|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu cuối năm trụ vững mức 80.000 đồng/kg?

11:36 | 21/09/2021
Chia sẻ
Nhu cầu thế giới vẫn cao, giá tiêu có thể trụ vững ở mức 80.000 đồng/kg đến cuối năm. Giá tiêu khó có thể tăng đột biến như trước đây do yếu tố cung - cầu và chi phí logistics cao kìm hãm xuất khẩu.

Giá tiêu trụ vững mức 80.000 đồng/kg

Theo khảo sát, giá tiêu đang dao động khoảng 78.000 đồng/kg, tăng 45% so với đầu năm và đạt mức cao trong vòng 4 năm trở lại đây.

Việc giá tiêu tăng cao trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng và cơ hội để người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm giá xuống thấp.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: "Hiện tại, nhu cầu thế giới vẫn cao song dự báo giá tiêu đến cuối sẽ dao động 80.000 đồng/kg, khó có thể tăng thêm nữa.

Bởi ngoài yếu tố cung – cầu, xuất khẩu tiêu của Việt Nam ghi nhận giảm trong tháng 7, 8 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa ra cảng khó khăn, chi phí logistics sang Mỹ, châu Âu tăng đột biến".

Giá tiêu cuối năm trụ vững mức 80.000 đồng/kg, nông dân đừng giẫm lên vết xe đổ - Ảnh 1.

Giá tiêu nội địa hưởng lợi nhờ giá tiêu xuất khẩu chạm đỉnh trong 4 năm qua (Ảnh: PasGo)

Thống kê của VPA, tình trạng kẹt cảng và thiếu container rỗng trong một thời gian dài đã tạo cơ hội cho các hãng tàu thao túng phụ phí và cước phí vận tải. Giá vận tải các tuyến tăng gấp 10 lần từ cuối năm 2020 đến thời điểm hiện tại và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đại diện VPA cho rằng cước vận tải đang ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp tiêu, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, số còn lại phải gồng lỗ cho các hợp đồng ký kết để giữ khách hàng và uy tín.

Với những hợp đồng mới, doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại giá thành sao cho cân bằng với cước logistics để cân bằng chi phí và lợi nhuận.

Tuy nhiên, thời gian gần đây Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Ông Hải phân tích trong thương mại, bất cứ khách hàng nào đều muốn mua hàng chất lượng, giá tốt. Trong trường hợp này, Indonesia và Brazil đang vào tiêu, sản lượng dồi dào, cước logistics rẻ hơn nên đương nhiên khách hàng sẽ quan tâm đến các thị trường này.

Còn hiện tại nguồn tiêu của Việt Nam không còn nhiều, giá logistics cao nên cũng yếu thế hơn lúc này.

"Về lâu dài, Việt Nam vẫn giữ được vị trí số 1 xuất khẩu tiêu vì sản lượng của Việt Nam chiếm tới 40% sản lượng thế giới, các nước khác tuy có lợi thế nhưng chỉ chiếm phần nhỏ sản lượng chung", ông Hải nói.

Không dẫm lên vết xe đổ

Giá hồ tiêu tăng trong thời gian qua đã mang lại nhiều hưng phấn cho nông dân, nhưng đồng thời chi phí của các yếu tố đầu vào cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Với mức giá hiện nay, khả năng đầu tư các vườn tiêu vẫn là bài toán khó đối với các hộ dân thiếu nguồn lực tài chính. 

Nếu nông dân vay cho mục đích tái đầu tư và kỳ vọng thu bói trong 3-4 năm, thì khả năng rủi ro rất cao khi biến động thị trường và ảnh hưởng thời tiết khó có thể dự báo trước.

Ông Hải cho biết Bộ NN&PTNT hướng dẫn quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2025 ổn định ở mức 110 -120 nghìn ha, tương đương sản lượng 237 – 256 nghìn tấn.

Trước đó, giai đoạn 2013 - 2014, giá tiêu thế giới chạm đỉnh 10.000 USD/tấn, giá tiêu nội địa cũng tăng lên 220.000 – 230.000 đồng/kg. Nhìn thấy tiềm năng của "vàng đen", người dân ồ ạt trồng, ngay cả trên những vùng không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.

Cùng giai đoạn này, người dân Indonesia, Brazil cũng mở rộng diện tích. Tuy nhiên, chu kỳ cây tiêu cần 2 – 3 năm mới cho thu hoạch.

Đến giai đoạn 2017 - 2018, ngành tiêu thế giới rơi vào khủng hoảng dư cung, giá tiêu lao dốc xuống 40.000 – 45.000 đồng/kg, giảm hơn 5 lần so với thời kỳ đỉnh cao, nông dân điêu đứng, bán nhà, bán đất vì tiêu. Do đó, các địa phương và người dân cần cân nhắc các yếu tố trước khi mở rộng diện tích.

"Đối với diện tích tiêu chết vì bệnh, người dân không nên trồng lại nữa và chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Bên cạnh đó, cần xem điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng trồng có thích hợp với cây hồ tiêu hay không? Và đặc biệt, quy trình trồng hồ tiêu phải chú trọng đến yếu tố an toàn, bền vững", ông Hải khuyến cáo.

VPA cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm chỉ đạo Cục Trồng trọt thống kê diện tích và sản lượng hồ tiêu trên cả nước, để các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp và các khuyến cáo đưa ra kịp thời, trước tình hình diện tích có thể tăng và nguy cơ khủng hoảng ngành hồ tiêu có khả năng tái diễn khi giá hồ tiêu tăng cao.

Theo nguồn tin của chúng tôi, giá tiêu bắt đầu bước vào chu kỳ tăng, người dân đang có xu hướng mở rộng diện tích loại cây trồng này. Tuy nhiên, điều này sẽ đối diện nhiều rủi ro, thậm chí tái diễn tình trạng "cung vượt quá cầu" năm 2018.

Số liệu của Cục Trồng trọt, năm 2020 diện tích hồ tiêu cả nước đạt 131 nghìn ha, tăng 2,5 lần so với năm 2010 nhưng giảm 15% so với thời kỳ phát triển nóng năm 2017.

Giá tiêu cuối năm trụ vững mức 80.000 đồng/kg, nông dân đừng giẫm lên vết xe đổ - Ảnh 2.

(Số liệu: Cục Trồng trọt, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Cục khuyến cao người dân không phát triển thêm, chỉ tập trung vào chăm sóc, cải tạo diện tích tiêu sẵn có và sản xuất quy trình, chứng nhận VietGAP, Global GAP, hữu cơ, sản xuất theo hợp đồng.

Giá tiêu điều chỉnh theo thị trường mà thị trường không ai có thể lường được. Do đó, việc mở rộng thêm diện tích rất rủi ro và có thể giẫm vào vết xe đổ, cuối cùng người dân vẫn là người chịu thiệt".

Các hiệp hội cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin và có khuyến cáo với người dân nâng cao giá trị sản phẩm chứ không mở rộng diện tích.

Hoàng Anh