|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng phi mã: Cân não giữa lợi ích doanh nghiệp và người chăn nuôi

19:39 | 19/05/2021
Chia sẻ
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng tới 40% nhưng doanh nghiệp chỉ tăng 15% giá thành phẩm giúp phần nào giảm bớt gánh nặng cho các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chịu thiệt hại lớn trong khi với mức giá hiện tại với người chăn nuôi vẫn được xem là ở mức cao.

Giá nguyên liệu tăng 40% nhưng doanh nghiệp chỉ tăng 15% giá thành phẩm

Trước việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh tới 40% so với cuối năm ngoái, Bộ NN&PTNT kêu gọi các doanh nghiệp chia sẻ với người chăn nuôi và không tăng quá "sốc" giá thức ăn hỗ hợp thành phẩm. 

Nhờ vậy, giá thành phẩm với chỉ tăng khoảng 15% dù đây vẫn được xem là rất cao và quá sức với nhiều hộ chăn nuôi nhất là trong bối cảnh giá gia cầm và giá heo hơi đang liên tục giảm. 

Trao đổi với người viết, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết việc kêu gọi các doanh nghiệp chỉ tăng 10 - 15% giá thức ăn chăn nuôi nhằm chia sẻ với người dân là theo cơ chế tự nguyện, không mang tính bắt buộc. 

Giá thức ăn chăn nuôi tăng từ tháng 12 năm ngoái và tăng 6 đợt liền, mỗi đợt tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. 

Hiện các doanh nghiệp cố gắng ổn định sản xuất nhằm hạn chế nhất việc tăng sốc giá thức ăn thành phẩm bởi nếu giá tăng quá cao chăn nuôi giảm sút thì lượng bán hàng cũng giảm theo. 

"Bộ khuyến nghị các doanh nghiệp làm sao có thể chia sẻ với người chăn nuôi nhiều nhất. Đối tượng chúng tôi kêu gọ chủ yếu là các doanh nghiệp lớn vì họ có thể sản xuất khối lượng lớn và tiềm lực tài chính cũng mạnh nên họ có thể hạn chế việc tăng giá thức ăn hỗn hợp tối nhất. Tuy nhiên họ không thể duy trì mãi nếu giá nguyên liệu đầu vào vẫn cứ tiếp tục tăng", ông Chinh nói. 

COVID-19 tạo ra sự đứt gãy trong quá trình vận chuyển đặc biệt không có container để chuyển hàng khiến chi phí tăng thêm. Trước đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp tăng cường tích trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khi mặt hàng này có dấu hiệu tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Chinh kho chứa của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi hiện nay chỉ chứa được tối đa nguyên liệu đủ dùng 3 tháng. Và khi lượng nguyên liệu nhập dự trữ đã hết doanh nghiệp buộc phải nhập đợt hàng mới với giá cao hơn và việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm là điều không thể tránh khỏi. 

Giá nguyên liệu quá cao đến mức một số doanh nghiệp đã phải giảm lượng nhập dự trữ đủ dùng cho một tháng hoặc thậm chí chỉ tính bằng tuần thay vì 2 - 3 tháng như trước đây.

Thực tế các doanh nghiệp cũng đã chịu thiệt hại rất nhiều. Điển hình như Dabaco - một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam, biên lợi nhuận gộp thành phẩm sản xuất giảm 2,7% trong quý I/2021.

Dabaco cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cộng thêm bệnh dịch tả heo châu Phi chưa ổn định khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng nặng nề.

Hay với Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) mới đây đưa ra mục tiêu lợi nhuận 2021 ở mức khiêm tốn chỉ 0 - 30 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2020, công ty này ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế ở mức 424 tỷ đồng.

Hay với Hòa Phát, tập đoàn này chấp nhận lỗ để bán cho các đại lý thay vì sử dụng cho hoạt động chăn nuôi nội bội nhằm duy trì hệ thống bán hàng.

Người chăn nuôi chịu lỗ nặng

Trao đổi với người viết ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết mặc dù với mức giá thức ăn chăn nuôi và giá heo hơi như hiện nay người dân vẫn có lãi. 

Tuy nhiên, tâm lý người chăn nuôi khá dè dặt trong việc tái đàn vì không biết giá heo có còn xuống và giá cám có tăng nữa hay không. Nếu giá cám tiếp tục tăng trong khi giá heo hơi đi xuống thì người chăn nuôi sẽ lỗ. 

Với những người mua con giống, nếu bán với giá 65.000 đồng/kg như hiện nay thì coi như hòa vốn. Nếu trang trại nào bị dịch, tỷ lệ chết cao thì họ bắt đầu lỗ.

Với trường hợp tự túc được con giống có thể sẽ còn một chút lãi. 

Riêng với gia cầm, giá đã xuống hơn một năm nay và người chăn nuôi lỗ rất nặng. Nay giá cám tiếp tục tăng nữa thì nguy cơ lỗ và phá sản rất cao. Hiện nay người chăn nuôi gia cầm đã bỏ rất nhiều. 

Nếu nuôi dài ngày 80 - 90 ngày/đợt thì mỗi kg gia cầm sẽ lỗ khoảng 10.000 đồng.

Phương án tự phối trộn thức ăn có khả thi?

Với tình hình căng thẳng như hiện nay, Cục chăn nuôi cho rằng giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5-10% tùy loại để đạt mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại. 

Khi đó thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức trên 11.000- 11.300 đồng/kg và đây là mức giá đã được thiết lập vào năm 2014.

Cơ quan này khuyến cáo người dân cần tận dụng nguyên liệu sẵn có ở trong nước hạn chế nhập khẩu. 

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi các nguyên liệu sẵn trong nước như bã sắn, cám điều chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước, còn lại vẫn phải dựa vào nhập khẩu.

Bên cạnh đó, câu hỏi về mức độ an toàn khi người dân tự phối trộn cũng được đặt ra.

Theo ông Đoán, trước khi có dịch tả heo châu Phi, mỗi lần giá cám tăng, người dân được khuyến cáo là tự phối trộn bằng những nguyên liệu có sẵn. Việc này đem lại một phần hiệu quả cho việc chăn nuôi. 

Tuy nhiên, từ khi có dịch tả heo châu Phi, việc tự trộn sẽ không an toàn bằng việc sử dụng cám đã được xử lý kỹ từ các nhà máy. Mặc dù giá cám công nghiệp cao nhưng đổi lại là sự an toàn cho chăn nuôi



H.Mĩ

[LIVE] ĐHĐCĐ Khang Điền: Mở bán khu thấp tầng dự án liên doanh với Keppel Land từ cuối năm 2024, kinh doanh giai đoạn 1 KCN Lê Minh Xuân vào năm 2025
Theo kế hoạch năm nay, Khang Điền sẽ mở bán các sản phẩm nhà phố, biệt thự ở TP Thủ Đức và chuẩn bị đưa vào kinh doanh khu công nghiệp khi điều kiện thuận lợi.