|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhóm cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ tiếp tục phất lên trong nửa cuối năm

07:53 | 09/08/2021
Chia sẻ
Theo dự báo của BSC, nhóm cảng biển sẽ phân hóa và đạt mức tăng trưởng cao ở các công ty khai thác tại cụm cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải. Trong đó, sản lượng thông qua cảng biển ở cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tăng mạnh mẽ nhờ lợi thế về chi phí và khả năng đón tàu so với cảng Cát Lái.

Chứng khoán Ngân hàng và Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa đưa ra báo cáo triển vọng ngành cảng biển và vận tải biển trong 6 tháng cuối năm 2021.

Các chuyên gia kỳ vọng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong hai quý cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng 9% so với cùng kỳ nhờ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu khi các quốc gia đang thúc đẩy tiêm vắc xin kết hợp với các chính sách kinh tế kích thích tăng trưởng tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất.

dff - Ảnh 1.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp, trong đó mức tăng trưởng cao chủ yếu ở các công ty khai thác ở hai cụm cảng nước sâu là Lạch Huyện ở phía Bắc và Cái Mép - Thị Vải ở phía Nam.

Cụ thể, đối với cụm cảng Hải Phòng, hầu hết các doanh nghiệp sẽ khó có sự tăng trưởng cao trong cả ngắn và dài hạn. Riêng đối với các doanh nghiệp có dự án tại Khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện như Tân Cảng Sài Gòn, CTCP Cảng Hải Phòng (Mã: PHP), Tập đoàn Hateco và CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) (đang xin phê duyệt) sẽ có động lực tăng trưởng trong tương lai.

BSC nhận định khu vực này sẽ phát triển tích cực nhờ sản lượng thông qua cảng Lạch Huyện kỳ vọng tăng trưởng mạnh với CAGR 25% giai đoạn 2020 - 2030 khi hệ thống giao thông logistics kết nối khu bến Lạch Huyện được đầu tư phát triển và xu hướng tăng kích cỡ tàu, giảm chi phí tiếp tục diễn ra đối với các hãng tàu.

dff - Ảnh 3.

Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải. (Ảnh: Vsico).

Đối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, các nhà phân tích dự đoán sản lượng hàng hóa sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chưa đạt tối đa công suất như CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) hay CTCP Gemadept (Mã: GMD).

Theo phân tích, hai công ty này sẽ được hưởng lợi nhờ nằm trong khu vực cảng nước sâu, đón được các tàu có trọng tải lớn - xu thế chính của ngành. Ngoài ra, các đơn vị quanh khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ có lợi thế hơn khi ngày 1/10 tới đây, chi phí cảng Cát Lái sẽ tăng lên mức cao nhất là 4,4 triệu đồng/container 40 feet do thu phí hạ tầng cảng biển.

Trong nửa cuối năm 2021, chuyên gia đánh giá nhóm vận tải hàng rời và hàng container sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với giá cước duy trì ở mức cao. Nhận định này được đặt trong kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục, đạt 6% năm 2021 trong khi nguồn cung container sẽ chưa thể tăng mạnh cho đến cuối năm nay.

Đối với nhóm vận tải dầu khí, BSC cho rằng các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, nhiên liệu tăng khi hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu ổn định trở lại. Tuy nhiên mức giá cước vận tải khó tăng mạnh trong bối cảnh nhóm ngành này phải đối mặt với thách thức dư cung tàu trong dài hạn.

Minh Hằng