|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVN đề nghị được điều chỉnh giá điện kịp thời vì không thể tiếp tục bù lỗ

20:41 | 23/09/2022
Chia sẻ
Đại diện EVN đề nghị được điều chỉnh giá điện kịp thời vì chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm, doanh nghiệp khó tiếp tục bù lỗ.

Tại hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đề nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời, theo báo Vietnamnet.

Thực tế, giá bán điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường nhưng do Nhà nước quy định và điều tiết theo các mục tiêu kinh tế vĩ mô, khó có thể điều chỉnh kịp thời theo biến động của chi phí đầu vào.

Ông Hải cho biết hiện EVN chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo trước như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ; chi phí đầu vào của sản xuất điện tăng cao do tỷ trọng nguồn phát giá thành cao tăng (nguồn năng lượng tái tạo, nguồn than nhập khẩu, giá khí tăng rất cao...).

8 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của EVN gặp rất nhiều khó khăn vì giá thành khâu phát điện (chiếm tỷ trọng rất lớn 82,5% trong giá thành điện thương phẩm) tăng quá cao do giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh (giá than nhập tháng 8 trung bình 417,4 USD/tấn, tăng 3,5 lần so với kế hoạch năm).

Năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp giá bán điện bình quân chưa được tăng kể từ tháng 3/2019.

"EVN đã cố gắng tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... để giảm lỗ, nhưng với các giải pháp trong nội tại EVN đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm", đại diện EVN cho hay.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy doanh thu thuần của tập đoàn tăng tăng 5% so với cùng kỳ lên 221.231 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 17% lên 225.448 tỷ nên tập đoàn lỗ gộp hơn 4.216 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp gần 19.560 tỷ đồng. 

Sau khi trừ đi các chi phí khác, EVN lỗ sau thuế 16.586 tỷ đồng trong nửa đầu năm, riêng công ty mẹ lỗ ròng 17.358 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 6.539 tỷ. Điều này khiến tổng mức lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 6.193 tỷ đồng. 

Hoàng Anh