|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

DVP, VSC, GMD, PHP hưởng lợi nhiều nhất trong cụm cảng Hải Phòng

10:56 | 30/08/2016
Chia sẻ
Sản lượng thông quan qua các cảng ở khu bến Đình Vũ tăng trưởng khá tốt, giúp các cảng GMD, PHP, DVP bù đắp cho sự sụt giảm lượng hàng lạnh cùng kỳ và cảng VSC sinh lãi sớm hơn dự kiến.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa ra báo cáo đánh giá triển vọng ngành cảng biển Việt Nam từ kết quả 8 tháng đầu năm.

Theo đó, VDSC dẫn số liệu báo cáo 8 tháng năm 2016 của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Việt Nam tiếp tục “tăng trưởng bền vững”. Theo đó, tổng sản lượng hàng hóa 8 tháng trên cả nước ước đạt 306 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Mặt hàng container, vốn chiếm gần 1/3 tổng sản lượng (theo tấn), tăng trưởng mạnh 19% với sản lượng lũy kế 8 tháng đạt khoảng 8,8 triệu Teus.

VDSC đánh giá diễn biến hàng hóa XNK qua hệ thống cảng Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016 khá tích cực đặt trong bối cảnh kinh tế khu vực còn nhiều khó khăn và cạnh tranh gia tăng mạnh. Bên cạnh sự phục hồi của hoạt động sản xuất nội địa, sự gia tăng dòng vốn đầu tư FDI vào sản xuất công nghiệp ở Việt Nam tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ đạo cho thương mại.

Theo FIA, lũy kế 8 tháng năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký và giải ngân tiếp tục đà tăng trưởng khả quan khi đạt lần lượt 14,3 tỷ USD (tăng 7,7%) và 9,8 tỷ USD (tăng 8,9%).

Khu vực các tỉnh duyên hải miền Bắc gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng,… đang thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào sản xuất công nghiệp nhờ vào các chính sách ưu đãi, chi phí SXKD cạnh tranh, hạ tầng giao thông được quan tâm và vị trí chiến lược gần các nươc Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,…). Quan trọng hơn, Bộ GTVT Việt Nam vừa ban hành quy hoạch chi tiết cho 4 nhóm cảng biển từ phía Bắc đến Nam Trung Bộ.

Đáng chú ý tại nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1), Hải Phòng được chọn là cảng đầu mối của khu vực và cửa ngỏ XNK hàng hóa quốc tế (loại IA). Theo quy hoạch, sản lượng hàng hóa qua Hải Phòng dự kiến sẽ đạt 109-114 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 178-210 triệu tấn/năm 2030 (chiếm 60% tổng sản lượng hàng hóa qua khu vực phía Bắc).

Với tình hình hàng hóa qua Hải Phòng năm 2016 ước đạt 78-80 triệu tấn và tốc độ tăng trưởng dự báo 12-15%/năm, sản lượng hàng qua khu vực Hải Phòng nhiều khả năng sẽ đạt chỉ tiêu quy hoạch sớm hơn dự kiến.

VDSC cho rằng triển vọng và tương lai của các cảng ở Hải Phòng sẽ phân hóa rất mạnh trong các năm tới. Theo quy hoạch, các cảng nằm ở phía thượng nguồn bến Sông Cấm (Hải Phòng) như cảng Nam Hải (GMD-HSX), Đoạn Xá (DXP-HSX), Cảng Xanh (VSC-HSX), Chùa Vẽ, Hoàng Diệu… sẽ không phát triển mở rộng, dần dần di dời và chuyển đổi công năng khai thác dựa trên tiến độ của dự án Lạch Huyện.

Bến Đình Vũ và Lạch Huyện sẽ là hai bến cảng tổng hợp và container chủ lực tại đây trong tương lai. Dự kiến hai bến này sẽ thông quan khoảng 80% lượng hàng qua Hải Phòng với sản lượng tương đương nhau.

Tuy không hưởng lợi từ hàng hóa đông lạnh như năm 2015, VDSC vẫn đánh giá KQKD 6 tháng đầu năm của các cảng ở Hải Phòng nhìn chung là khá khả quan với doanh thu và lợi nhuận tương đương hoặc tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Theo quan sát, sự phân hóa thể hiện khá rõ rệt với sản lượng thông quan qua các cảng ở khu bến Đình Vũ tăng trưởng khá tốt. Điều này giúp các cảng Nam Hải Đình Vũ, Tân Vũ, Đình Vũ bù đắp cho sự sụt giảm lượng hàng lạnh cùng kỳ và cảng Xanh Vip sinh lãi sớm hơn dự kiến.

Tóm lại, các doanh nghiệp khai thác cảng có định hướng chiến lược đầu tư sở hữu các cảng ở bến Đình Vũ (hiện tại) như DVP (Đình Vũ), VSC (cảng Xanh Vip), GMD (Nam Hải Đình Vũ), PHP (Tân Vũ) và tương lai là Lạch Huyện (Tân Cảng Sài Gòn,…) sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng nguồn hàng hóa qua đây.

Khổng Chiêm