|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo sang EU cao kỷ lục, vượt xa hạn ngạch của EVFTA

11:25 | 31/01/2024
Chia sẻ
Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục gần 104.000 tấn gạo sang Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023 với giá trị thu về 71,7 triệu USD, tăng 10% so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm của Hiệp định EVFTA.

Hơn 100.000 tấn gạo xuất khẩu sang EU năm 2023

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đã có bước tăng trưởng khá ấn tượng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục gần 104.000 tấn gạo sang thị trường EU trong năm 2023 với giá trị thu về 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022.

Như vậy, đây đã là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm mà EU cam kết dành cho Việt Nam theo Hiệp định EVFTA.

Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đang tận dụng khá tốt các cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, chất lượng gạo của Việt Nam cũng ngày càng cải thiện và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính.

Nguồn:  Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Tại Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết trong nhiều năm trở lại đây, không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo.

“Như vậy, chất lượng gạo của chúng ta đều đáp ứng hoàn toàn yêu cầu từ thị trường khó tính này. Đặc biệt, thị trường EU là một trong những thị trường đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn rất cao nhưng chúng ta vẫn đáp ứng được”, ông Nam cho biết.

Trong năm 2023 vừa qua, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu tới 26/27 quốc gia thành viên trong khối Liên minh châu Âu. Đứng đầu là Đức với khối lượng đạt 23.328 tấn, tăng 49,3% so với năm trước và chiếm 22,4% thị phần; tiếp theo là Ba Lan với 14.726 tấn, tăng tới 92% và chiếm 14,2% thị phần.

Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng từ 3 - 4 con số như: Hungary tăng 12 lần, Bulgaria tăng 730%, Hy Lạp tăng 483,3%, Bồ Đào Nha tăng 425%... Trong số các thị trường chính chỉ có Italy ghi nhận sự sụt giảm 78,5% xuống còn 6.876 tấn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu vào EU có thể kể tới như Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Chế biến Và Xuất khẩu Lương thực Đồng Xanh, Công Ty Cổ Phần Lương Thực Bình Minh, CôngTy TNHH Gạo Việt... 

Nguồn:  Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khác nhưng giá trị gia tăng lại cao do 27 nước thành viên EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam. 

Số liệu cho thấy, có đến hơn 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong năm 2023 là các loại gạo thơm, gạo Nhật, gạo lứt, gạo vi chất…, chỉ có 28% là gạo trắng. Do đó, giá gạo xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt khá cao, ở mức 689 USD/tấn so với trung bình 575 USD/tấn của cả nước.

Mới đây, gạo ST24 và ST25 – giống gạo 2 lần đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu. Đây được xem là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này.

Trước đó, 9 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, bao gồm Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào.

Nguồn:  Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Căng thẳng tại Biển Đỏ có ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU?

Thời gian qua, tình hình mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ đã tác động trực tiếp đến hoạt động vận chuyển hàng hóa qua khu vực này. Theo đó, giá cước vận tải qua Biển Đỏ được ghi nhận tăng hơn gấp đôi so với tháng 12/2023, trong đó tuyến đường thương mại Á - Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, với doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo, nhưng chưa có hợp đồng vận chuyển với hãng tàu, thì sẽ bị thiệt hại khi tại thời điểm giao hàng giá cước vận chuyển tăng. Trường hợp doanh nghiệp bán giá FOB thì người mua sẽ chịu mọi vấn đề phát sinh của cước tàu.

Mặc dù vậy, ông Bình cho rằng, với bối cảnh của ngành lúa gạo hiện nay, nhu cầu người mua rất lớn và họ sẽ chịu những thiệt hại do cước vận chuyển tăng. Bởi khi đàm phán ký kết doanh nghiệp đã tính toán cả chi phí vận chuyển vào giá bán, theo Tạp chí Tài chính.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của người viết, khoảng 76% các đơn hàng xuất khẩu sang EU năm 2023 là theo phương thức giao hàng FOB (bên mua phải chịu cước phí vận chuyển và chi phí phát sinh) nên đa phần các doanh nghiệp gạo sẽ không bị ảnh hưởng khi giá cước vận chuyển tăng cao.

Nhưng khoảng hơn 20% số đơn hàng có thể bị ảnh hưởng do giao dịch theo phương thức CIF (người bán chịu phí vận chuyển và phí bảo hiểm) và CFR (người bán phải chịu chi phí vận chuyển tới cảng đến).

Bên cạnh đó, chi phí nhập khẩu tăng cao được cho là có thể làm giảm nhu cầu của EU trong bối cảnh kinh tế khu vực vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát và lãi suất cao.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu gạo của EU đã giảm 12% trong 10 tháng năm 2023 xuống còn 3,4 triệu tấn. Trong đó, gần 2 triệu tấn được nhập khẩu từ ngoại khối và 1,4 triệu tấn giao dịch nội khối.

Sức mua của EU có xu hướng giảm, nhưng nhập khẩu từ Việt nam vẫn tăng nhẹ 0,1% lên 93.899 tấn. Kết quả này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU với thị phần chiếm 2,8% tổng nhập khẩu mặt hàng này của khu vực, tăng so với mức 2,4% của cùng kỳ năm 2022.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Eurostat

Trước thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, một trong những nguyên nhân cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường EU là bởi thuế suất EU áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao.

Bên cạnh đó, thời điểm này, Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan, nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác được phân bổ hạn ngạch thuế quan như Thái Lan, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Pakistan và các nước kém phát triển được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch như Lào, Campuchia, Myanmar.

Nhưng theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

 

Hoàng Hiệp

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.