|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC AMD chính thức đổi tên thành FLC Stone

15:44 | 11/06/2019
Chia sẻ
Sáng nay 11/6, Đại hội đồng cổ đông thường niên của FLC AMD đã thông qua việc đổi tên công ty thành FLC Stone, đặt mục tiêu doanh thu 2.670 tỉ đồng và bầu bổ sung thành viên HĐQT cũng như Ban Kiểm soát

Kế hoạch doanh thu 2.670 tỉ đồng, đổi tên thành FLC Stone

Đại hội cổ đông của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD (Mã: AMD) sáng nay 11/6 đã nghe các báo cáo, tờ trình do ban lãnh đạo công ty chuẩn bị và nhất trí thông qua kế hoạch doanh thu 2.670 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 60 tỉ đồng trong năm 2019.

Kết thúc năm 2018, công ty đạt doanh thu 2.665 tỉ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 59,4 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch. Có thể thấy, mục tiêu kinh doanh của công ty trong năm 2019 tương đương với kết quả thực hiện năm ngoái.

Đại hội cũng thông qua tờ trình đổi tên công ty từ CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD thành CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone. HĐQT công ty cho biết quyết định này xuất phát từ tình hình thực tế hoạt động kinh doanh và định hướng thương hiệu FLC Stone.

Năm 2019, công ty coi việc "phát triển và bảo vệ thương hiệu FLC Stone" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Hiện nay FLC Stone đang vận hành ba mỏ khai thác và hai nhà máy chế tác đá tại tỉnh Thanh Hóa. Công ty hiện đang xin cấp phép mở rộng khai thác đá xây dựng tại mỏ Núi Loáng và Núi Bền; xin cấp phép khai thác mỏ Cao Ngọc (Ngọc Lặc, Thanh Hóa), xin cấp quyền thăm dò đối với mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng tại Tân Hợp (Tân Kỳ, Nghệ An).

Chia sẻ tại Đại hội, Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Thúy Liễu cho biết việc xin cấp phép khai thác mỏ Cao Ngọc (Ngọc Lặc) đang tiến triển thuận lợi, dự kiến khoảng một tháng nữa công ty sẽ có giấy phép.

Sản phẩm FLC Stone là nguồn cung chủ yếu cho loạt dự án bất động sản của Tập đoàn FLC như: FLC Grand Hotel Ha Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Quảng Bình, FLC Garden City, FLC Green Home, FLC Twin Towers...

Ngoài ra, FLC Stone đã hoàn công gần 20 dự án của các chủ đầu tư ở nhiều tỉnh thành như dự án Nhà ở cán bộ chiến sỹ thuộc Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an (Contresxim – Thái Hà); dự án cải tạo, xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ; sân Golf Hòa Bình Hill Top Valley; khu nhà ở tại Quận Hoàng Mai Gelexia Riverside...

FLC AMD chính thức đổi tên thành FLC Stone - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Công - Phó Tổng Giám đốc thường trực FLC Stone đọc báo cáo tại Đại hội. Ảnh: FLC Stone.

Chuyên viên Kiểm soát tài chính Tập đoàn FLC vào Ban Kiểm soát

Đại hội cổ đông của FLC Stone sáng nay đã thông qua việc miễn nhiệm một Ủy viên HĐQT là bà Võ Thị Thùy Dương – người đồng thời đang là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC. Bà Trần Thị Thúy Liễu – Phó Tổng Giám đốc của FLC Stone được bầu bổ sung vào HĐQT.

Bà Liễu sinh năm 1981 có trình độ cử nhân tài chính kế toán. Trước khi đến với FLC Stone, bà Liễu từng làm việc tại Công ty TNHH SMS Việt Nam, CTCP Tập đoàn Đại Châu, CTCP truyền thông và thanh toán dữ liệu An Du (Mercedes).

Như vậy HĐQT của FLC Stone hiện có 4 người gồm ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch, và ba thành viên là bà Trần Thị Thúy Liễu, ông Nguyễn Thiện Phú và ông Lã Quý Hiển. Trong đó ông Lã Quý Hiển đang là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC còn ông Nguyễn Thiện Phú là Phó TGĐ Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros.

FLC AMD chính thức đổi tên thành FLC Stone - Ảnh 2.

Bàn Chủ tọa ĐHCĐ FLC Stone sáng nay 11/6. Từ trái sang phải: Bà Phạm Thị Lệ Thủy - Phó Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch kiêm TGĐ, bà Trần Thị Thúy Liễu - Phó TGĐ và tân ủy viên HĐQT, ông Nguyễn Đức Công - Phó TGĐ thường trực. Ảnh: Đức Quyền.

Ngoài ra, Đại hội đã miễn nhiệm hai thành viên Ban Kiểm soát là bà Nguyễn Thị Thu Thảo và Hoàng Thị Hương theo nguyện vọng cá nhân. 

Hai thành viên Ban Kiểm soát được Đại hội bầu bổ sung là ông Phạm Anh Dũng và ông Trần Lâm Châu.

Ông Dũng sinh năm 1986, trình độ thạc sĩ tài chính – ngân hàng, từng là Kiểm toán viên chi nhánh Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học TP HCM.

Từ tháng 1/2019 đến nay, ông Dũng là chuyên viên Kiểm soát tài chính – Ban Kiểm soát nội bộ Tập đoàn FLC. Ông Dũng và người có liên quan hiện không sở hữu cổ phiếu AMD.

Ông Trần Lâm Châu sinh năm 1985, hiện cũng không nắm giữ cổ phiếu AMD. Bản sơ yếu lí lịch mà FLC Stone cung cấp tại đại hội không cho biết ông Châu đã và đang công tác tại đơn vị nào.

Đức Quyền