Giá hàng hóa Trung Quốc giảm trên toàn cầu và mối nguy hại đối với kinh tế thế giới
Ảnh: Bloomberg
Giá hàng hóa rẻ không phải lúc nào cũng tốt
Là một thách thức mới đối với mục tiêu phục hồi lạm phát của nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu, việc Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP chạm đáy của gần ba thập kỉ và chi phí năng lượng rẻ đã khiến giá hàng hóa giảm dần kể từ tháng 7 năm nay.
Mặc dù giá hàng hóa rẻ hơn có thể là một lợi ích cho người tiêu dùng nước ngoài khi Giáng sinh gần kề, nó có thể gây ra tình trạng giảm giá liên tục trên toàn thế giới vì doanh nghiệp khắp mọi nơi buộc phải cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc để bảo vệ nguồn lợi nhuận.
Tình trạng trên cũng làm tăng thêm căng thẳng cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo nhận định của Bloomberg.
"Các yếu tố địa chính trị trên thế giới ngày càng tác động mạnh đến lạm phát, và đặc biệt là làn sóng cắt giảm lạm phát từ Trung Quốc", theo nhận định của hai nhà kinh tế Stephen Jen và Joana Freire từ công ty tư vấn Eurizon SLJ Capital.
Hai nhà kinh tế cho biết tình trạng này có liên quan đến việc Trung Quốc cố xuất khẩu phần công suất dư thừa ra nước ngoài do nhu cầu nội địa yếu, căng thẳng thương mại và thiếu kích thích kinh tế.
Hai chuyên gia còn dự đoán sự đi xuống của chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ đè nặng lên tỉ lệ lạm phát ở Mỹ và châu Âu, tương tự như trong giai đoạn 2014 - 2016. Chỉ số PPI tại Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã chuyển sang mức tăng trưởng âm.
Nguồn: Bloomberg/Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc
Dữ liệu mới công bố vào hôm 9/11 đã nêu bật vấn đề trên, khi mà giá sản xuất của Trung Quốc giảm lần thứ tư trong năm nay vào tháng 10 vừa qua. Chi phí đầu vào và giá năng lượng đã giảm kể từ tháng 6, từ đó kéo tụt chi phí cho nhà sản xuất.
Tuy nhiên, tiết kiệm chi phí không giúp cho biên lợi nhuận doanh nghiệp đi lên vì nhu cầu trong nước không lớn và công suất dư thừa, dẫn tới nhiều nhà sản xuất buộc phải hạ giá chào bán.
Vấn đề nằm ở chỗ, trong khi giá sản phẩm giảm, các khoản vay vốn lại không giảm theo, khiến ngành công nghiệp mang gánh nặng nợ nần của Trung Quốc khó xoay xở.
Các công ty tư nhân của Trung Quốc tuyên bố vỡ nợ trái phiếu trong năm nay với tỉ lệ cao gấp đôi so với năm 2018, và chính phủ đang lo lắng về sức khỏe của ngành ngân hàng.
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang làm tê liệt hoạt động đầu tư tài sản cố định và gây ra một cú sốc giảm phát lớn", nhà phân tích Chua Hak Bin tại Maybank Kim Eng Research (Singapore) nhận định.
Theo ông Chua, thuế quan trừng phạt của Mỹ đang chuyển hướng công suất và nguồn cung dư thừa của Trung Quốc sang các nước thứ ba, và nhiều doanh nghiệp cũng như quốc gia có thể sẽ cảm thấy áp lực giảm phát trong tương lai.
Ảnh hưởng của Trung Quốc ăn sâu vào kinh tế thế giới
Rủi ro giảm phát cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới và đối với nhiều doanh nghiệp, Trung Quốc là bên quyết định giá cả.
Trung Quốc chiếm 12% tổng giao dịch thương mại toàn cầu năm 2018, tức nền kinh tế đơn lẻ lớn nhất trong cơ cấu thương mại thế giới. Theo một phân tích năm 2016 của các nhà kinh tế tại ngân hàng Bundesbank, cú sốc giá của Trung Quốc chiếm khoảng 6% lạm phát trung bình của thế giới.
Tương tự như những gì xảy ra trong giai đoạn 2014 - 2016, dòng hàng hóa rẻ tiền từ Trung Quốc sẽ khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới gặp khó khăn hơn trong việc duy trì lạm phát ổn định.
Giá tiêu dùng ở Nhật Bản, Đức và Mỹ hiện đã ở dưới mức lạm phát mục tiêu (khoảng 2%) và nếu giá hàng nhập khẩu tiếp tục giảm sâu, các ngân hàng trung ương sẽ khó hoàn thành mục tiêu hơn.
Nguồn: Bloomberg/Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Cục Thống kê Lao động Mỹ, Eurostat, Cục Thống kê Nhật Bản
Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất đối với Mỹ và Nhật Bản, và lớn thứ hai đối với Đức (chỉ sau Hà Lan).
Ảnh hưởng từ việc giá hàng hóa Trung Quốc giảm đã được thể hiện trong dữ liệu của một số đối tác thương mại của nước này, trong đó giá máy móc, kim loại, quần áo và hóa chất Trung Quốc nhập khẩu vào Nhật Bản đều giảm; tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Mỹ.
Đức và Hàn Quốc không cung cấp phân tích nào về tác động của giá hàng hóa Trung Quốc đối với nền kinh tế trong nước.
Ngoài việc chỉ số PPI giảm, việc doanh nghiệp Trung Quốc giảm giá hàng hóa để bù cho tác động của thuế quan có thể ảnh hưởng đến giá sản phẩm xuất sang Mỹ.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân của tình trạng trên có thể bắt nguồn từ việc đồng nhân dân tệ suy yếu so với đồng USD, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trong mắt doanh nghiệp nước ngoài.
Nguồn: Bloomberg/Bộ Tài chính Nhật Bản, Cục Thống kế Lao động Mỹ
Tuy nhiên, mức độ giảm phát của nền kinh tế Trung Quốc không thể tồi tệ như mức thấp (-5,9%) ghi nhận vào năm 2015, và phần lớn nguyên nhân của tình trạng giảm phát hiện tại đến từ việc giá năng lượng và hàng hóa rẻ hơn, theo ông Michael Shaoul của công ty Marketfield Asset Management.
Nếu giá năng lượng ổn định, chỉ số PPI của Trung Quốc có thể về ngưỡng cân bằng hơn. Các nhà kinh tế dự đoán giá sản xuất sẽ chạm đáy trong quí IV trước khi phục hồi nhẹ.
Đối với giá tiêu dùng tại Trung Quốc, thang đo chung thực chất đang tăng do giá thịt heo tăng vọt, đẩy chi phí thực phẩm lên cao. Chính điều này đã đẩy giá thịt xông khói toàn cầu cũng như các sản phẩm thịt khác đi lên.
"Tình trạng giảm phát giá sản xuất của Trung Quốc là kết quả chung của việc giá cả hàng hóa thấp và nhu cầu nội địa yếu", ông Chilo, nhà kinh tế cấp cao tại công ty BNP Paribas Asset Management, khẳng định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/