Cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ: Fed cần phải ngừng tăng lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra quyết định chính sách cuối cùng của năm 2022 trong hôm nay (ngày 14/12, theo giờ địa phương). Theo dự đoán của thị trường, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) nhằm mục đích khống chế lạm phát.
Song, theo nhận xét của ông Robert Reich - cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ và hiện là giáo sư chính sách công tại Đại học California - rõ ràng là cho đến nay việc tăng lãi suất của Fed không thể làm chậm nền kinh tế và kìm hãm áp lực giá.
Nếu tại cuộc họp tuần này Fed hành động đúng như dự đoán của các nhà đầu tư, thì tính từ đầu năm đến giờ, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất tổng cộng 425 bps, ông Reich thống kê.
Đây là tốc độ thắt chặt chính sách chưa từng thấy kể từ cuộc chiến chống lạm phát của Fed vào những năm 1980. Tuy nhiên, kể cả như vậy thì giá cả hầu như chưa sụt giảm đáng kể.
Thất bại của Fed một phần là do các sự kiện bên ngoài nước Mỹ, chẳng hạn như chiến sự giữa Nga và Ukraine, các cuộc phong toả tại Trung Quốc và nhu cầu hàng hoá hậu COVID trên toàn thế giới.
Dù vậy, trong một bài viết trên tờ Guardian, ông Reich cho rằng lạm phát tại Mỹ còn được thúc đẩy bởi lợi nhuận doanh nghiệp, chứ không phải tăng trưởng tiền lương như một số chuyên gia khác nhận định.
Theo vị cựu bộ trưởng, chiến dịch tăng lãi suất của Fed không thể khống chế lạm phát do lợi nhuận doanh nghiệp gây ra, ít nhất là theo hướng trực tiếp.
Trái lại, người lao động và người tiêu dùng lại phải chịu ảnh hưởng từ chu kỳ thắt chặt chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ.
Dữ liệu chính thức cho thấy vào tháng 11, chi phí lao động đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,1%. Điều này đồng nghĩa rằng sức mua thực của người lao động Mỹ đang tiếp tục đi xuống.
Ông Reich cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên tạm quên đi vòng xoáy giá - lương những năm 1970, khi thu nhập bình quân thực tế tiếp tục tăng trong phần lớn thập kỷ đó. Bây giờ, người lao động đang chịu thiệt.
Theo vị giáo sư Đại học California, lợi nhuận của doanh nghiệp đã tăng nhanh hơn chi phí lao động trong 7 trên 8 quý gần nhất.
Kinh tế trưởng Paul Donovan của UBS Global Wealth Management nhận xét hồi tuần trước rằng “lạm phát giá cả ngày nay là sản phẩm của lợi nhuận doanh nghiệp thay vì tiền lương của người lao động”.
Quý III năm nay, lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 2,08 nghìn tỷ USD, trong bối cảnh lạm phát ăn mòn túi tiền của người lao động và người tiêu dùng.
Trong hai năm qua, lợi nhuận hàng quý của doanh nghiệp đã phình to hơn 80%, từ khoảng 1,2 nghìn tỷ USD lên hơn 2 nghìn tỷ USD, ông Reich đưa thống kê.
Giữa lúc đó, giám đốc của các công ty lớn trên khắp nước Mỹ đã phát tín hiệu rằng họ có thể sẽ duy trì giá hàng hoá ở mức cao hoặc tăng giá cao hơn nữa.
Chẳng hạn, tại buổi công bố kết quả kinh doanh quý III, ông Hugh Johnston - CFO của PepsiCo - cho biết công ty này có thể sẽ tăng giá đồ ăn nhẹ và đồ uống một lần nữa vào đầu năm tới.
Thay vì làm giảm tốc độ tăng giá bán hàng của doanh nghiệp, chu kỳ nâng lãi suất của Fed dường như có tác dụng ngược lại, cựu Bộ trưởng Reich nhận thấy.
Theo ông, các công ty lớn rõ ràng sẽ không hạ giá bán và chấp nhận cho lợi nhuận sụt giảm khi nền kinh tế sắp sửa đối mặt với một cuộc suy thoái. Ngược lại, họ sẽ cố giữ giá ở mức cao càng lâu càng tốt.
Vị giáo sư nói thêm, các doanh nghiệp có thể sẽ chỉ hạ giá sản phẩm khi chính sách lãi suất của Fed bắt đầu gây tổn hại cho người tiêu dùng đến mức họ không còn có thể mua hàng ở mức giá cao.
Theo ông, Fed nên ngừng tin rằng họ có thể dễ dàng ngăn chặn lạm phát giá - lợi nhuận (tức lạm phát giá cả xuất phát từ lợi nhuận của doanh nghiệp) bằng cách tăng lãi suất.
Ngân hàng trung ương Mỹ nên tạm ngừng chu kỳ thắt chặt trong một khoảng thời gian để nhận thấy việc tăng lãi suất đang gây hại cho người lao động cũng như người tiêu dùng nhiều hơn là đối với các công ty đang thu về lợi nhuận kỷ lục.
Ông Reich khuyến nghị, chính phủ Mỹ nên sử dụng các biện pháp khác để chế ngự lạm phát, chẳng hạn như đánh thuế vào lợi nhuận cao bất thường của các công ty lớn.
Ngoài ra, vị cựu bộ trưởng cũng đề xuất Washington nên thực thi luật chống độc quyền một cách mạnh mẽ hơn nhằm giảm quyền định giá của các tập đoàn lớn.
Theo ông, người Mỹ cần biết sự thật. Các đợt tăng lãi suất của Fed trong 9 tháng qua là không đủ để hạn chế quyền tăng giá hay biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đó là lý do tại sao Fed đang đặt trách nhiệm chống lạm phát lên vai người lao động và người tiêu dùng, hơn là các tập đoàn lớn đáng lẽ phải chịu trách nhiệm cho việc đó, ông nhấn mạnh.
Cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ đánh giá rằng chiến lược tăng lãi suất của Fed là một chính sách kinh tế sai lầm, điên rồ và không công bằng.