Giá lúa gạo hôm nay 16/6: Một vài giống lúa quay đầu giảm 50 đồng/kg
Giá lúa gạo hôm nay
Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 17/6
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (16/6) có chiều hướng trái ngược so với phiên giao dịch trước đó khi lúa IR 50404 giảm 50 đồng/kg xuống còn 5.500 - 5.650 đồng/kg.
Nhiều giống lúa khác không có biến động mới trong ngày. Cụ thể, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá niêm yết là 5.800 - 6.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 dao động trong khoảng 5.900 - 6.200 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá là 8.000 - 8.500 đồng/kg.
Giá các loại nếp tiếp tục đi ngang theo xu hướng thị trường. Theo đó, nếp AG (khô) giữ mốc 7.700 - 7.800 đồng/kg, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột tiếp tục neo trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 16/6 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
So với ngày hôm qua, giá gạo nguyên liệu đã ổn định trở lại với giá thu mua không đổi so với trước. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 - 8.850 đồng/kg, giá tấm IR 504 ở mức 8.600 đồng/kg, giá cám khô 8.900 - 9.100 đồng/kg.
Giá gạo bán lẻ tại chợ An Giang chững lại, nhiều thương lái chọn bình ổn giá để tăng sức mua. Theo ghi nhận, giá gạo thường hiện neo tại mốc 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần và cám với giá là 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Hà Nội: Thâm canh lúa cải tiến - mở hướng phát triển mới
Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thâm canh lúa theo phương pháp SRI (System of Rice Intensification) - còn gọi là thâm canh lúa cải tiến, theo báo Hà Nội Mới.
Thâm canh lúa cải tiến thực chất là hệ thống canh tác dựa trên các nguyên tắc cơ bản sử dụng mạ non để tận dụng được những dảnh hữu hiệu ngay từ ban đầu. Gieo cấy thưa để phát huy khả năng quang hợp, tạo sự thông thoáng trong hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế sâu bệnh, tạo điều kiện cho các dảnh lúa có khả năng phát triển thành dảnh hữu hiệu.
Chương trình thâm canh lúa cải tiến theo phương thức SRI của Hà Nội đã được thực hiện từ rất sớm (cách đây 20 năm), bắt đầu từ việc tổ chức mô hình điểm ở các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ... và mở lớp tập huấn cho các nhóm nông dân thực hiện.
Theo đó, cán bộ chuyên môn của ngành Nông nghiệp được đưa về địa phương, thực hiện “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất với nông dân - từ khi xuống giống đến khi thu hoạch. Các lớp tập huấn kéo dài ít nhất 3 tháng. Hằng ngày, sau bài học lý thuyết, cán bộ cùng nông dân ra đồng thực hành ngay trên đồng ruộng.
Một số địa phương trên địa bàn thành phố đã áp dụng phương thức SRI toàn phần với diện tích lớn mang lại hiệu quả cao như: Giảm 50 - 70% giống, giảm lượng phân bón, giảm một số loại sâu bệnh (sâu cuốn lá, đạo ôn, khô vằn), năng suất tăng 10-12%, lợi nhuận trung bình tăng 5 triệu đồng/ha.
Tính chung toàn thành phố, việc thực hiện SRI trên lúa đã làm giảm 20-25% lượng phân đạm, giảm được 45 - 55% giống và thuốc bảo vệ thực vật (giảm 2 lần/vụ). Đến vụ xuân 2022, diện tích thực hiện SRI trên địa bàn thành phố đã đạt 62.588,8ha (chiếm 74,86% diện tích lúa).
Áp dụng thâm canh lúa theo phương thức SRI mang lại nhiều lợi ích, giúp nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập... Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào, việc đưa phương thức canh tác SRI vào đồng ruộng cũng thuận lợi. Chỉ một khâu trong phương pháp SRI là cấy thưa cây, ít rảnh để nông dân thay đổi được thói quen cấy mau, cấy nhiều dảnh cũng đã mất rất nhiều thời gian, công sức tập huấn, vận động dưới nhiều hình thức.
Chương trình thâm canh lúa cải tiến theo phương thức SRI yêu cầu định kỳ rút nước 2-3 lần/vụ, do vậy tưới - tiêu nước là khâu khó nhất trong quá trình thực hiện, đòi hỏi phải có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, giao thông nội đồng... Nếu người nông dân có kiến thức, nắm được quy trình thâm canh mà các yếu tố khác về điều kiện sản xuất không đáp ứng được thì khi áp dụng phương pháp SRI cũng sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp leo thang, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thâm canh lúa cải tiến sẽ giúp ngành lúa gạo Hà Nội đạt nhiều mục tiêu tích cực. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ mở rộng diện tích thâm canh lúa cải tiến theo phương thức SRI lên tới hơn 90% diện tích lúa. Qua đó hạn chế đáng kể lượng khí metan thải vào không khí, cũng như tiết kiệm nước..., góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp phát triển xanh, sạch, chất lượng và bền vững.