Giá điện bình quân có thể tăng lên 2.200 đồng/kWh vào năm 2030
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Ðiện VIII), báo Thanh Niên đưa tin.
Theo Bộ Công Thương, giá điện bình quân (quy về USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 US cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4 - 9,4 US cent/KWh (khoảng 1.982 - 2.219 đồng/KWh) vào năm 2030. So với phương án phụ tải cơ sở, giá điện bình quân sẽ cao hơn 10% vào năm 2030. Giai đoạn 2031 - 2050, ước tính giá điện bình quân tăng trong khoảng 10,8 - 11,4 US cent/KWh.
Hiện nay, mức giá bán lẻ điện bình quân vẫn được áp dụng theo mức từ năm 2019 là 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), tăng 8,36% so với trước đó (1.720,65 đồng/KWh).
Bộ Công Thương cho rằng so với các nước, giá điện của Việt Nam tương đối thấp (bình quân khoảng 7,9 US cent/KWh). Vào năm 2030, giá điện dự kiến 8,4 - 9,4 US cent/KWh thì vẫn thấp hơn giá hiện tại của Indonesia và Thái Lan.
Bộ cũng dẫn chứng giá điện bình quân của một số nước như sau: Malaysia (6,69 cent/kWh), Indonesia (10,07 cent/kWh), Thái Lan (10,74 cent/kWh), Trung Quốc (8,43 cent/kWh), Nhật Bản (21,08), Nga (5 cent/kWh), Đức (32,27 cent/kWh), Mỹ (10,91 cent/kWh), Canada (12,44 cent/kWh)…
Báo Người Lao động dẫn lời TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, cho rằng cần làm rõ các tiêu chí để cơ quan xây dựng quy hoạch đưa ra mức tăng giá điện như trên.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh cần xác định rõ cơ cấu nguồn điện than, thủy điện, điện khí, điện mặt trời, điện gió để có kịch bản giá bình quân phù hợp. Cơ cấu nguồn thay đổi thì giá điện cũng thay đổi bởi việc huy động nguồn khác nhau.
Cần tính toán với mức tăng đó trong giai đoạn tới thì nền kinh tế chịu đựng được không, mục đích làm quy hoạch là phải lường hết được các kịch bản về giá, không thể đưa ra chung chung.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cho biết đã tiếp tục rà soát các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư.
Hiện có 5 dự án hoặc phần dự án đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện với tổng công suất 452,62MW. Cụ thể, đó là nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, dự án điện mặt trời Trung Nam 450MW, dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2, phần dự án Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4.
Ngoài ra, có 11 dự án đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị (tổng công suất 426,6MW), 6 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (tổng công suất 1.481MW) và 3 dự án hoặc phần dự án chủ đầu tư không thực hiện với công suất 60MW. Tổng chi phí đã thực hiện ước tính khoảng 12.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất loại bỏ các dự án điện mặt trời đã chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136MW ra khỏi Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2021-2030, xem xét chấp thuận trong giai đoạn 2031-2045.