Tăng trưởng GDP Trung Quốc tiếp tục xuống mức thấp chưa từng thấy 6%, dự báo sẽ còn khó khăn
Cục thống kê Trung Quốc vừa cho biết GDP quí III của nước này tăng trưởng 6% so với cùng kì năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi có số liệu so sánh năm 1992 và thấp hơn con số 6,1% mà các nhà phân tích dự báo.
Tăng trưởng GDP quí II của Trung Quốc đạt 6,2%, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1992 tính đến thời điểm đó.
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quí của Trung Quốc, từ quí IV/2016 đến quí III/2019. Nguồn: Tradingeconomics.com.
Sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng 5,8%. Doanh số bán lẻ tăng 7,8% trong khi đầu tư tăng 5,4% trong 9 tháng đầu năm.
Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang để cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng chậm lại nhằm cố gắng làm sạch hệ thống tài chính và hạn chế tăng trưởng tín dụng quá nóng.
Xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu trong bối cảnh chiến tranh thương mại căng thẳng, lợi nhuận doanh nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi áp lực giảm phát và do vậy toàn nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ chật vật trong thời gian tới.
Tính chung ba quí đầu năm nay, GDP Trung Quốc tăng trưởng 6,2%, vẫn trong khoảng mục tiêu cả năm 6% - 6,5% mà chính phủ nước này đề ra.
Cho đến nay, các cơ quan quản lí Trung Quốc chỉ tập trung vào các biện pháp kích thích mang tính hạn chế, chọn lọc như giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc và hỗ trợ tín dụng do lo ngại làm nặng thêm gánh nợ khổng lồ của quốc gia.
Ông Li Wei – chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng Standard Chartered Thượng Hải nhận định: "Đà tăng trưởng đã chậm lại từ nửa sau năm 2018 do ngành công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng yếu đi. Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài giờ đã vượt xa khỏi phạm vi thương mại và tác động rất tiêu cực tới tâm lí người dân".
"Nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ còn tung ra nhiều chính sách kích thích nữa khi tốc độ tăng trưởng kinh tế sắp rớt khỏi khoảng mục tiêu", ông Li Wei dự đoán.
Tỉ trọng đóng góp của hoạt động tiêu dùng vào tăng trưởng GDP tăng từ 55,3% trong quí II lên 60,5% trong quí III. Đóng góp của hoạt động đầu tư giảm từ 25,9% xuống còn 19,8%.
Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại công ty chứng khoán Macquarie ở Hong Kong nhận định:
"Với quan điểm chính sách như hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tiếp tục giảm tốc. Do tổng cầu suy yếu, chính phủ Trung Quốc phải tự mình tạo ra nhu cầu bằng cách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngay cả một thỏa thuận thương mại cũng không thể thay thế được chính sách đẩy mạnh kích thích kinh tế".
Ông Bo Zhuang - phụ trách nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại TS Lombard dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm còn 5,8% trong quí IV và tăng trưởng cả năm sẽ là 6,1%.
Khó từ trong ra ngoài
Trong thông cáo chính thức của mình, Cục Thống kê Trung Quốc cũng thừa nhận "nền kinh tế đang gặp áp lực giảm tốc ngày càng lớn" vì các vấn đề bất ổn nghiêm trọng ở trong cũng như ngoài nước.
Theo Financial Times, mối lo ngại lớn nhất của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình vào lúc này là cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong tháng 9, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 3,2% cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến đã tăng đáng kể so với một năm trước.
Các nhà sản xuất giúp tạo ra ngành công nghiệp xuất khẩu hùng mạnh của Trung Quốc cũng thiệt hại vì thương chiến. Trong tháng 9, chỉ số giá sản xuất giảm 1,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2017 trước khi thương chiến nổ ra.
Ở trong nước, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch tả heo châu Phi hoành hành khiến cho giá thịt heo tháng 9 tăng sốc gần 70% so với cùng kì. Các chính quyền địa phương trước đây vẫn hay xây dựng đường xá, cầu cống để giúp chính phủ đạt mức tăng trưởng mục tiêu thì hiện nay đang hết dự án khả thi để đầu tư.
Nhiều ngân hàng nhỏ cũng chịu áp lực vì "cục máu đông" nợ xấu khiến họ không còn khả năng cho vay ngay cả các doanh nghiệp tư nhân khỏe mạnh.