EU chỉ trích Đức vì những sai sót trong vụ bê bối của Wirecard
Cựu Giám đốc Điều hành Wirecard, Markus Braun, và nhiều thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty này hiện đang bị giam giữ với cáo buộc có hành vi lừa đảo các nhà đầu tư 3,2 tỷ euro. Các bị can đều bác bỏ mọi cáo buộc.
ESMA đã bắt đầu một cuộc đánh giá nhanh tháng Bảy vừa qua về việc cơ quan quản lý thị trường BaFin của Đức và cơ quan giám sát kiểm toán mang tên Ủy ban Thực thi Báo cáo Tài chính (RFEP) của nước này đã thực hiện các quy định minh bạch của EU như thế nào trong quản lý thông tin mà công ty cung cấp cho các thị trường và nhà đầu tư.
ESMA cho biết đã phát hiện một loạt sai phạm, hoạt động không hiệu quả cùng nhiều rào cản về mặt pháp lý và thủ tục liên quan đến tính độc lập của BaFin đối với Bộ Tài chính Đức và bên phát hành cổ phiếu.
ESMA cũng cho biết có nhiều thiếu sót ngay cả khi BaFin và FREP có các nguồn lực thích hợp. Các cuộc kiểm tra nội bộ của BaFin đã không phát hiện ra rằng một số thành viên đang mua hoặc bán cổ phiếu của Wirecard.
Sau vụ bê bối trên, Thứ trưởng Tài chính Joerg Kukies cho biết Bộ này sẽ cấm các nhân viên giám sát mua bán cổ phiếu của các công ty mà họ đang quản lý.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz hoan nghênh báo cáo trên và cho biết các khuyến cáo của ESMA căn bản phù hợp với kế hoạch hành động của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng thiếu giám sát đã bộc lộ rõ qua vụ bê bối Wirecard.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị ESMA tiến hành đánh giá lại vụ bê bối của Wirecard và báo cáo của cơ quan này sẽ là trong những căn cứ để xác định liệu EU có cần giám sát thị trường theo hướng tập trung hơn hay không nhằm chấm dứt các vụ việc như vậy tái diễn.
Chủ tịch ESMA, ông Steven Maijoor cho biết: "Vụ Wirecard đã một lần nữa cho thấy các báo cáo tài chính trung thực, có chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tin cậy của nhà đầu tư vào các thị trường tài chính, đồng thời cho thấy sự cần thiết phải thực thi kiên quyết và hiệu quả việc báo cáo tài chính trên toàn EU".
Wirecard là công ty có cổ phiếu tham gia chỉ số chứng khoán DAX 30 lớn nhất của Đức (chỉ số được tính dựa trên hoạt động của 30 tập đoàn lớn nhất nước Đức).
Nhiều thành viên lãnh đạo công ty này bị cáo buộc đã thổi phồng tổng tài sản và doanh số bán hàng thông qua các giao dịch giả mạo, nhằm đánh bóng hình ảnh một công ty vững mạnh về tài chính và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và khách hàng. Vụ lừa đảo đã gây thiệt hại cho các ngân hàng và nhà đầu tư hơn 3 tỷ euro.
Wirecard đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối tháng Sáu vừa qua do mất khả năng thanh khoản và nợ quá lớn. Sau khi phải rút lại bảng cân đối kế toán năm 2019 và thừa nhận không tồn tại khoản tiền 1,9 tỷ euro (2,1 tỷ USD) trong sổ sách kế toán của công ty, cổ phiếu của Wirecard đã mất gần như hoàn toàn giá trị.
Trong khi đó, để có tên trong chỉ số chứng khoán DAX 30 vào hai năm trước, giá cổ phiếu của Wirecard thậm chí đã tăng lên gần 200 euro và giá trị thị trường là 24 tỷ euro.