|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành hồ tiêu Việt Nam có thể bị lỡ nhịp tăng giá phi mã của thị trường?

06:30 | 20/09/2021
Chia sẻ
Mặc dù giá tiêu xuất khẩu tiêu đạt đỉnh gần 4 năm nhưng kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam giảm mạnh tới hơn 30%. Nguyên nhân là doanh nghiệp đang chật vật trước làn sóng COVID-19 lần thứ 4 và giá cước vận tải tăng phi mã.

Doanh nghiệp để lỡ cơ hội giá tiêu tăng

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, giá tiêu xuất khẩu trong tháng 8 đạt mức cao nhất gần 4 năm. Mỹ và các nước Châu Âu đang dần mở cửa kinh tế trở lại sau thời gian dài chống chọi với đại dịch COVID-19. 

Nhờ vậy, nhu cầu hàng hóa, trong đó có mặt hàng tiêu tăng mạnh, đặc biệt là khi sắp bước vào các dịp lễ, Tết vào cuối năm.

Giá tiêu trong nước cũng được hưởng lợi khi đạt mức trung bình khoảng 75.000 đồng/kg, tức cao hơn khoảng 50% so với hồi đầu năm 2021.

Ngành hồ tiêu Việt Nam có thể bị lỡ nhịp tăng giá phi mã của thị trường? - Ảnh 1.

Diễn biến giá tiêu trong nước 8 tháng đầu năm (Số liệu: tintaynguyen.com. Đồ thị: H.Mĩ)

Tuy nhiên, dường như ngành tiêu đang để lỡ cơ hội giá tiêu tăng mạnh này khi kết quả xuất khẩu giảm sút mạnh trong tháng 8.

Theo đó, lượng hạt tiêu xuất khẩu trong tháng 8 đạt xấp xỉ 17 nghìn tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 2, trị giá 63 triệu USD, giảm 36% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với tháng 7.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm trong tháng 8. Theo đó, việc các nhà máy phải thực hiện 3 tại chỗ và những khó khăn trong vận chuyển trong nước và xuất khẩu đã khiến doanh nghiệp hồ tiêu lỡ nhịp so với thế giới.

Trao đổi với người viết ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết trong thời gian thực hiện yêu “3 tại chỗ”, nhà máy của ông của có thể hoạt động 30% do không thể đáp ứng được toàn bộ điều kiện ăn, ở cho toàn bộ công nhân. Ngoài ra,  công ty cũng phải chật vật để xin giấy đi đường cũng khiến hoạt động sản xuất đình trệ. 

“Chúng tôi phải mất 1 tháng để xin được giấy đi đường”, ông Thông cho biết.

Theo nguồn tin riêng, xuất khẩu hồ tiêu của Phúc Sinh trong 8 tháng đầu năm nay giảm gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 12,4 nghìn tấn. 

Ngành hồ tiêu Việt Nam có thể bị lỡ nhịp tăng của thị trường vì COVID-19 và cước vận tải cao ngất ngưởng - Ảnh 1.

Lượng xuất khẩu tiêu của Phúc Sinh giai đoạn tháng 1/2020 - 8/2021. (Số liệu: tổng hợp. Đơn vị: tấn. Biều đồ: H.Mĩ)

Phúc Sinh là doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn thứ 4 Việt Nam và cũng là doanh nghiệp ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong số 4 ông lớn ngành tiêu.

Doanh nghiệp mất khách hàng về tay đối thủ vì chi phí vận tải biển quá cao

Việc sản xuất trong nước đã khó, nay vấn đề cước tàu vận chuyện chuyển quá cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đối diện với nguy cơ mất khách hàng, thậm chí phá sản. Hàng hóa đưa ra cảng bị ách tắc, hợp đồng xuất khẩu không đi được vì giá cước quá cao.

Đối với hồ tiêu Việt Nam, Mỹ là thị trường chính với lượng xuất khẩu chiếm 20-25%/năm và luôn duy trì sức mua ổn định cho tới hiện tại. 

Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường trọng điểm và thị trường hướng đến của hầu hết các doanh nghiệp trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thúc đẩy tăng sức mua của thị trường này.

Tuy nhiên, theo VPA đây là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần. 

Doanh nghiệp cũng chia sẻ với các hãng vận chuyển chịu ảnh hưởng trên diện rộng dẫn đến việc đẩy giá cước tàu lên cao. Tuy nhiên, mức tăng cần được kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch và có lộ trình báo trước.

So với thời điểm 2020, cước vận chuyển đi EU thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần.

Theo so sánh của VPA, cước từ các nước châu Á khác như Ấn Độ đi Mỹ và EU lại không tăng nhiều như ở Việt Nam. VPA cũng cho rằng việc tăng này là phi lý và bất thường bởi giá dầu – chi phí cốt lõi để cấu thành ra giá thành trong vận tải đường biển đang ở mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây.

Theo thông tin của VPA, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch VPA cho biết "Mọi chi phí đang rất cao. Giá tiêu hiện khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg cộng thêm chi phí logistics trên trời thì không khách hàng nào mua nổi.

Giai đoạn này còn là cuối vụ, tồn kho không còn nhiều. Trong khi Brazil và Indonesia lại còn hàng và chi phí vận tải rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Do đó, khách hàng sẽ chuyển qua Brazil và Indonesia để thay thế".

Trân Châu là doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm, lượng tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp này cũng ghi nhận suy giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước vấn đề này,  VPA đã gửi công văn tới Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ "vấn nạn thiếu container, thiếu chỗ" và đưa giá cước trở lại như trước đây.

H.Mĩ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.