|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường gạo năm 2023: Xuất khẩu gạo cao kỷ lục, dự kiến tiếp tục thuận lợi trong năm 2024

07:40 | 26/01/2024
Chia sẻ
2023 được đánh giá là năm được mùa, được giá của ngành gạo Việt Nam. Theo đó, sản lượng lúa cả nước tăng 1,9% so với năm trước, trong khi xuất khẩu đạt kỷ lục hơn 8,1 triệu tấn với kim ngạch thu về 4,67 tỷ USD. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua, có nhiều thời điểm vượt cả Thái Lan và Ấn Độ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 12 đạt 492.387 tấn, trị giá 338,7 triệu USD, giảm 18% về lượng và 15,4% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 13,3% về lượng và tăng tới 53,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù vậy, năm 2023 được đánh giá là một năm thành công đối với ngành gạo Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng đạt hơn 8,1 triệu tấn, với kim ngạch thu về 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo.

Kết quả này cũng giúp Việt Nam giữ vững vị trí là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ. Đặc biệt, năm 2023 gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục đoạt giải "Gạo ngon nhất thế giới" lần thứ hai. Giá trị gạo Việt Nam trên thế giới được khẳng định khi các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng đều ưa chuộng

Xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn từ năm 2009 - 2023. (Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan)

Trong bối cảnh sản xuất lúa gạo tại nhiều quốc gia sụt giảm do hình thái thời tiết El Nino, việc Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới ban hành các lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu đã đẩy nguồn cung gạo toàn cầu rơi vào trạng thái thiếu hụt. Do đó, giá gạo tại các quốc gia sản xuất hàng đầu, bao gồm Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Trong tháng cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 688 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng trước đó và tăng 35,7% so với cùng kỳ. Tính chung năm 2023, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 18,3% so với năm 2022 lên mức bình quân 575 USD/tấn.

Đặc biệt, có nhiều thời điểm trong năm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới, vượt cả Thái Lan và Ấn Độ.

Tại trong nước, giá lúa gạo cũng đã tăng khoảng 40 – 53% trong năm 2023. Mức tăng này thậm chí còn cao hơn so với mức tăng của giá xuất khẩu, có thể nói năm 2023 là một năm được mùa được giá của người nông dân trồng lúa.

Đầu năm 2024, một số doanh nghiệp trong ngành gạo cho biết đã nhận được các đơn đặt hàng từ đối tác với mức giá khá cao.

Trong báo cáo tháng 1/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ đạt mức kỷ lục 513,5 triệu tấn (xay xát), giảm 4,5 triệu tấn so với dự báo tháng trước nhưng vẫn tăng nhẹ 500.000 tấn so với niên vụ 2022-2023.

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 được USDA dự báo ở mức kỷ lục 522,1 triệu tấn, giảm 2,95 triệu tấn so với dự báo trước đó, nhưng tăng gần 1,7 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023 và vượt sản lượng 8,6 triệu tấn.

USDA dự báo tồn kho cuối kỳ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 ở mức 167,2 triệu tấn, thấp hơn 513.000 tấn so với dự báo trước đó và giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Đây cũng là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.

Tỷ lệ dự trữ để sử dụng cuối niên vụ 2023-2024 trên toàn cầu ước tính là 32%, giảm so với mức 33,8% một năm trước đó và là mức nhỏ nhất kể từ niên vụ 2016-2017.

Thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt 52,2 triệu tấn (xay xát), hầu như không thay đổi so với dự báo tháng trước nhưng thấp hơn 223.000 tấn so với ước tính 52,4 triệu tấn của niên vụ 2022-2023.

USDA cũng cho biết, thương mại gạo toàn cầu năm 2023 thấp hơn 3,7 triệu tấn so với mức cao kỷ lục của năm trước đó. Sự sụt giảm đáng kể trong thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 và mức giảm nhẹ vào năm 2024 phần lớn là do các lệnh cấm và các hạn chế xuất khẩu khác do Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong năm 2022 và 2023.

Chi tiết báo cáo thị trường gạo năm 2023 tại đây:  

Hoàng Hiệp, thiết kế: Vân Miên

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).