|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gánh nặng BOT

10:00 | 06/08/2017
Chia sẻ
Nhiều thông tin về các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã được hé lộ trong cuộc làm việc đầu tuần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bối cảnh cơ quan này đã lập đoàn giám sát để đánh giá hình thức đầu tư gây nhiều tranh luận này.
ganh nang bot
Ngành ngân hàng đã cho các dự án BOT giao thông vay từ gần 146.000-154.000 tỉ đồng. (Ảnh: Xuân Hoa)

Báo cáo Chính phủ gửi đoàn giám sát Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa ký nhấn mạnh “Việc thay đổi chính sách của Nhà nước như giảm phí, điều chỉnh lộ trình tăng phí giao thông đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nợ của các tổ chức tín dụng có tài trợ vốn cho các dự án, tiềm ẩn rủi ro phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ khi nguồn thu nợ thấp hơn so với phương án tài chính khi phê duyệt dự án”.

Nhận xét như trên của Chính phủ là rất đáng quan tâm trong bối cảnh trong tuần trước Kiểm toán Nhà nước công bố một báo cáo, trong đó kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán so với phương án tài chính ban đầu tới 107,4 năm. Và cũng tuần trước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ra văn bản yêu cầu Bộ GTVT sớm tính toán, phối hợp với Bộ Tài chính để đàm phán, điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc và chủ trương “ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu” để góp phần giảm chi phí vận tải.

Trong báo cáo gửi đoàn giám sát Quốc hội, Chính phủ phân tích hai loại rủi ro. Thứ nhất là rủi ro tín dụng. Do hầu hết các dự án có thời gian thu hồi vốn dài, giá trị tài sản đảm bảo chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay, nên rất khó định giá và nếu các dự án không được triển khai hoặc không hoàn thành đúng tiến độ, không phát huy hiệu quả như dự kiến thì gây khó khăn cho việc thu hồi vốn của các tổ chức tín dụng. Thứ hai là rủi ro thanh khoản. Thời gian cho vay các dự án BOT thường kéo dài khoảng 15-18 năm, thậm chí 25-30 năm. Nguồn thu từ khoản đầu tư này qua phí, lệ phí phải mất 5-7 năm thì chủ đầu tư mới có dòng tiền trả nợ. Trong khi các ngân hàng thường chỉ có nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn thì việc tập trung cho vay những dự án này có thể mất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối và giảm khả năng thanh khoản của ngân hàng cho vay.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng chưa phân tích, đánh giá đầy đủ về rủi ro trong quá trình thẩm định, ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án. Trong quá trình thực hiện, chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm soát cấp phát vốn, giải ngân, thanh toán và kiểm soát thu phí, quản lý doanh thu thu phí. Một số chi nhánh ngân hàng cung cấp cam kết tín dụng vượt thẩm quyền.

Báo cáo của Chính phủ không nêu dư nợ và tỷ lệ nợ từ vốn vay ngân hàng của các dự án BOT. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước trong một báo cáo gửi Kiểm toán Nhà nước cuối năm ngoái cho biết, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm từ 85-90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT. Đây là tỷ lệ đáng lo ngại.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 171.251 tỉ đồng để đầu tư 58 dự án theo hình thức BOT trong giai đoạn 2011-2016. Như vậy, với tỷ lệ trên, ngành ngân hàng đã cho các dự án BOT giao thông vay từ gần 146.000-154.000 tỉ đồng.

Báo cáo cho rằng việc tiếp tục huy động nguồn vốn dài hạn ở thị trường trong nước là rất khó khả thi. Một số dự án khả thi về tài chính nhưng các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng nhưng nay đã ra văn bản từ chối...

Để huy động vốn tín dụng nước ngoài phát triển dự án BOT thời gian tới, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chấp nhận ba điều kiện là bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, và bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ.

Chính phủ thừa nhận rằng việc thực hiện một số dự án BOT trong lĩnh vực giao thông thời gian qua còn bất cập trong quá trình ra chủ trương đầu tư như: thu phí lượt không thể công bằng tuyệt đối, các phương tiện ô tô không còn sự lựa chọn miễn phí. Trong trường hợp này, quy định của pháp luật chưa lường hết được tác động đối với các đối tượng ảnh hưởng.

Trong khi Bộ Tài chính cho rằng mình không liên quan trong việc giám sát các nguồn thu tại trạm thu phí thì về phần mình, Bộ GTVT cho biết nguồn kinh phí được phê duyệt hàng năm cho công tác giám sát thực hiện hợp đồng dự án BOT giai đoạn khai thác rất thấp, không đủ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra cho toàn bộ dự án trong khi số lượng dự án ngày càng tăng.

Đầu năm nay, Quốc hội đã lập đoàn giám sát các dự án BOT, và dự kiến kết quả giám sát sẽ được công bố trong vài tháng tới.

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ.

Tư Hoàng