Giá dầu sẽ còn giảm về 20 USD/thùng?
Giá dầu đã lao dốc trong tuần trước, sau khi OPEC và các đồng minh thất bại trong việc tìm ra một thỏa thuận chung để cắt giảm sản lượng. Một số nhà phân tích đang cảnh báo về tác động của việc giá dầu tiếp tục suy giảm đến nền kinh tế.
Hôm 8/3, ông Adam Crisafulli, người sáng lập công ty phân tích Vita Knowledge nói: "Đối với thị trường chứng khoán, hiện nay dầu thô là vấn đề đáng lo ngại hơn cả dịch COVID-19. Chỉ số S&P 500 không thể bật lên nếu giá dầu Brent cứ giảm tiếp".
Ông Crisafulli lưu ý rằng dầu "có vai trò cực kì quan trọng" tới kinh tế Mỹ. Có rất nhiều nhân viên làm việc trong ngành này; ngoài ra, các công ty dầu và khí đốt sử dụng đòn bẩy cao là nhân tố chủ chốt trong thị trường chứng khoán có thu nhập cố định (trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi…).
Ông Crisafulli chỉ ra rằng: "Các công ty hoạt động trong ngành dầu khí có uy tín tín dụng rất tốt và trả lãi suất cao, vì chúng thường phải vay nợ nhiều".
Giá dầu lao dốc kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đã làm dấy lên lo ngại về việc nhu cầu cho dầu thô sẽ đi xuống. Từ đầu năm 2020 đến ngày 8/3, giá dầu U.S. West Texas Intermediate (WTI) đã giảm 32%, trong khi đó giá dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế giảm 31%.
Rất nhiều nhà phân tích phố Wall dự đoán rằng OPEC sẽ can thiệp để nâng giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng. Nhưng các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào ngày 6/3, khi Nga từ chối đồng ý đề xuất cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày của OPEC. Giờ đây, vấn đề không chỉ nằm ở nhu cầu mà còn ở cả phía nguồn cung.
14 nước OPEC và các quốc gia đồng minh (gọi chung là OPEC+) cũng không thể thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi cam kết hết hiệu lực vào cuối tháng 3, mọi quốc gia thành viên sẽ có quyền tự do sản xuất bao nhiêu dầu thô tùy ý.
Hôm 7/3, Saudi Arabia thông báo sẽ giảm mạnh giá bán dầu chính thức vào tháng 4. Về lí thuyết, Saudi Arabia có thể bơm đến 12,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak nói với các phóng viên trong buổi họp của OPEC+ tại Vienna: "Kể từ 1/4, chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc mà không quan tâm tới hạn mức hay các thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã kí kết từ trước. Nhưng điều này không có nghĩa là các quốc gia sẽ không theo dõi và phân tích chuyển động của thị trường".
Riêng phiên 6/3, giá dầu WTI giảm hơn 10% xuống còn 41,25 USD/ thùng, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế giảm 9,44% xuống còn 45,27 USD/ thùng. Các nhà phân tích đánh giá rằng giá dầu sẽ tiếp tục sụt giảm trong tương lai.
Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống còn 35 USD/thùng trong quí II, còn dầu WTI sẽ được giao dịch với mức giá 30 USD/thùng. Trước đó, Morgan Stanley dự đoán giá dầu Brent và WTI lần lượt là 57,5 USD/thùng và 52,5 USD/thùng.
Tuy nhiên bước sang phiên 9/3, giá dầu rơi tự do hơn 30% ngay trong những giây giao dịch đầu tiên, dầu thô U.S. West Texas Intermediate (WTI) còn 28 USD/thùng, dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế còn 32 USD/thùng. Đây là phiên giảm sâu nhất của giá dầu kể từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh gần 30 năm về trước.
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá dầu WTI và Brent đều đã giảm giá hơn 50%. Một số nhà phân tích còn có cái nhìn tiêu cực hơn.
"Mức 20 USD một thùng dầu trong năm 2020 đang đến", ông Ali Khedery, cựu cố vấn cấp cao Trung Đông của Exxon, và hiện là CEO của Dragoman Ventures (Mỹ) đăng trên Twitter 8/3.
Ông viết: "Ảnh hưởng địa chính trị cực kì lớn. Kích thích kịp thời cho những nước nhập khẩu ròng dầu thô. Đây là thảm họa đối với Iraq, Iran… và có thể là cú đánh mạnh vào nền kinh tế khi kết hợp với dịch COVID-19.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng hạ dự báo giá dầu Brent trong quí II và quí III năm nay xuống còn 30 USD/thùng, đồng thời nói thêm rằng giá có thể giảm tiếp xuống khoảng hơn 20 USD/thùng.
Ông Adam Crisafulli, người sáng lập công ty Vita Knowledge cho rằng cuộc chiến giá dầu năm 2020 sẽ "không tồi tệ bằng năm 2015" – giá dầu Brent giảm còn 28 USD/thùng vào tháng 1/2016. Lí do là vì lần này Saudi Arabia không phải "kẻ châm ngòi cuộc chiến", và vì nước này "không thể gánh chịu nổi giá dầu giảm sâu".
Ông nói: "Giá dầu thô hòa vốn của Saudi Arabia vẫn rất cao; Saudi Aramco hiện đã trở thành công ty đại chúng, và quyền lực của Thái tử Mohammad bin Salman không phải là tối thượng. Do đó, chính phủ nước này sẽ không mạnh tay đến mức đẩy giá dầu xuống 30 USD/ thùng hoặc thấp hơn".