|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC vẫn còn dư nợ trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng

21:29 | 17/10/2023
Chia sẻ
Số dư nợ trái phiếu còn lại của Tập đoàn FLC là 997 tỷ đồng sau khi mua lại hơn nghìn tỷ trước hạn trong năm 2022 và 2023.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn 153 tỷ đồng của mã FLCH2123003 trong khoảng thời gian từ ngày 30/12/2020 – 15/9/2023.

Lô trái phiếu này mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng giá trị 1.150 tỷ đồng với lãi suất 12%/năm. Trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, dự kiến đáo hạn ngày 28/12/2023. Sau khi mua lại, lượng trái phiếu lưu hành của lô FLCH2123003 giảm xuống còn 997 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, FLC đã mua lại toàn bộ lượng trái phiếu đang lưu hành của lô FLCH2124002 với 430 tỷ đồng từ 23/9/2022 đến 31/12/2022 và lô FLCH2023001 có giá trị 400 tỷ đồng từ 25/8/2022 đến 30/11/2022. 

Hai lô trái phiếu trên đều có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 4/10/2024.

Tổng giá trị trái phiếu được FLC mua lại ở ba lô trên là 983 tỷ đồng.Tháng 5/2022, FLC cũng đã thực hiện mua lại toàn bộ lô trái phiếu 150 tỷ.

Như vậy, theo dữ liệu từ Cbonds, số dư trái phiếu còn lại của tập đoàn là 997 tỷ đồng.

 Nguồn: Cbonds.

Tại buổi họp bất thường đầu tháng 3, cổ đông FLC đã đồng ý các phương án giãn tiến độ thanh toán trái phiếu và hoán đổi bằng bất động sản.

“Các phương án này nằm trong chủ trương tái cấu trúc tài chính nói chung của FLC, còn trên thực tế, liên quan đến các nghĩa vụ về trái phiếu, FLC hiện đang là một trong những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng nợ thấp nhất thị trường”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Công nhận định.

Tái cấu trúc toàn diện

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023, cổ đông đã thông qua phương án tái cấu trúc của tập đoàn gồm: Tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ linh hoạt trong phương án huy động vốn, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, xử lý nợ xấu, giải quyết sạch về công nợ, duy trì và phát triển hoạt các hoạt động, các lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn…

Với các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư, Đại hội đồng cổ đông chấp thuận đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoại bảng với các khoản nợ xấu khó đòi; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng 100% với các khoản hiện đang cần xem xét, đàm phán để thu về.

Với các khoản đầu tư của tập đoàn tại các công ty con, công ty liên kết, FLC sẽ thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có).

 Ảnh minh hoạ: Song Ngọc.

Giải thích thêm, ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc của FLC cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều đối tác của FLC đang trong tình trạng khó khăn, mất khả năng thanh toán, không thể liên hệ, không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh. FLC do đó phải đối mặt với tình trạng khó thu hồi một số khoản công nợ.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục ghi nhận và theo dõi trên sổ sách kế toán sẽ không phản ánh được chính xác hoạt động của doanh nghiệp, do đó, cần hạch toán ngoại bảng và xử lý các khoản dự phòng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

“Cần làm rõ, bản chất quyền thu hồi của FLC đối với các khoản này vẫn giữ nguyên, nhưng sẽ được thực hiện theo dõi ngoại bảng. Hiện công ty cũng đã có kế hoạch thành lập tổ thu hồi công nợ để thực hiện các biện pháp thu hồi các khoản nợ này trong tương lai. Khi thu hồi về sẽ lại được ghi nhận trở lại trên báo cáo tài chính của Công ty với khoản thu nhập tương ứng”, ông Công nói.

Năm 2023, FLC dự kiến định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

Từ quý IV/2022 đến nay, các thông tin tình hình kinh doanh của FLC không được công bố. Tại thời điểm cuối quý III/2022, quy mô tài sản của FLC là 36.216 tỷ đồng. Chiếm hơn 43% tài sản là khoản phải thu ngắn hạn, chủ yếu là phải thu từ cho vay (7.396 tỷ).

Khoản tiền mặt tại ngày 30/9/2022 là 249 tỷ đồng. Doanh nghiệp đi vay tổng cộng 5.016 tỷ đồng cuối quý III/2022, chủ yếu là dư nợ từ các ngân hàng. Vốn chủ sở hữu còn 7.945 tỷ, trong đó lợi nhuận luỹ kế là 195 tỷ.

Hoàng Kiều

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).