|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá bán buôn tại Nhật Bản tiếp tục tăng cao trong tháng 12/2022

12:39 | 16/01/2023
Chia sẻ
Ngày 16/1, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố báo cáo cho biết chỉ số giá bán buôn tại nước này trong tháng 12/2022 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận tháng tăng thứ 22 liên tiếp.

Giá bán buôn thể hiện xu hướng giá cả hàng hóa giao dịch giữa các doanh nghiệp. Tỷ lệ tăng giá bán buôn tại Nhật Bản trong tháng 12/2022 đã cao hơn mức dự báo trung tâm là 9,5% được các cơ quan tư nhân đưa ra trước đó.

Trong số 515 mặt hàng được khảo sát, có 454 mặt hàng tăng giá và chỉ có 50 mặt hàng giảm giá, trong đó, mặt hàng ghi nhận mức tăng đáng chú ý là sắt thép (20,9%), thực phẩm (7,7%), nông, lâm, thủy sản (6,9%).

Ảnh hưởng của giá năng lượng đối với giá bán buôn tại Nhật Bản tiếp tục kéo dài, trong đó, giá điện và giá gas là hai yếu tố chính gây ra ảnh hưởng chung đối với tất cả các mặt hàng. Biên độ tăng giá bán buôn trung bình tại Nhật Bản trong năm 2022 đạt 9,7%, mức cao nhất kể từ năm 1981.

Theo chuyên gia Koyama Ken thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và năng lượng Nhật Bản, năng lượng là mặt hàng không thể hiếu đối với tất cả hoạt động kinh tế, do đó, giá mặt hàng này tăng sẽ đẩy giá của tất cả mặt hàng tăng lên.

Đối với trường hợp của Nhật Bản, giá dầu mỏ tăng cao không chỉ làm tăng giá tất cả các chế phẩm từ dầu mỏ như xăng, dầu hỏa, dầu nhẹ, mà còn làm gia tăng giá gas do giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Nhật Bản có liên kết với giá dầu mỏ. Bên cạnh đó, các nhà máy phát điện tại Nhật Bản chủ yếu là nhiệt điện sử dụng khí đốt, do đó, giá điện cũng chịu chung ảnh hưởng và tăng cao trong thời gian qua.

Chuyên gia Shirai Sayuri thuộc Đại học Keio cho rằng giá bán buôn tại Nhật Bản tăng cao, song cũng có thể nhận thấy giá cả nhập khẩu đang có xu hướng giảm xuống do nguyên nhân chủ yếu là sự điều chỉnh tỉ giá đồng USD so với đồng yen và giá cả năng lượng giảm trên phạm vi toàn thế giới.

Áp lực tăng giá đang có xu hướng giảm xuống không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Chuyên gia Shirai cũng cho rằng giá năng lượng sụt giảm chủ yếu do kinh tế thế giới đình trệ, trong đó có Trung Quốc, tuy nhiên, cần chú ý khả năng nhu cầu năng lượng thế giới tăng trường hợp kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh trong quý II/2023. 

Đức Thịnh (P/v TTXVN tại Tokyo)