|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gạo Việt rộng cửa xuất khẩu vào châu Phi

07:35 | 21/02/2024
Chia sẻ
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực châu Phi đã tăng hơn 6% về lượng và 27,7% về trị giá so với năm 2022. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ đang mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam gia tăng thị phần tại châu Phi.

Châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang khu vực châu Phi đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 788,4 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và tăng tới 27,7% về trị giá so với năm 2022.

Với kết quả này, châu Phi tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam sau khu vực châu Á với tỷ trọng chiếm 17%.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan 

Năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu gạo tới 31/54 quốc gia châu Phi. Trong đó, Ghana là thị trường lớn nhất chiếm 44% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam vào châu Phi với khối lượng đạt 587.662 tấn, tăng 33% so với năm 2022.

Đứng thứ hai là Bờ Biển Ngà đạt 512.604 tấn, chiếm 38,3% thị phần. Nhưng so với năm 2022 xuất khẩu gạo sang thị trường này đã giảm 22%.

Tổng cộng hai thị trường kể trên chiếm khoảng 82% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi.

Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu khác của Việt Nam tại châu Phi còn có Mozambique, Gabon, Togo, Tanzania, Senegal, Nam Phi... Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng mạnh ở mức hai đến ba con số so với năm 2022.

Nguồn cung toàn cầu thắt chặt do Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đã khiến một số quốc gia tại khu vực châu Phi buộc phải chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác, trong đó có Việt Nam.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan 

Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm. Năm 2023, chiếm hơn 61% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi là các loại gạo thơm (Jasmine, DT8…) và khoảng 38,3% là gạo trắng, còn lại tỷ lệ nhỏ các loại gạo khác.

Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường đang có sự dịch chuyển khi lượng gạo thơm nhập khẩu đã giảm 24,3% so với năm 2022 xuống còn 821.460 tấn, trong khi gạo trắng tăng gấp 3 lần lên 513.787 tấn.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan 

Cơ hội gia tăng xuất khẩu vào châu Phi

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), trong nhiều năm qua, mặc dù diện tích gieo cấy lúa tại châu Phi đã được mở rộng nhưng sản lượng gạo sau thu hoạch tại các nước thuộc châu lục vẫn ở mức thấp so với thế giới và bị hạn chế bởi một số yếu tố như giống lúa chất lượng thấp, ít cải tiến, điều kiện thời tiết diễn biến thất thường…

Sản xuất gạo của châu Phi dự báo sẽ chưa bắt kịp được mức tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân và gia tăng dân số của khu vực.

Trong khi đó, việc Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào châu Phi tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu được cho là đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà cung cấp hàng đầu khác, bao gồm Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba vào châu Phi với thị phần khoảng 8 – 8,5%/năm.

Mặc dù vậy, để xuất khẩu gạo vào thị trường này Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nguồn cung cấp khác như Thái Lan hay Pakistan…

Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, người hiện tham gia tranh cử cho nhiệm kỳ thứ ba, đang xem xét giữ thuế xuất khẩu gạo đồ ở mức 20%. Mức thuế này hiện sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/03.

Động thái này có thể khiến giá gạo châu Á, vốn đang ở mức cao nhất trong 15 năm tăng lên. Đó sẽ là tin xấu đối với một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông, những thị trường dựa vào nguồn cung gạo từ Ấn Độ để đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước.

Trước đó, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thương mại quốc tế, đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9/2022. Sau đó, Chính phủ nước này tiếp tục cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7/2023 và áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ và đặt giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) là 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati vào tháng 8/2023, trong bối cảnh giá cả mặt hàng nông sản chủ chốt này tăng cao tại thị trường trong nước.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế 

Số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ tới nhiều quốc gia tại khu vực châu Phi đã sụt giảm đáng kể trong năm 2023 như: Benin giảm 6,8%, Senegal giảm 30,9%, Togo giảm 2,6%, Bờ Biển Ngà giảm 44,6%...

Theo báo cáo mới đây của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), việc Ấn Độ áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đã thay đổi đáng kể chuỗi cung ứng gạo của khu vực châu Phi cận Sahara.

Trong toàn khu vực, nhập khẩu chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ. Trong khi đó, các nước tại khu vực châu Phi cận Sahara đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào gạo của Ấn Độ trong những năm gần đây.

Từ năm 2019 đến năm 2022, thị phần nhập khẩu gạo hàng năm của khu vực châu Phi cận Sahara từ Ấn Độ đã tăng từ 31% lên 66% do giá cả cạnh tranh.

Kể từ năm 2018, Ấn Độ đã xuất khẩu gạo tới 47/49 quốc gia tại khu vực châu Phi cận Sahara. Khoảng một nửa lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sang khu vực hướng tới 5 quốc gia ở Tây Phi gồm Benin, Senegal, Bờ Biển Ngà, Togo và Guinea.

Theo USDA, đối với những thị trường nhạy cảm về giá, Pakistan có thể là nước dẫn đầu trong việc thay thế Ấn Độ trong thời gian tới do báo giá xuất khẩu của nước này thấp nhất trong số các nước xuất khẩu lớn và vụ thu hoạch bội thu gần đây.

Ngoài ra, các nước châu Phi cận Sahara có thể quay trở lại với Thái Lan, nhà cung cấp chính trước đây. Gạo Thái Lan chiếm phần lớn thị phần ở khu vực châu Phi cận Sahara trong giai đoạn năm 2014-2019, chỉ bị Ấn Độ vượt qua vào năm 2020.

Bên cạnh đó, với giá gạo toàn cầu ở mức cao nhất trong 15 năm, người tiêu dùng có thể lựa chọn các lựa chọn thực phẩm thay thế như các loại củ và ngũ cốc khác, thay vì tìm kiếm nhà cung cấp gạo mới hoặc tăng sản lượng gạo trong nước.

USDA cho biết các nước nhập khẩu gạo hàng đầu tại châu Phi trong năm 2024 dự kiến vẫn là Nigeria (2 triệu tấn), Bờ Biển Ngà (1,4 triệu tấn), Senegal (1,4 triệu tấn), Nam Phi (1,1 triệu tấn)…

Hoàng Hiệp

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.