lên 113.349 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ CASA dự kiến ở mức 12%. Dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng 13% lên 116.272 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập theo kế hoạch được dự báo sẽ giảm 7,34 điểm %, xuống 13,66% so với năm 2023.
Dự kiến không chia cổ tức
Trong tờ trình về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023, HĐQT ABBank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2023 là 398,2 tỷ đồng.
Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 298,7 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là 1.542 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 1.840,7 tỷ đồng.
HĐQT có đề xuất sẽ để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Trước đó, trong năm 2023, ABBank đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.530 tỷ đồng. Giai đoạn ba năm 2021 đến 2023, ngân hàng đều liên tục nâng vốn điều lệ.
Bầu thành viên Ban Kiểm soát
ABBank cũng có kế hoạch bầu bổ sung một thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2027. Ngày 18/1/2024, bà Phạm Thị Hằng, thành viên Ban Kiểm soát đã có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân, hiệu lực kể từ thời điểm ĐHĐCĐ thông qua miễn nhiệm.
Sau đó, HĐQT ABBank đã có văn bản đề cử ông Nguyễn Hồng Quang, hiện giữ chức Cố vấn Ban Kiểm soát ABBank vào vị trí Thành viên Ban Kiểm soát.
THẢO LUẬN:
1. Khi nào ABBank niêm yết trên sàn?
Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: Việc niêm yết trên sàn là mong muốn từ lâu của cổ đông vì sẽ có được nguồn vốn và thị trường quản trị thông tin, hoạt động minh bạch hơn.HĐQT hoàn toàn đồng ý với nhiệm vụ niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, đánh giá chung nền kinh tế, HĐQT và McKinsey đều cho rằng điều kiện chưa thuận lợi.
Trong lộ trình 5 năm, ABBank có mục tiêu đạt giá trị vốn hóa 3 tỷ USD. Kết quả này không chỉ là tăng trưởng hữu cơ của ABBank sẽ cần những cú hích như M&A hay gọi vốn. Để đạt mục tiêu này sẽ cần phối hợp niêm yết, cổ đông mới tham gia. Ngân hàng sẽ trao đổi lại với McKinsey để cùng ABBank triển khai lộ trình niêm yết này.
2. Giá cổ phiếu khi cổ đông đầu tư vào là 8.400 VND/cp, đến nay đã rơi xuống 7.900 VND/cp.
Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: Thật sự ngân hàng không kiểm soát được giá cổ phiếu trên thị trường. Ngân hàng không “đánh” cổ phiếu lên để mang lại lợi ích cho đối tượng nào đấy. Tuy nhiên, ai cũng muốn giá trị cổ phiếu tăng lên. Trong thời gian vừa rồi, bên cạnh một số ngân hàng lớn duy trì được kết quả kinh doanh thì ABBank vẫn là ngân hàng nhỏ, sức chịu định, cạnh tranh chưa cao, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. ABBank đã thuê tư vấn đề nâng cao năng lực.
3. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu năm nay rất thấp, mong HĐQT giải thích?
Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: Khách quan mà nói, sức cạnh tranh của ABBank rất thấp. McKinsey đã phân tích các điểm yếu, chỉ ra rằng phải thay đổi toàn diện: quy trình tín dụng quá dài, sản phẩm không cạnh tranh, năng lực yếu …. Việc thay đổi là quyết định dũng cảm của cổ đông và HĐQT. Tại thời điểm khó khăn, sẵn sàng thay đổi là điều mà không phải ngân hàng nào cũng dám đối diện.
Thay mặt HĐQT cảm ơn cổ đông đã cho ABBank cơ hội thay đổi chính mình. Xin cổ đông hãy kiên nhẫn để gặt quả ngọt hơn. Muốn trồng một cây có giá trị cao thì phải chờ, cần thời gian. Anh Tiền (Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT) cũng yêu cầu phải đổi mới toàn diện, không loại trừ một vị trí nào cả. HĐQT không đạt yêu cầu cũng phải thay thế.
4. Vì sao không bỏ 1.800 tỷ đồng lợi nhuận để chia cổ tức?
Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: Ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng. Mong cổ đông kiên nhẫn. Đã xác định đi dài hạn thì phải chờ, muốn hái quả ngọt thì cần thời gian.
5. Mong ngân hàng cho biết quá trình số hóa của ngân hàng đến thời điểm hiện tại?
Quyền Tổng Giám đốc Phạm Duy Hiếu: Ngân hàng đang phát triển xây dựng hệ thống Omni-channel. Cụ thể đến tháng 6/2024 sẽ triển khai đồng loạt cho KHDN và cá nhân chạy thử hệ thống mới. Nếu ổn thỏa thì sẽ chuyển toàn bộ lên kênh số.
6. Liệu rằng đặt mục tiêu lợi nhuận mục tiêu 1.000 tỷ trên tổng tài sản 170.000 tỷ có quá khiêm tốn không so với tiềm lực ngân hàng hay không?
Chủ tịch Đào Mạnh Kháng: Khi BĐH trình kế hoạch chính HĐQT cũng có thắc mắc này. Tuy nhiên mục tiêu này cũng là khát vọng rồi. 2023 là thời kỳ trũng nhất trong lịch sử ABBank. Khi EVN còn là cổ đông thì CASA thuộc Top 5 nhưng nay CASA rơi xuống, sức cạnh tranh ở nhóm cuối cùng của NHTM. Nợ xấu có tài sản đảm bảo không thu lại dễ dàng.
Ngân hàng đang gặp khó khăn và phải xây dựng tương lai. Mục tiêu này rất khó khăn. Dẹp đi xây ngân hàng mới còn dễ hơn là sửa lại. Năm 2023, NIM giảm khủng khiếp.
Các ngân hàng lớn đang có lợi thế lớn khi nguồn huy động vẫn duy trì được. Còn ngân hàng nhỏ như ABBank lại gặp khó khi không tăng trưởng tín dụng được. Ngoài ra, nợ xấu phát sinh càng ép lợi nhuận xuống. Đến tháng 3/2024, nợ xấu không tăng nữa thì mới thấy cơ hội để thực hiện được kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Quyền Tổng Giám đốc Phạm Duy Hiếu: Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng nhưng dự phòng vẫn ở mức 1.500 tỷ đồng. Do đó mục tiêu này không hề khiêm tốn.
7. Chiến lược trong 5 năm tới có rất nhiều chiến lược, nhưng từ 2024 đến 2028 thì không rõ sẽ thực hiện như thế nào? Trong 5 năm tới ABBank sẽ tiến về cái gì, mong Ban Điều hành xác định mục tiêu rõ ràng?
Quyền Tổng Giám đốc: Mục tiêu này là các con số cụ thể rồi và đã phân bổ qua từng năm, có hành động đi kèm.
8. Xin ban Tổng Giám đốc cho biết kế hoạch chi tiết để nợ xấu dưới 3%? Đề nghị làm rõ kế hoạch thu nợ đối với số nợ đã trích lập dự phòng?
Quyền Tổng Giám đốc: Tỷ lệ nợ xấu của ABBank là 2,17%, đáp ứng dưới 3%. Nhưng kể cả nợ xấu 2% thì vẫn sẽ phải xử lý. Kết quả xử lý nợ năm 2023 mà yếu kém thì còn không giữ được kết quả lợi nhuận 513 tỷ đồng.
Năm ngoái, ngân hàng đã thu tiền mặt lẫn tài sản lên đến 2.900 tỷ đồng vì tuân thủ việc đã cho vay phải có tài sản đảm bảo. Khẩu vị rủi ro của ABBank rất chắc chắn.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.