|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lúa gạo hôm nay 22/10: Thị trường ít biến động, gạo Thái Lan và Pakistan quay đầu giảm

16:42 | 22/10/2024
Chia sẻ
Giá lúa gạo hôm nay (22/10) ít biến động so với ngày hôm qua, chỉ có duy nhất gạo IR 504 tăng nhẹ 50 đồng/kg. Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam vẫn ổn định trong khi Thái Lan và Pakistan lại giảm nhẹ.

Giá lúa gạo hôm nay

Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 21/10 

Khảo sát tại An Giang cho thấy, giá lúa hôm nay (22/10) không có điều chỉnh mới so với ngày hôm qua.

Theo đó, Đài thơm 8 và lúa Nhật được giao dịch ở mức cao nhất là 7.800 - 8.000 đồng/kg; tiếp đến là lúa OM 18 dao động 7.500 - 7.800 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.200 – 7.400 đồng/kg; OM 380 có giá 7.200 - 7.300 đồng/kg.

Cùng thời điểm khảo sát, nếp IR 4625 (khô) đi ngang ở mức 9.600 – 9.800 đồng/kg, nếp Long An 3 tháng (khô) dao động 9.800 – 10.000 đồng/kg.

Giá lúa ĐVT Giá mua của thương lái (đồng) Tăng (+), giảm (-) so với hôm trước
- Nếp Long An 3 tháng (khô) kg 9.800 – 10.000 -
- Nếp Long An IR 4625 (khô) kg 9.600 – 9.800 -
- Lúa IR 50404 kg 6.800 - 7.000 -
- Lúa Đài thơm 8 Kg 7.800 - 8.000 -
- Lúa OM 5451 Kg 7.200 - 7.400  -
- Lúa OM 18 kg 7.500 – 7.800 -
- OM 380 kg 7.200 - 7.300 -
- Lúa Nhật kg 7.800 - 8.000 -
Giá gạo   Giá bán tại chợ(đồng) Tăng (+), giảm (-) so với hôm qua
-  Nếp ruột kg 18.000 - 22.000 -
- Gạo thường kg 15.000 - 16.000 -
- Gạo Nàng Nhen kg 28.000 -
- Gạo thơm thái hạt dài kg 20.000 - 22.000 -
- Gạo thơm Jasmine kg 18.000 - 20.000 -
- Gạo Hương Lài kg 23.000 -
- Gạo trắng thông dụng kg 17.500 -
- Gạo Nàng Hoa kg 21.500 -
- Gạo Sóc thường kg 18.500 -
- Gạo Sóc Thái kg 21.000 -
- Gạo thơm Đài Loan kg 21.000 -
- Gạo Nhật kg 22.000 -
- Cám kg 9.000 - 10.000 -

Bảng giá lúa gạo hôm nay 22/10 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)

Cũng tại chợ An Giang, giá gạo thường tiếp tục ấn định trong khoảng 15.000 - 17.500 đồng/kg, gạo thơm 17.000 - 23.000 đồng/kg.

Còn tại các khu vực khác của Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu tăng 50 đồng/kg, lên mức 10.500 - 10.750 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 cũng tăng 50 đồng/kg có giá 12.650 – 12.800 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá cám khô đi ngang ở mức 5.900 - 6.000 đồng/kg; tấm thơm có giá 9.500 – 9.600 đồng/kg.

Diễn biến giá gạo nguyên liệu từ tháng 10/2022 đến nay

Nguồn: Wichart 

Giá gạo xuất khẩu

Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang neo ở mức 534 USD/tấn, cao nhất trên thị trường châu Á.

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan quay đầu giảm 7 USD/tấn sau khi tăng vào tuần trước, xuống còn 511 USD/tấn.

Sản phẩm cùng loại của Pakistan cũng giảm 5 USD/tấn, xuống chỉ còn 476 USD/tấn, mức thấp nhất trên thị trường.

Còn tại Ấn Độ, nhà cung cấp hàng đầu thế giới đang chào bán gạo trắng 5% tấm ở mức 488 USD/tấn, ổn định so với phiên giao dịch trước.

Theo VFA, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) mới đây đã ban hành đấu thầu quốc tế để mua khoảng 340.000 tấn gạo từ Thái Lan, Campuchia, Việt Nam hoặc Pakistan. Ngày cuối cùng để nộp giá chào thầu là ngày 30/10/2024, thời gian giao hàng từ tháng 11 đến tháng 12 năm nay.

Bulog được cho là đang tìm mua gạo trắng 5% tấm từ vụ mùa 2024 và xay xát không quá sáu tháng.

Trước đó, trong phiên đấu thầu gạo quốc tế gần đây nhất vào ngày 25/9, Bulog đã mua khoảng 450.000 tấn từ Pakistan, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan.

Đấu thầu là một phần trong quyết định của chính phủ Indonesia về việc nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo trong năm nay để giải quyết tình trạng sản lượng thấp hơn và giá cao liên quan trong điều kiện hạn hán do El Nino gây ra.

Theo Cơ quan Thống kê của Indonesia, sản lượng gạo xay xát của Indonesia năm 2024 ước tính đạt 30,34 triệu tấn, giảm khoảng 2,435 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan Thống kê của Indonesia (BPS) cho biết, nhập khẩu gạo của nước này trong 8 tháng đầu năm đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất với khối lượng đạt 1,13 triệu tấn, tăng 41,5% và chiếm 37,1% thị phần. Đứng thứ hai là Việt Nam với 868.871 tấn, tăng 28,9% và chiếm 28,4%; đặc biệt Pakistan tăng 921,7%, đạt 45.326 tấn; Myanmar tăng 78 lần… 

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, với khối lượng đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 624,8 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 35,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường này chiếm 14,8% về lượng và 14,4% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu sang Indonesia tăng 15,6%, đạt bình quân 605 USD/tấn.

Hoàng Hiệp