Thâm Quyến - Biểu tượng thành công của cải cách mở cửa của Trung Quốc
Thời điểm này, Trung Quốc đang tất bật chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Việc nhìn lại thành tựu cố nhiên quan trọng, nhưng hướng tới tương lai với "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa" mới là mục tiêu Trung Quốc nhắm đến.
Theo lộ trình lãnh đạo nước này đề ra, 30 năm nữa, vào đúng dịp 100 năm thành lập nước, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại.
Vậy hình hài của một cường quốc XHCN hiện đại sẽ ra sao? Bên cạnh Khu mới Hùng An, một phần câu trả lời còn nằm ở biểu tượng thành công của cải cách mở ở TQ - Thâm Quyến.
Từ một làng chài nghèo của tỉnh Quảng Đông nhìn sang Hong Kong qua con sông Thâm Quyến và chỉ cách nhau có 20m, giờ đây GDP của thành phố Thâm Quyến (gần 2422,2 tỷ Nhân dân tệ) đã lần đầu tiên vượt GDP của Hong Kong (hơn 2400 tỷ Nhân dân tệ) vào cuối năm 2018.
Từ một trung tâm chuyên sản xuất những mặt hàng gia dụng hay dệt may đơn giản, Thâm Quyến hiện đã là một trung tâm công nghệ thông tin với các tập đoàn khổng lồ, bao gồm Tencent, ZTE và Huawei.
Trụ sở Tencent tại Thâm Quyến
Bà Trương Hân, Phó Ban Thư ký Ủy ban sáng tạo khoa học công nghệ thành phố Thâm Quyến cho biết: “Những năm gần đây, Thâm Quyến coi phát triển đổi mới sáng tạo là chiến lược chủ đạo của thành phố; không ngừng hoàn thiện chuỗi sinh thái sáng tạo kết hợp giữa nghiên cứu nền tảng, đột phá cộng nghệ, công nghiệp hóa thành quả và tài chính khoa học công nghệ; hình thành nên hệ thống sáng tạo lấy doanh nghiệp làm chủ thể, do thị trường dẫn dắt, kết hợp sâu rộng giữa doanh nghiệp với các trường, viện, là ngọn cờ đầu trong phát triển ngành công nghệ cao mới trên cả nước.”
Điều đáng nói là, Thâm Quyến - biểu tượng thành công của “cải cách mở cửa” thời kỳ đầu ở Trung Quốc, không chỉ là “động lực cốt lõi” của Vùng vịnh lớn kết nối 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông và 2 khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Macao theo một quyết định hồi đầu năm nay, mà giờ đây một lần nữa trở thành thành phố hình mẫu đi đầu trong công cuộc “cải cách mở cửa” 2.0 của Trung Quốc.
Tháng 8 vừa qua, Đảng và chính phủ Trung Quốc đã công bố toàn văn “Ý kiến về việc ủng hộ xây dựng thành phố Thâm Quyến thành Khu kiểu mẫu đi đầu của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Theo đó, Thâm Quyến sẽ được ưu tiên hỗ trợ và thí điểm về chính sách, nhân lực vật lực để đi đầu trong việc thiết lập hệ thống kinh tế hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển chất lượng cao, tập trung vào các ngành dịch vụ hiện đại và công nghệ cao, như: 5G và trí tuệ nhân tạo, văn hóa số và văn hóa sáng tạo, nghiên cứu tiền số và ứng dụng sáng tạo thanh toán di động, thông tin và thiết bị y tế, hàng hải...
Một vườn ươm sáng tạo tại Khu mới Tiền Hải ở thành phố Thâm Quyến.
Mục tiêu của Trung Quốc là đến năm 2035, sự phát triển chất lượng cao của Thâm Quyến sẽ trở thành điển hình trong toàn quốc, năng lực cạnh tranh kinh tế tổng hợp dẫn đầu thế giới, là thành phố sáng tạo khởi nghiệp có sức ảnh hưởng toàn cầu và thành phố hình mẫu khi Trung Quốc xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại; đến giữa thế kỷ 21 trở thành một trong những thành phố tiên tiến trên thế giới, có sức cạnh tranh, sáng tạo và ảnh hưởng to lớn mang tầm cỡ như một hình mẫu trên toàn cầu.
Với những cơ hội được trao từ chính quyền Trung ương, hẳn nhiều người sẽ cho rằng, sớm muộn Thâm Quyến cũng sẽ thay thế vị trí của Hong Kong trong nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Tôn Duy Đức, quan chức Ủy ban Cải cách phát triển thành phố Thâm Quyến đã bác bỏ điều này.
“Nhà nước chúng tôi công bố Cương yếu Quy hoạch Vùng vịnh lớn đã nêu rõ, Hong Kong, Macao, Quảng Châu, Thâm Quyến là 4 thành phố hạt nhân. Thâm Quyến là một trong những thành phố hạt nhân, theo như yêu cầu của Trung ương, chúng tôi phải xây dựng Khu kiểu mẫu đi đầu của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và thành phố hình mẫu của nhà nước xã hội chủ nghĩa, điều này không đồng nghĩa với việc Thâm Quyến sẽ thay thế Hong Kong, Thâm Quyến chúng tôi từ trước đến nay luôn học hỏi Hong Kong, phục vụ Hong Kong” - ông Tôn Duy Đức nói.
Với nhiều chính sách thông thoáng, ưu đãi, cùng hàng loạt các vườn ươm công nghệ được thành lập với những khoản hỗ trợ lớn cho các ý tưởng sáng tạo, nhằm thu hút các công ty khởi nghiệp của Hong Kong, Macao, Thâm Quyến - biểu tượng thành công sau 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc, hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến của những tập đoàn công nghệ. Và có thể, 30 năm sau, vào lúc Trung Quốc kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 100 của mình, những công ty non trẻ của ngày hôm nay lại trở thành những cái tên tương tự như Huawei hay Tencent.