|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu cuối năm có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg, ai là người được hưởng lợi?

08:33 | 05/10/2021
Chia sẻ
Đại diện hiệp hội tiêu Chư Sê cho biết giá tiêu đang dần tốt lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Nhưng nông dân thì trong cảnh "vườn không nhà trống", doanh nghiệp khó xuất khẩu, vậy ai là người hưởng lợi nhất trong đợt tăng giá vừa qua?

Giá tiêu có thể chạm mốc 100.000 đồng vào cuối năm

Những ngày đầu tháng 10, giá tiêu dao động khoảng 78.000 – 82.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây và gấp đôi so với thời kỳ chạm đáy vào tháng 4/2020.

Giá tiêu cuối năm có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg, sao nông dân lại vườn không, nhà trống? - Ảnh 1.

Diễn biến giá tiêu trong nước 9 tháng đầu năm (Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trao đổi với người viết, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho biết cứ 8 – 10 năm, giá tiêu sẽ bắt đầu chu kỳ tăng mới và có thể đạt đỉnh như chu kỳ trước.

Đỉnh điểm như năm 2015, giá tiêu đạt 220.000 đồng/kg nhưng giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm giá xuống vài chục nghìn đồng/kg, cho đến đầu tháng 4/2020 thì giá chạm đáy 34.000 đồng/kg.

Từ đó, giá bắt đầu khởi sắc và sắp chạm ngưỡng 85.000 đồng/kg. Như vậy, có thể xác định năm 2020 – 2021 là năm giá chạm đáy và bắt đầu một chu kỳ lên giá mới.

Trước đó, giá hồ tiêu rất thấp, người dân càng đầu tư vào vườn tiêu thì càng bị lỗ. Vì vậy, các chủ vườn tiêu đã bỏ bê, không đầu tư chăm sóc và diện tích giảm rất nhiều.

"Qua khảo sát chúng tôi ước tính diện tích cho thu hoạch năm 2021 chỉ còn chưa tới ½ so với diện tích năm 2017 (153.000 ha).

Bên cạnh đó, thời tiết mưa, hạn thất thường khiến tiêu ra gié và kết trái rất ít nên năng suất giảm rất nhiều", ông Bình nói.

Với 2 yếu tố trên, sản lượng của vụ thu hoạch năm 2020 – 2021 giảm trên 30% so với năm trước, chỉ đạt 150.000 nghìn tấn. Do đó, lượng tiêu xuất khẩu năm 2021 dự báo sẽ giảm mạnh so với năm 2020.

Giá tiêu cuối năm có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg, sao nông dân lại vườn không, nhà trống? - Ảnh 1.

Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh

Trước năm 2021, sản lượng hồ tiêu dồi dào, giá thấp, các doanh nghiệp nước ngoài tranh thủ cơ hội mua tạm trữ và khả năng nguồn hàng này sắp cạn. Doanh nghiệp phải bổ sung nguyên liệu từ thủ phủ hồ tiêu Việt Nam.

"Do đó, chúng tôi khẳng định giá tiêu đang dần tốt lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt từ 90.000 – 100.000 đồng/kg", ông Bính cho biết.

Thực tế, ở 6 tỉnh trồng tiêu trọng điểm chiếm 90% diện tích, đang xôn xao việc tìm mua trụ gỗ, trụ bê tông, cây trụ sống và giống để bắt đầu trồng mới diện tích hồ tiêu.

Ông Bính khuyến cáo các chủ vườn nên trồng xen canh với cây lâu năm, không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết. Đồng thời, chọn đất, chọn giống tốt và tuân thủ quy trình theo hướng hữu cơ để phát triển ngành tiêu bền vững.

Ai là người hưởng lợi?

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu xuất khẩu trong tháng 8 đạt mức cao nhất gần 4 năm khi Mỹ và các nước Châu Âu đang dần mở cửa kinh tế trở lại sau thời gian dài chống chọi với đại dịch COVID-19.

Giá tiêu xuất khẩu tăng nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu chưa thể vui. Theo ông Bính, nhiều doanh nghiệp ký bán trước giá thấp từ 40.000 – 55.000 đồng/kg nay phải mua với giá trên 70.000 đồng/kg để giao hàng theo hợp đồng nên bị lỗ nặng.

Bên cạnh đó, giá cước tàu vận chuyển đi các nước Trung Đông, Châu Âu, Mỹ… tăng lên 6-10 lần so với trước đây khiến doanh nghiệp không thu được nhiều lợi nhuận.

Dù giá tiêu tăng mạnh nhưng người hưởng lợi nhiều nhất lại không phải là nông dân bởi họ bán phần lớn hàng hóa ngay sau vụ thu hoạch, lượng tiêu trong dân còn rất ít.

Trao đổi với người viết, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Gia Lai) cho biết hiện HTX chỉ còn lại khoảng 20%, tương đương 30 tấn tiêu dự trữ, chủ yếu của các gia đình khá vững về tài chính, có thể tự xoay xở nguồn lực tái đầu tư cho vụ mới.

Giá tiêu cuối năm có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg, sao nông dân lại vườn không, nhà trống? - Ảnh 2.

Vụ tiêu 2020 - 2021, HTX Yang Nam thu được khoảng 150 tấn tiêu nhưng hiện chỉ còn lại khoảng 30 tấn. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Theo ông Công, giai đoạn 2017 - 2020, giá tiêu xuống thấp, các thành viên thua lỗ nặng, nợ ngân hàng rất nhiều.

"Do đó, ngay khi giá tiêu có tín hiệu tăng lên 55.000 – 65.000 đồng/kg vào vụ thu hoạch, người dân vội bán khoảng 80% sản lượng để trang trải nợ nần và tái sản xuất.

Vì vậy, khi giá tiêu gần chạm mức 85.000 đồng/kg, người hưởng lợi nhiều nhất là các thương lái, nhà đầu cơ", ông Công nói.

Ở thời điểm này, dù các đại lý đang thu mua tiêu với giá cao, song giao dịch trong dân không nhiều. Nông dân vừa mừng vừa tiếc bởi trong cảnh "vườn không, nhà trống", tiêu cũ đã bán hết, tiêu mới chưa trổ bông.

Còn những nông dân đang gom hàng, đầu cơ lại bán ra nhỏ giọt với hy vọng giá tiêu sẽ tăng cao hơn nữa.

Như vậy, lượng tiêu trong dân không còn nhiều, doanh nghiệp cũng xuất khẩu hạn chế nên dù giá tiêu tăng cao nhưng nông dân và doanh nghiệp không được hưởng lợi và khâu trung gian đại lý, nhà đầu cơ "béo bở" nhất.

Hoàng Anh