Giá lúa gạo hôm nay 20/5: Duy trì xu hướng đi ngang trong phiên giao dịch cuối tuần
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (20/5) tiếp tục chững lại trên diện rộng. Cụ thể, lúa IR 50404 (khô) thu mua tại mức 6.500 đồng/kg, lúa IR 50404 (tươi) hiện có giá 5.400 - 5.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 giữ mốc 5.800 - 6.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 đạt mốc 5.700 - 5.800 đồng/kg, lúa Nhật có giá là 8.000 - 8.500 đồng/kg
Tương tự, các giống lúa OM cũng không có điều chỉnh mới nào trong hôm nay, OM 5451 đang neo ở mốc 5.600 - 5.700 đồng/kg và OM 18 đang giao dịch với giá 5.800 - 5.900 đồng/kg.
Giá các loại nếp đứng yên ở tất cả các giống nếp được khảo sát. Theo đó, nếp AG (khô) dao động trong khoảng 7.700 - 7.800 đồng/kg, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột duy trì khoảng giá là 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 20/5 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Tại chợ An Giang, giá gạo vẫn bình ổn trong nhiều ngày liên tiếp. Gạo thường có giá không đổi là 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen có giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật đi ngang tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần.
Tiến tới xây dựng thương hiệu lúa thơm, tôm sạch vùng đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu khai mạc diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp, đồng chí Trần Thanh Nam cho biết mô hình tôm - lúa phát triển từ năm 2000 khi Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả sang nuôi tôm, theo Tin tức miền Tây.
Tuy nhiên, mô hình canh tác tôm - lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, bất cập về tổ chức, chỉ đạo sản xuất, kỹ thuật, biến đổi khí hậu, kết cấu hạ tầng, thị trường, quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh, công tác khuyến ngư và khoa học, công nghệ…
Theo các chuyên gia về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, mô hình tôm - lúa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bộc lộ một số bất lợi như người dân chưa được tập huấn kỹ thuật nuôi thường xuyên, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm nên năng suất không ổn định; người dân ít quan tâm đến chất lượng con giống,…
Các đại biểu thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp để phát triển bền vững mô hình tôm - lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó mong các địa phương đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng, nhất là thủy lợi phục vụ sản xuất tôm - lúa; quy hoạch vùng nuôi tôm - lúa tập trung và tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ để tạo thuận lợi cho việc quản lý môi trường nuôi và xử lý chất thải ra môi trường.
Các mô hình trình diễn khuyến nông sau khi triển khai có hiệu quả tại địa phương cần bố trí bổ sung kinh phí để nhân rộng; khuyến khích triển khai mô hình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, theo VietGAP, theo hướng hữu cơ, nhất là quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; xây dựng tổ hợp tác, mô hình tôm - lúa theo chuỗi giá trị đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Các địa phương tăng cường tập huấn cho nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất sản phẩm thủy sản sạch, đảm bảo chất lượng trước khi cung ứng ra thị trường…
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, đồng chí Trần Thanh Nam đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt tập hợp các ý kiến đóng góp tại diễn đàn tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề xuất giải pháp nhằm đưa sản xuất tôm - lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Qua diễn đàn này, đồng chí Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương rà soát lại quy hoạch sản xuất vùng tôm - lúa hợp lý để tính toán đầu tư về hạ tầng thủy lợi khép kín phục vụ nuôi tôm và trồng lúa.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng với Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt xây dựng khung chương trình đào tạo chuẩn để định hướng tập huấn cho người dân sản xuất tôm - lúa bền vững, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa thơm, tôm sạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.