Giám đốc Grab Việt Nam: 500 triệu USD 'đổ' vào Việt Nam không chỉ để kiếm lời
Grab vừa công bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam để phát triển nền kinh tế số trong 5 năm tới. Ảnh: Grab
* Trong bối cảnh chính sách đối với các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam còn chưa thật sự rõ ràng, có mạo hiểm không khi Grab quyết định “rót” một khoản đầu tư lớn như vậy vào Việt Nam thời điểm này, thưa ông?
- Hiện nay kết nốivận tải là dịch vụ cốt lõi của Grab tại Việt Nam và đúng như bạn nói, khung pháp lý cụ thể thông qua Nghị định 86 vẫn chưa đi đến hồi kết. Thế nhưng trong mấy tháng trở lại đây, tinh thần của Nghị định đang trở nên rõ ràng hơn, dần thay đổi theo hướng cởi mở, đón nhận những nền tảng mới. Chúng tôi đang rất trông chờ và hy vọng vào quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, vận chuyển chỉ là 1 phần trong hệ sinh thái mà Grab đang xây dựng tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm dịch vụ như giao hàng, gọi đồ ăn, thanh toán… đang phát triển rất tốt và nhận được sự chào đón, hỗ trợ nhiều từ cả phía khách hàng, đối tác cũng như cơ quan quản lý. Do đó, khung pháp lý hiện chưa hẳn là yếu tố rủi ro quá lớn tại thị trường Việt Nam.
Trái lại, chúng tôi nhìn nhận đây là thời điểm lý tưởng. Cụ thể, dân số trẻ và khá cởi mở, người Việt rất hào hứng với các sản phẩm mới, công nghệ mới. Có đến 90% người trẻ tại Việt nam sở hữu từ 1 đến hơn 1 điện thoại thông minh (smart phone) và các sản phẩm cốt lõi mà Grab đã phát triển trong thời gian qua như vận tải, giao nhận hàng hóa, thanh toán điện tử… đang được đón nhận rất tốt.
Điều này không chỉ tạo nền tảng vững chắc để Grab tiếp tục tiềm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực mới mà còn là đòn bẩy thúc đẩy Chính phủ đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ.
Minh chứng rõ nhất, bên cạnh việc ủng hộ những ý tưởng đổi mới sáng tạo, bản thân Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều ý tưởng như xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thành lập Trung tâm ươm mầm công nghệ, Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, các dự án đô thị thông minh…
Rõ ràng thị trường còn rất nhiều tiềm năng và khoản đầu tư mới này thể hiện mong muốn của Grab được gắn bó lâu dài với Việt Nam.
"Mọi khoản đầu tư của Grab không phải chỉ để kiếm về lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp mà phải tạo ra các giá trị cho xã hội, kinh tế tại thị trường đó"Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam
* Khoản đầu tư 500 triệu USD sẽ được phân bổ cụ thể thế nào?
- Lộ trình triển khai khoản đầu tư này được xây dựng theo quá trình hoàn thành sứ mệnh Công nghệ vì cộng đồng (Tech For Good) của Grab, với các mục tiêu phù hợp với những ưu tiên chính sách của “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020” của Chính phủ. Cụ thể, Grab sẽ cố gắng tối ưu hóa khoản đầu tư này theo 3 mảng chính:
Thứ nhất là chuẩn bị nguồn lực tài chính để tiếp tục mở rộng các lợi ích to lớn của nền kinh tế số từ các dịch vụ Grab đang triển khai tới khắp 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Theo đó, nếu được sự cho phép của cơ quan quản lý, Grab sẽ mở rộng dịch vụ kết nối gọi xe đến nhiều địa phương, không chỉ gói gọn trong 5 tỉnh, thành theo Quyết định 24 hiện nay.
Dịch vụ GrabFood hiện hoạt động tại 15 tỉnh, thành, cũng cần đầu tư tiếp tục phát triển. Về lĩnh vực tài chính ngân hàng, niện nay phần lớn người Việt đều dùng tiền mặt nhưng riêng trong hệ sinh thái của Grab đã có khoảng 35% sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của thị trường.
Chúng tôi đang tiếp tục để đẩy mạnh hơn nữa và đặt mục tiêu hợp tác với các tổ chức tài chính để cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp họ tiếp cận với các sản phẩm tín dụng, bảo hiểm để phát triển.
Thứ hai, Grab sẽ đầu tư xây dựng các sản phẩm mới như giao thực phẩm từ chợ, siêu thị (đi chợ giùm), đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay hay các dịch vụ về công nghiệp, sức khỏe… sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường như di chuyển chung - GrabBus nhằm hướng tới một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh cho người Việt.
Cuối cùng, đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng để đầu tư đổi mới công nghệ cho đến năm 2020, bao gồm mục tiêu có 1 triệu nhân lực thành thạo công nghệ số vào năm 2023.
Với mong muốn đóng góp vào mục tiêu này, Grab sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam. Mong muốn làm sao nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động thiên hướng nhiều hơn về mặt công nghệ, có nhiều hơn các sản phẩm về mặt cải tiến và tiến bộ dựa trên nền tảng công nghệ. Đồng thời, đầu tư vào các tài năng công nghệ Việt Nam, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp công nghệ và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.
Sự góp mặt của các doanh nghiệp gọi xe công nghệ mà khởi xướng là Grab đã tạo nên bước thay đổi ngoạn mục cho thị trường vận tải Việt NamNgọc Dương
* Như vậy nghĩa là 1 trong 3 phần chính yếu của khoản đầu tư sẽ được “rót” vào các start-up công nghệ - các doanh nghiệp có thể là đối thủ của Grab trong tương lai?
- Đúng vậy, nhưng cần nhấn mạnh là ngay từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam, chúng tôi không xác định coi ai là đối thủ để đấu đá, giành giật miếng bánh của nhau. Kim chỉ nam trong kinh doanh của Grab là hợp tác để đem đến lợi ích cho tất cả các bên, mục đích cuối cùng là mang đến những giá trị thiết thực cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế chung của đất nước.
Mọi khoản đầu tư của Grab không phải chỉ để kiếm về lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp mà phải tạo ra các giá trị cho xã hội, kinh tế tại thị trường đó.
Chúng tôi nhận thấy các start-up công nghệ Việt có rất nhiều ý tưởng hay nhưng đa phần thiếu nguồn vốn hoặc một số đang thiếu kỹ năng trong việc mở rộng thị trường. Chúng tôi sẽ đánh giá để hợp tác với các start-up phù hợp, thậm chí trở thành nhà đầu tư và hướng dẫn, xem xét cơ hội để giúp các start-up, doanh nghiệp địa phương có thể phát triển thành công hơn ở Việt Nam, mục tiêu vươn tầm khu vực và xa hơn là tầm quốc tế.
Grab đã xây dựng cả một chương trình Grab Ventures để thực hiện mong muốn nâng tầm nhân lực, nâng tầm doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực công nghệ.
* Là một trong những cái tên mở màn cho sự thâm nhập của mô hình kinh tế chia sẻ, của cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam, Grab hiện cũng đang giữ vị trí “anh cả” trên thị trường kết nối vận tải. Chặng đường phát triển thần tốc 5 năm qua tại Việt Nam đã khiến ông hài lòng?
- (Cười) Không không, đừng gọi chúng tôi là “anh cả”. Như đã nói ở trên, chúng tôi không hoạt động trên mục tiêu giành giật thị trường. Chúng tôi chỉ biết liên tục tìm kiếm, tìm hiểu thêm nhu cầu, khó khăn để xây dựng các sản phẩm mới, tiếp tục tạo ra các giá trị thặng dư cũng như để người dân Việt Nam có cuộc sống tốt hơn.
Đây là điều quan trọng nhất để hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển bền vững. Thành công của Grab ngày hôm nay được xây dựng nhờ sự ủng hộ của khách hàng và đến từ chính các đối tác trong hệ sinh thái của Grab. Để thực hiện hết các mục tiêu ở trên, Grab cần sự hỗ trợ, hợp tác của cả khách hàng, Chính phủ và rất nhiều doanh nghiệp địa phương trong tương lai.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/