Fed để ngỏ khả năng giảm lãi suất, kịch bản nào cho tỷ giá?
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters)
Đồng USD lao dốc sau khi Fed để ngỏ khả năng giảm lãi suất vào tháng 7
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 19/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản từ 2,25 - 2,5%, đồng thời để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới nếu "thể trạng" của nền kinh tế Mỹ có tín hiệu xấu đi.
Sau thông báo chính thức của Fed, giới phân tích và đầu tư quốc tế nhận định Fed có thể ra quyết định hạ lãi suất đầu tiên trong gần một thập niên trong cuộc họp thường kì tháng 7.
Trên thị trường ngoại hối quốc tế, ngay sau khi kết quả cuộc họp Fed được công bố, chỉ số US Dollar Index (thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ các đồng tiền chủ chốt khác) đã lập tức lao dốc.
Kết thúc ngày giao dịch 30/6, chỉ số này đã rơi về 96,11 điểm, giảm 1,54% so với mức đóng cửa của tháng 5; thậm chí có lúc chỉ số này giảm xuống dưới 96 điểm, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3.
Tính riêng tháng 6, hầu hết các đồng tiền đều tăng giá so với USD trong đó đồng Euro tăng 1,8%; bảng Anh tăng 0,5%; nhân dân tệ tăng 0,55% (so với tháng trước đó).
Diễn biến chỉ số US Dollar Index trong tháng 6 (Nguồn: MarketWatch)
Chung xu hướng với thị trường thế giới, sau động thái của Fed giá USD trong nước cũng giảm mạnh.
Cụ thể, sau chuỗi ngày giảm giá liên tiếp vào cuối tháng 6, giá mua USD tại các ngân hàng hiện dao động từ 23.133 – 23.190 đồng/USD và bán ra từ 23.280 – 23.310 đồng/USD, giá mua và giá bán cùng giảm từ 60 – 80 đồng/USD so với trước thời điểm Fed công bố kết quả cuộc họp tháng 6.
Trên thị trường tự do, khi giá giá USD cũng giảm khoảng 80 đồng trên cả hai chiều. Trong khi, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm 19 đồng.
Diễn biến tỷ giá trong nước từ ngày 19/6 - 6/7 (Nguồn: PV tổng hợp)
Kịch bản nào cho tỷ giá từ nay đến cuối năm?
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết: "Những biến động trong 6 tháng đầu năm rất khó đoán ở trên thị trường quốc tế cũng như trong khu vực, nhưng chúng ta đã chủ động và linh hoạt để có những giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ".
Chính vì vậy, tỷ giá trung tâm trong nửa đầu năm mới điều chỉnh 1% và tỷ giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng như liên ngân hàng được điều chỉnh từ 0,3 – 0,4%. Điều đó cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tình hình.
Khẳng định tất cả nhu cầu về ngoại tệ của nền kinh tế đều được cân đối đầy đủ, Thống đốc nhận định, mặc dù thị trường có những biến động nhưng hoàn toàn có đủ công cụ để có thể kiểm soát tốt tỷ giá.
Trao đổi với người viết, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho biết sự sụt giảm của đồng USD thời gian qua có thể chỉ là phản ứng trong ngắn hạn.
Cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân chính hối thúc Fed cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Nếu Fed giảm lãi suất, áp lực mất giá của tiền đồng sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, diễn biến của đồng USD trong tương lai vẫn rất khó đoán định. Trường hợp xung đột thương mại trở nên căng thẳng, đồng USD sẽ có thể mạnh trở lại và áp lực lên tỷ giá gia tăng.
Ngoài ra, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát tốt và tỉ lệ thất nghiệp thấp chưa từng có là những yếu tố tạo ra lực đẩy giá trị cho đồng USD; qua đó, tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Cố vấn cao cấp NCB
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định mức mất giá của tiền đồng trong năm 2019 khoảng 3% là hợp lí. Kể từ đầu năm tới nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 1%, dó đó dư địa vẫn còn cho 6 tháng cuối năm.
"Điều này có nghĩa chúng ta không cần cứng nhắc trong hoạt động điều hành tỷ giá. Sự ổn định của tiền đồng có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng sẽ gây ra bất lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Hiện tại, Việt Nam đang cần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của các thị trường trên thế giới đang có xu hướng chậm lại. Chính vì vậy, sự linh hoạt trong hoạt động điều hành tỷ giá là điều cần thiết", TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Nhận định về diễn biến của đồng USD, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KB Securities) cho rằng USD Index sẽ đi xuống trong năm nay với nguyên nhân chính đến từ việc thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ của Fed. Tuy nhiên, diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ giúp chỉ số USD Index khó có thể giảm sâu.
KB Securities nghiêng về kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khó đạt được bước tiến đáng kể, ít nhất là trong năm nay. Mức thuế quan hiện tại, bao gồm áp thuế 25% lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì.
Trong kịch bản nêu trên, KB Securities cho rằng đồng USD sẽ không biến động quá mạnh so với mức 96 – 97 hiện tại và đồng yên Nhật (CNY) vẫn có dấu hiệu suy giảm.
KB Securities Việt Nam nhận định trong thời gian còn lại của năm 2019, biến động của tỷ giá USD/VND sẽ chịu chi phối bởi 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, xu hướng giảm giá của USD sẽ giảm sức ép đối với tỷ giá USD/VND. Thứ hai, xu hướng giảm giá của CNY sẽ tác động tiêu cực đến VND do vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc sẽ có xu hướng gia tăng. Thứ ba, sự ổn định của nguồn cung ngoại tệ sẽ hỗ trợ tỷ giá.
Theo KB Securities Việt Nam nếu USD index xoay quanh mốc 95 - 96 điểm và tỷ giá USD/CNY được giao dịch trong khoảng 6,9 – 7 vào cuối quí IV/2019 thì tỷ giá USD/VND trong năm 2019 sẽ tăng khoảng 2 - 2,5%.
Do giá trị nhập siêu với Trung Quốc đang gia tăng rất nhanh, NHNN có thể vẫn phải cân nhắc điều chỉnh giảm giá VND ở một mức độ hợp lí để bảo vệ xuất khẩu và hạn chế nhập siêu.