Mùa ‘vàng’ của ngành gạo
Giá lúa gạo chưa bao giờ tăng cao đến thế
Năm 2023, Hợp tác xã Tân Bình (Đồng Tháp) canh tác khoảng 600 ha lúa. Mưa thuận gió hòa, lúa gạo gặp thời, nông dân trong hợp tác xã đã có vụ mùa bội thu.
“Mấy chục năm làm nông nghiệp, chưa bao giờ tôi thấy giá lúa gạo tăng cao đến vậy. Giá cao đột biến chỉ trong vụ Thu Đông khiến nông dân rất phấn khởi. Cứ đà này, nông dân hoàn toàn có thể khá lên nhờ trồng lúa”, ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Tân Bình chia sẻ với Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam trong cuộc gọi cuối năm.
Dữ liệu từ Wigroup cho thấy nửa đầu tháng 12/2023, giá thu mua lúa tại khu vực ĐBSCL khoảng 9.670 đồng/kg, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá gạo nguyên liệu cũng được giao dịch ở mức 14.190 đồng/kg, tăng 43%. Bình quân năm 2023, giá lúa ước đạt 7.820 đồng/kg, gạo nguyên liệu khoảng 11.660 đồng/kg, tăng mạnh so với mặt bằng năm 2022.
Với mặt bằng giá cao như năm nay, ông Bông ước tính nông dân trồng lúa có thể đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 35-50%. Đây cũng là cũng là mặt bằng chung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sở dĩ, giá gạo trong nước khởi sắc, nông dân thắng lợi chủ yếu nhờ động lực xuất khẩu sau khi Ấn Độ và một số quốc gia tạm dừng cung ứng cho thế giới.
11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo, thu về kim ngạch 4,4 tỷ USD, tăng 16% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ngành gạo đang ở cuối hành trình chinh phục “đỉnh” xuất khẩu 8 triệu tấn. Bình quân giá gạo xuất khẩu khoảng 569 USD/tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Cá biệt, một số doanh nghiệp có thể đạt thỏa thuận sát ngưỡng 800 USD/tấn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhận định năm 2023, ngành gạo đã đạt được những con số kỷ lục, mức cao nhất kể từ năm 1989 trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ngành gạo của Việt Nam có thể nối dài cơ hội sang năm 2024 khi Ấn Độ chưa có kế hoạch gỡ bỏ lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu gạo, trong khi đó tồn kho thế giới lại đang có xu hướng giảm.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Trong khi đó, lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Ông Hòa nhấn mạnh đây là thời cơ lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam năm 2024.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu cho nửa đầu năm 2024. Trao đổi với DNVN, ông Vũ Văn Đồng, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Thương mại Đại Dương (một trong những doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu gạo lớn sang Trung Quốc), cho biết đầu tháng 12/2023, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với một đối tác Trung Quốc khoảng 50.000 tấn cho quý I/2024. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, lượng hàng và biến động thị trường, doanh nghiệp xem xét chốt giá hợp lý.
Sau con số kỷ lục, doanh nghiệp cần chuẩn bị cho kịch bản rủi ro
Khép lại năm 2023 với thật nhiều tin vui, doanh nghiệp gạo bước sang năm 2024 với tâm thế đón nhận cơ hội mới, nhưng không chủ quan, lơ là với những diễn biến thị trường. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng giá gạo xuất khẩu năm 2024 có thể giảm nhẹ, tuy nhiên mặt bằng chung sẽ không dưới 600 USD/tấn.
Ông Vũ Văn Đồng cho biết doanh nghiệp luôn xác định giá gạo xuất khẩu ở mức cao vừa là lợi thế, vừa là rủi ro. Khi Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu, doanh nghiệp gạo Việt có thể xuất khẩu nhanh với giá cao, tuy nhiên cũng cần chuẩn bị phương án cho kịch bản Ấn Độ có thể cho phép xuất khẩu gạo trở lại bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường có tác động lớn đến thị trường gạo toàn cầu, do đó các doanh nghiệp cần theo dõi, bám sát thị trường này.
"Bất kỳ động thái của các nhà sản xuất hàng đầu như Ấn Độ, Trung Quốc có thể gây biến động về giá cả. Nếu doanh nghiệp không đánh giá đúng, chuẩn thị trường, mục tiêu sản phẩm thì có thể gặp rủi ro”, ông Đồng nói.
Thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp gạo không dám ký các đơn hàng xa để tránh rủi ro về giá. Ông Đồng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát các biến động thị trường theo ngày, đánh giá rủi ro để đưa ra quyết định tiếp tục hay tạm dừng thu mua nguyên liệu.
Còn theo ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng CTCP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agro Monitor), tồn kho gạo của Việt Nam chuyển sang năm 2024 sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng. Như năm 2023, một số doanh nghiệp gặp tình huống ký nhiều hợp đồng nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, giá bật lên, điều này gây ra rủi ro cao.
Mặt khác, đại diện Agro Monitor cũng lưu ý doanh nghiệp cần tính đến trường hợp Ấn Độ có thể quay lại thị trường, mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống. Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Orico), cho biết thời gian qua thị trường gạo thế giới biến động mạnh, giá gạo tăng liên tục, các giao dịch bị tê liệt.
“Việc giá biến động lớn luôn có hai mặt. Trên thực tế, doanh nghiệp Philippines chuyển qua mua gạo Thái Lan nhiều vì giá hợp lý hơn. Chúng ta đừng quá tự mãn khi giá chúng ta cao hơn. Bức tranh ngành gạo năm sau sẽ khác khi cộng hưởng yếu tố Ấn Độ”, ông Việt Anh nói.
Ông Việt Anh cho rằng giá lúa gạo trong năm qua tăng, nhưng đó chưa phải là sự phát triển bền vững, bởi vì vẫn có nguy cơ các khách hàng truyền thống như Philippines tìm nguồn cung mới, giá thấp hơn. Khi đó, doanh nghiệp có thể mất thị trường.
Phát triển bền vững để đi đường dài
Ngành gạo muốn đi đường dài phải gắn liền với phát triển bền vững. Điều này được cụ thể hóa tại “Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt vào cuối tháng 11/2023.
Đề án là một trong 12 hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, được Thủ tướng công bố tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28).
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Chúng ta gieo sự thay đổi từ đề án này thì sẽ gặt hái được nhiều giá trị. Tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ carbon, bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết khi Việt Nam công bố về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, ngay lập tức thế giới tính toán rằng 1 triệu ha này sẽ đem lại khoảng 9 triệu tấn gạo chất lượng cao xuất khẩu trong một năm.
Nguồn gạo chất lượng cao này sẽ góp phần nâng cao năng lực canh tranh của nước ta trên thị trường quốc tế. Bởi, muốn giành được thị phần, gạo Việt Nam phải cạnh tranh được bằng giá, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu và uy tín.
Ông Thuận kỳ vọng qua các khối tư nhân, hợp tác xã (HTX), người dân sẽ có đầu ra ổn định hơn cho các sản phẩm từ lúa chất lượng cao, đặc biệt là việc nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chắc chắn sẽ mang lại sức sống mới cho toàn ngành hàng”, Tổng Giám đốc Lộc Trời nói.
Nông dân, những người được coi là trung tâm của đề án cũng sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ thực hiện đề án. Chủ tịch HĐQT HTX Tân Bình, ông Tạ Văn Bông cho biết trong những năm qua, sản xuất lúa hữu cơ cho giá trị kinh tế cao, tiết kiệm chi phí. Đây là động lực để nông dân liên kết với doanh nghiệp thực hiện đề án.
Hiện, HTX Tân Bình đang canh tác khoảng 220 ha lúa hữu cơ. Ông Bông cho biết kế hoạch trong năm 2024 sẽ nâng diện tích lúa hữu cơ lên 300-400 ha và mục tiêu đến năm 2030 là toàn bộ 600 ha. Ông Bông kỳ vọng với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nông dân Việt Nam sẽ có thêm thật nhiều mùa “vàng”.
Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số Đặc biệt Xuân Giáp Thìn