|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed không phát tín hiệu sẽ sớm hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 11

07:53 | 22/11/2023
Chia sẻ
Trái với mong muốn của thị trường tài chính, biên bản cuộc họp tháng 11 không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ các quan chức Fed đã thảo luận về thời điểm có thể bắt đầu hạ lãi suất.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Theo biên bản cuộc họp vừa được công bố hôm 21/11, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có vẻ không muốn hạ lãi suất trong tương lai gần, đặc biệt là khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của họ.

Bản tóm tắt cho thấy các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vẫn lo lắng rằng lạm phát có thể trở nên dai dẳng hoặc tăng cao hơn và ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải hành động mạnh tay hơn nữa.

FOMC hàm ý chính sách tiền tệ cần phải duy trì ở trạng thái thắt chặt cho đến khi dữ liệu cho thấy lạm phát chắc chắn đang trên đà quay trở lại mức mục tiêu 2% của Fed.

Tuy nhiên, các thành viên của FOMC cũng nhận định rằng họ có thể “bước đi cẩn thận” và đưa ra quyết định “dựa trên các thông tin sắp tới cũng như tác động của chúng đến triển vọng và rủi ro kinh tế”.

Biên bản cuộc họp tháng 11 được công bố trong bối cảnh Phố Wall nhìn nhận rằng Fed đã hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư dự đoán FOMC sẽ không tiếp tục tăng lãi suất và kỳ vọng ủy ban này sẽ hạ lãi suất bắt đầu từ tháng 5 năm sau. Đến cuối năm 2024, Fed được cho là sẽ giảm lãi suất 4 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản.

 

Không đề cập đến việc giảm lãi suất

Trái với mong muốn của thị trường, biên bản cuộc họp vừa qua không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ các thành viên của FOMC đã thảo luận về thời điểm có thể bắt đầu hạ lãi suất.

“Trên thực tế, ủy ban hiện không nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách.

Kể từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản. Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm.

Cuộc họp tháng 11 diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại về đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Hôm 1/11, cùng thời điểm Fed đưa ra tuyên bố chính sách, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố kế hoạch đi vay trong vài tháng tới nhưng quy mô phát hành trái phiếu nhỏ hơn so với dự đoán của thị trường.

Kể từ sau cuộc họp, lợi suất trái phiếu kho bạc đã rời khỏi mức đỉnh 16 năm khi thị trường đánh giá tác động từ thói quen vay nợ của chính phủ và nhận định của Fed về hướng đi của lãi suất.

Các quan chức Fed kết luận rằng lợi suất bật tăng là do “phần bù kỳ hạn” đi lên, hay nói cách khác là nhà đầu tư yêu cầu phần bù rủi ro lớn hơn để nắm giữ chứng khoán nợ kỳ dài hạn của Mỹ.

Theo biên bản cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách coi đà tăng của phần bù kỳ hạn là sản phẩm khi nguồn cung trái phiếu phình to. Chính phủ Mỹ đang đi vay thêm nợ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách khổng lồ của mình.

“Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng bất kể nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu dài hạn tăng là gì, những thay đổi liên tục của các điều kiện tài chính đều có thể tác động đến phương hướng chính sách tiền tệ và do đó Fed cần phải tiếp tục theo sát diễn biến của thị trường”, biên bản có đoạn.

 

Tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại

Cũng theo biên bản, các quan chức Fed dự đoán tăng trưởng kinh tế trong quý IV sẽ “chậm lại đáng kể” từ mức 4,9% trong quý III. Họ nói rủi ro đối với nền kinh tế có thể đã gia tăng.

FOMC nhận định rằng chính sách tiền tệ hiện tại đang “có tính hạn chế và đang gây áp lực giảm sút lên hoạt động kinh tế cũng như lạm phát”.

Bình luận công khai từ các quan chức Fed cho thấy họ đang bất đồng quan điểm về hướng đi của lãi suất, theo CNBC. Một số người tin rằng Fed có thể giữ nguyên lãi suất để đánh giá tác động kinh tế của 11 đợt tăng trước đó, trong khi một số khác tin ngân hàng trung ương Mỹ cần phải nâng thêm lãi suất.

 

Các dữ liệu kinh tế cũng khá hỗn loạn, dù nhìn chung cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, cho thấy lạm phát lõi đang ở mức 3,7% vào tháng 9. Con số này đã giảm đáng kể kể từ tháng 5 nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.

Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng việc đưa lạm phát xuống thấp hơn có thể sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khi tiền lương của người lao động vẫn tăng mạnh và các thành phần quan trọng trong chỉ số giá như chi phí thuê nhà vẫn còn cao.

Trong khi đó, thị trường việc làm vẫn bền bỉ, dù đang điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn. Mỹ đã tạo ra thêm 150.000 việc làm trong tháng 10, trong khi tỷ lệ thất nghiệp leo lên mức 3,9%.

Tăng trưởng GDP, sau ba quý đầu năm 2023 mạnh mẽ, dự kiến sẽ chậm lại khá nhiều. Công cụ GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta dự đoán tăng trưởng quý IV sẽ đạt 2%.

Yên Khê