Fed đưa ra dự báo lạm phát bi quan, đi ngược nhận định của thị trường chứng khoán
Hai luồng ý kiến
Giá năng lượng, xe hơi và nhà ở tại Mỹ đều đang hạ nhiệt. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng chững lại. Tất cả những thông tin này đang giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng lạm phát.
Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại không tích cực như vậy, tờ Wall Street Journal nhận thấy.
Hôm 14/12, sau khi tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) đúng như dự đoán của thị trường, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp đã đưa ra một loạt dự báo kinh tế và lãi suất không mấy tươi sáng.
Các dự báo này đều dựa trên giả định của Fed là cuộc chiến chống lạm phát sẽ kéo dài và diễn ra đau đớn hơn. Chúng hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của thị trường tài chính.
Hồi tháng 9, lần gần nhất Fed công bố các dự báo tương tự, các nhà hoạch định chính sách ước tính lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt đỉnh 4,6% vào năm 2023. Hiện tại, lãi suất chuẩn tại Mỹ đã lên mức 4,4%.
Sau đó, tại cuộc họp tháng 11, ông Powell cảnh báo rằng các nhận định trên đã lỗi thời và trên thực tế, lãi suất sẽ phải tăng cao hơn.
Tuy nhiên, một vài ngày sau, số liệu CPI tháng 10 do Bộ Lao động Mỹ phát hành cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể. Thị trường chứng khoán tăng điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc đi xuống.
Đầu tuần này, diễn biến bất ngờ đó đã xảy ra lần nữa. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tiếp tục chững lại so với cùng kỳ.
Wall Street Journal cho rằng những con số trên dường như không có nghĩa lý gì với các quan chức Fed.
Trong các dự báo được công bố mới đây, ngân hàng trung ương Mỹ kỳ vọng lãi suất sẽ chạm mức 5,1% vào cuối năm 2023 - cao hơn 0,5 điểm % so với ước tính hồi tháng 9. Sau đó, lãi suất sẽ hạ xuống còn 4,1% vào cuối năm 2024.
Chính sách tiền tệ nghiêm ngặt của Fed đi kèm với một cái giá. Các quan chức nhận thấy tăng trưởng GDP năm tới sẽ chỉ vào khoảng 0,5%, giảm mạnh so với dự báo tăng trưởng 1,2% hồi tháng 9 nhưng phù hợp với dự đoán suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, Fed nhận định tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức 3,7% hiện nay lên khoảng 4,6%, cao hơn ước tính của tháng 9. Tăng trưởng kinh tế chững lại và tỷ lệ thất nghiệp lên cao thường sẽ kéo lạm phát xuống thấp hơn.
Tuy nhiên, Fed đã nâng dự báo lạm phát cho cuối năm tới lên 3,1%. Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng dự báo lạm phát lõi từ 3,1% lên 3,5%.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì các nhà đầu tư rút ra được từ các tin tức tích cực gần đây về lạm phát.
Theo Barclays, thị trường trái phiếu và phái sinh hiện dự đoán lạm phát lõi (dựa theo chỉ số giá tiêu dùng) sẽ vào khoảng 2,6% vào cuối năm 2023.
Nếu dựa theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - lạm phát lõi vào cuối năm tới là khoảng 2% - 2,3%.
Nói cách khác, các nhà đầu tư nghĩ rằng lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% của Fed trong một năm tới. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán cho thấy họ không hề tin rằng Fed cần một cuộc suy thoái để đạt được mục tiêu đó.
Tóm lại, các nhà đầu tư dường như đã kết luận rằng lạm phát chỉ là nhất thời và Fed có thể kiến tạo một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế, Wall Street Journal cho hay.
Tại sao Fed và thị trường ngược chiều nhau?
Có hai hướng lý giải hợp lý cho sự mâu thuẫn giữa Fed và thị trường và cả hai không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau.
Đầu tiên, Fed có thể đang cho rằng lạm phát bám dính dai dẳng hơn so với suy nghĩ của nhà đầu tư, chủ yếu là do thị trường lao động vẫn vững vàng một cách đáng ngạc nhiên.
Ông Powell đã nhiều lần lưu ý rằng ông không coi lạm phát toàn phần là một chỉ báo tốt cho lạm phát cơ bản (underlying inflation), vì nó bị chi phối nhiều bởi giá năng lượng, hàng hoá lâu bền và chi phí nhà ở.
Giá của các hàng hoá trên dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng, mà ít liên quan đến tổng cung và cầu.
Lạm phát cơ bản là tỷ lệ lạm phát sẽ chiếm ưu thế khi nền kinh tế không hứng chịu các cú sốc nguồn cung, biến động giá hay suy thoái.
Thay vào đó, Chủ tịch Fed đang tập trung vào giá dịch vụ (không bao gồm chi phí nhà ở) bởi thước đo này thường có xu hướng bám dính và biến động chậm hơn.
Và do lĩnh vực dịch vụ thường sử dụng nhiều lao động, nên trọng tâm của ông Powell sẽ là thị trường việc làm. Rõ ràng, với một thị trường việc làm vẫn còn vững mạnh, ông sẽ không hài lòng.
Bất kỳ tin tin tốt nào mà Fed có thể nhận được từ báo cáo lạm phát tháng 10 và 11 đã bị đánh bật bởi báo cáo việc làm tháng 11.
Fed có thể dễ dàng nhận thấy rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang tạo ra việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ, tiền lương vẫn tăng và nguồn cung lao động vẫn thu hẹp.
“Thị trường việc làm vẫn tiếp tục mất cân bằng, nhu cầu lao động vẫn vượt xa khả năng cung ứng hiện có”, ông Powell phát biểu hôm 14/12.
Lý giải khác có thể đơn giản là ông Powell có trí nhớ tốt hơn các nhà đầu tư. Chủ tịch Fed, tương tự hầu hết các nhà kinh tế khác, từng cho rằng đà tăng của lạm phát trong năm 2021 sẽ không kéo dài.
Một năm trước, Fed dự đoán lạm phát lõi trong quý IV năm nay sẽ vào khoảng 2,7%, nhưng thực tế thì lạm phát đang ở mức 4,8%.
Fed đã phải trả giá đắt cho những sai lầm đó. Nhiều khả năng kỳ vọng lạm phát và hành vi của người tiêu dùng đều sẽ thay đổi, theo cách khiến cho áp lực lạm phát ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế. Fed có thể sẽ rất chật vật để loại bỏ nó.
Bởi vậy, tốt hơn hết là Fed phải giả định triển vọng lãi suất và kinh tế bi quan hơn thị trường. Ông Powell bày tỏ: “Nếu không tăng lãi suất đủ cao và để cho lạm phát bám rễ vào nền kinh tế, đó sẽ là nỗi đau khủng khiếp nhất”.