Thung lũng Silicon của Trung Quốc lao đao vì thấm đòn Mỹ
Theo South China Morning Post, tốc độ tăng trưởng của Thâm Quyến là một chỉ số quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Bởi đây là nơi các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei và Tencent đặt đại bản doanh.
Chính phủ Trung Quốc thông báo nền kinh tế Thâm Quyến chỉ tăng trưởng 6,6% trong ba quý đầu năm nay. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế vào năm 1979.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của Thâm Quyến trong hai quý đầu đạt 7,4%. Điều đó cho thấy kinh tế thành phố này tụt dốc nghiêm trọng trong quý III.
Thâm Quyến được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc". Ảnh: South China Morning Post.
Nền kinh tế chủ chốt
Nền kinh tế Thâm Quyến giảm tốc do sự sụt giảm của đầu tư tư nhân. Thống kê cho thấy tăng trưởng đầu tư tư nhân giảm 0,3% trong ba quý đầu năm. Mục tiêu tăng trưởng của “Thung lũng Silicon của Trung Quốc” là 7,0% trong năm nay, trong khi mục tiêu toàn quốc là 6% đến 6,5%.
Tương tự Thâm Quyến, tốc độ tăng trưởng chung của Trung Quốc cũng lao dốc xuống 6% trong quý III, mức thấp nhất kể từ tháng 3/1992.
South China Morning Post nhận định sự sụt giảm của nền kinh tế Thâm Quyến gây áp lực lớn lên Bắc Kinh. Chính quyền Bắc Kinh có tham vọng biến Thâm Quyến thành thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu ở Trung Quốc và toàn thế giới.
Thâm Quyến cũng là nền kinh tế lớn nhất tham gia vào dự án Greater Bay Area, một sáng kiến kinh tế bao gồm 8 thành phố của Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau. Bắc Kinh muốn khu vực này trở thành một trung tâm kinh tế và công nghệ ngang tầm San Francisco (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản).
Tuy nhiên, nền kinh tế Thâm Quyến lao dốc và tình trạng suy thoái của Hong Kong khiến tham vọng này trở nên khó đạt hơn bao giờ hết.
Thâm Quyến là quê hương của gã khổng lồ công nghệ Huawei. Ảnh: SCMP.
Tổn thất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được thể hiện rõ trong các dữ liệu kinh tế mới nhất của quốc gia 1,4 tỷ dân, với xuất khẩu giảm 9,3% trong 3 quý đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, dù nhập khẩu vẫn tăng 4,8%.
“Nhập khẩu của Thâm Quyến giảm mạnh. Một mặt, có thể do các doanh nghiệp Thâm Quyến không muốn mở rộng sản xuất và giảm nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất. Mặt khác, Mỹ cũng giảm xuất khẩu sản phẩm và thiết bị công nghệ cao cho các công ty công nghệ Thâm Quyến”, SCMP dẫn lời Phó chủ tịch Guo Wanda của Viện Phát triển Trung Quốc.
“Đầu tư và tiêu dùng cũng giảm mạnh. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp tiếp theo để ổn định đầu tư công nghiệp và đầu tư tư nhân, ngăn chặn các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực truyền thống và công nghiệp rời khỏi Trung Quốc do chi phí tăng cao”, ông bổ sung.
Ông Guo hy vọng các doanh nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến sẽ tiếp tục rót vốn để nghiên cứu và phát triển nhằm áp dụng công nghệ mới như công nghệ 5G.
Viễn cảnh ảm đạm của kinh tế Trung Quốc
Mặc dù đầu tư khu vực tư nhân giảm mạnh, tổng đầu tư tài sản cố định vẫn tăng 17,9% trong 3 quý đầu tiên nhờ các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ. Nhưng tăng trưởng tiêu dùng tư nhân cũng chậm lại với tốc độ tăng trưởng giảm từ 7,7% trong nửa đầu năm xuống còn 6,8%.
Tăng trưởng sản xuất tại những công ty công nghiệp lớn - các công ty có doanh thu hàng năm vượt quá 2,9 triệu USD - giảm từ 7,4% trong nửa đầu năm 2019 xuống còn 5,3% sau 3 quý đầu năm.
Tăng trưởng sản xuất tiên tiến và sản xuất công nghệ cao cũng giảm lần lượt 3,1% và 2,9%.
“Những người trong ngành của tôi vẫn than vãn rằng công việc kinh doanh rất khó khăn, nhưng dữ liệu GDP của Thâm Quyến vẫn khiến tôi ngạc nhiên. Đó là bằng chứng thép cho thấy nền kinh tế đang rất tệ hại”, Cindy Huang, nữ nhân viên bán hàng lâu năm tại khu trung tâm thương mại của Thâm Quyến, than thở.
Sự sụt giảm của nền kinh tế Thâm Quyến cho thấy tình hình kinh tế của đất nước tỷ dân đang rất tệ hại. Ảnh: SCMP.
Theo Huang, áp lực ngày càng gia tăng đối với chủ của các tòa nhà văn phòng tại Thâm Quyến. Họ phải giảm giá thuê nhà vì tỷ lệ văn phòng trống gia tăng. Nhìn chung, một phần ba tỉnh thành của Trung Quốc không đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong 3 quý đầu năm.
Chỉ Quảng Đông, tỉnh giàu nhất Trung Quốc, tăng trưởng 6,4% trong 3 quý đầu năm, đạt mục tiêu tăng trưởng và vượt tỷ lệ quốc gia.
“Vì cuộc chiến thương mại và sự thắt chặt kiểm soát của chính phủ, nhiều doanh nghiệp trong nước đối mặt với rủi ro và khó khăn mới trong hoạt động. Các quan chức địa phương trở nên thận trọng và không sẵn sàng thúc đẩy cải cách kinh tế. Rất khó để đo lường kết quả tổn thất kinh tế trực tiếp nhưng tác động là rất lớn và lâu dài”, SCMP dẫn lời một chuyên gia ở Quảng Đông nhận định.
Cuộc biểu tình ở Hong Kong cũng có tác động tiêu cực đến ngành du lịch ở Thâm Quyến và tỉnh Quảng Đông nói chung. “Cho đến nay, một vài dự án đầu tư ở Hong Kong đã bị trì hoãn hoặc chuyển khỏi Quảng Đông vì các cuộc biểu tình”, ông này nói thêm.
Năm ngoái, GDP Thâm Quyến tăng 7,5% lên 352,71 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 0,5%.