Phó TGĐ Tập đoàn FLC từ nhiệm thành viên HĐQT công ty FLC AMD
CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD (Mã: AMD) mới đây công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Dự kiến đại hội sẽ bắt đầu lúc 8h sáng 11/6 tại tòa nhà FLC LandMark Tower, đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Kế hoạch kinh doanh đi ngang, không trả cổ tức
Một trong những nội dung quan trọng sẽ được đại hội của FLC AMD bàn bạc và biểu quyết là mục tiêu kinh doanh năm 2019.
Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm nay đạt 2.670 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 60 tỉ đồng, bằng 2,25% doanh thu thuần. Cả hai chỉ tiêu này đều tăng trưởng không quá 1% so với thực hiện năm 2018.
Năm 2018, FLC AMD đạt doanh thu 2.665 tỉ đồng, tăng 27,4% so với năm 2017 và vượt gần 16% kế hoạch được đại hội cổ đông 2018 thông qua.
Lợi nhuận trước thuế đạt 59,4 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2017 và đạt 85% so với kế hoạch năm. FLC AMD cho biết công ty không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2018 do cần huy động đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng nhà xưởng tại các dự án khai thác mỏ, hoạt động khảo sát, thăm dò để xin cấp phép thêm mỏ mới làm tăng chi phí tài chính.
Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 48 tỉ đồng, công ty dự định giữ lại toàn bộ để tập trung "đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh" và do vậy không trả cổ tức.
Năm 2019, công ty cũng dự tính không trả cổ tức.
Kế hoạch phân phối lợi lợi nhuận sau thuế của FLC AMD năm 2019. Nguồn: FLC AMD.
Đổi tên thành FLC Stone
Ngày 11/6 tới công ty cũng trình đại hội bàn bạc thông qua việc đổi tên từ CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD thành CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone. HĐQT công ty cho biết quyết định này xuất phát từ tình hình thực tế hoạt động kinh doanh và định hướng thương hiệu FLC Stone.
Năm 2019, công ty cũng đặt mục tiêu "phát triển và bảo vệ thương hiệu FLC Stone" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Đá xây dựng là mặt hàng kinh doanh chủ lực của FLC AMD. Công ty đã đầu tư liên tục vào ba mỏ khai thác và hai nhà máy chế tác đá tại tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, FLC AMD cũng xin cấp phép mở rộng khai thác đá xây dựng tại mỏ Núi Loáng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, mỏ đá Núi Bền (xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa); xin cấp phép khai thác mỏ Cao Ngọc (Ngọc Lặc, Thanh Hóa), xin cấp quyền thăm dò đối với mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng tại Tân Hợp (Tân Kỳ, Nghệ An).
Nhà máy sản xuất và chế tác đá tự nhiên AMD Stone Núi Loáng. Ảnh: FLC AMD
Đổi tên từ AMD thành Stone có thể giúp khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu gắn liền với sản phẩm của công ty hơn. Việc giữ nguyên cụm "FLC" trong tên gọi tiếp tục thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa công ty này và Tập đoàn FLC.
Tập đoàn FLC hiện chỉ sở hữu 0,61% vốn của FLC AMD (tương ứng 1 triệu cổ phiếu AMD) nhưng nhiều lãnh đạo của FLC hiện đang giữ các vị trí chủ chốt tại FLC AMD và do vậy FLC AMD được coi là một thành viên trong "họ FLC".
Chẳng hạn ông Lã Quý Hiển – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đồng thời là thành viên HĐQT của FLC AMD. Ông Hiển cũng được Tập đoàn FLC giao nhiệm vụ "Trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh tại Đơn vị thành viên: CTCP đầu tư và khoáng sản FLC AMD".
Một Phó TGĐ khác của Tập đoàn FLC hiện cũng đang là thành viên HĐQT của FLC AMD là bà Võ Thị Thùy Dương.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FLC AMD đang là Trưởng Ban Kiểm soát Tập đoàn FLC.
Một thành viên HĐQT và hai thành viên Ban Kiểm soát xin từ nhiệm
Dự kiến đại hội cũng sẽ bàn bạc thông qua việc miễn nhiệm một số lãnh đạo cấp cao của công ty, cụ thể:
Bà Võ Thị Thùy Dương – thành viên HĐQT có đơn xin từ nhiệm vì lí do cá nhân. Thời điểm miễn nhiệm dự kiến là ngày 30/6. Hội đồng quản trị FLC AMD đề xuất đại hội thông qua bầu bổ sung 1 thành viên vào HĐQT. Danh sách ứng viên sẽ được công bố tại Đại hội trước thời điểm bầu cử.
Như đã nói ở trên, bà Dương hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, được giao phụ trách nhân sự, lao động, tiền lương.
Ngoài ra, hai thành viên Ban Kiểm soát của FLC AMD cũng có đơn từ nhiệm vì lí do cá nhân là bà Nguyễn Thị Thu Thảo và bà Hoàng Thị Hương. Thời điểm miễn nhiệm dự kiến từ ngày 11/6 – cùng ngày diễn ra Đại hội.
Như vậy, Ban Kiểm soát của công ty sẽ chỉ còn lại một thành viên cũ là bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng ban.
HĐQT công ty đề xuất bầu bổ sung hai thành viên Ban Kiểm soát. Danh sách ứng viên sẽ được công bố tại Đại hội trước thời điểm bầu cử.