|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cảng Hải Phòng thu 149 tỷ đồng trong tháng 8, phấn đấu hoàn thành hạng mục bến container số 3 và 4 trước ngày 13/5/2024

10:55 | 15/09/2023
Chia sẻ
Doanh thu tháng 8 của Cảng Hải Phòng tương đương cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) cho biết trước những tín hiệu khởi sắc của thị trường, trong tháng 8, doanh thu công ty ước đạt 149 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu khai thác đạt 141 tỷ đồng tăng 0,6% so với tháng 8 năm ngoái.

Sản lượng hàng hóa gần 2,6 triệu tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Mặt hàng container đạt 126.700 TEU, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Toàn cảng đón và khai thác 155 lượt tàu, trong đó 100 lượt tàu container (tăng 7 lượt tàu so với tháng trước).

Về tình hình hoạt động, ngày 14/8, Cảng Hải Phòng đón tài CMA CGM - hãng tàu lớn thứ ba thế giới đưa tàu PANAY thuộc tuyến dịch vụ HSF1 tới khai thác tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ. 

Trước đó ngày 10/8 Cảng Tân Vũ cũng đã đón thành công tàu Maersk Jabal – tàu lớn nhất của hãng tàu Maersk từng cập cảng tại khu vực Đình Vũ. 

 Cảng Tân Vũ đón tàu PANAY. (Ảnh: Cảng Hải Phòng).

Bên cạnh đó, dự án đầu tư Bến container số 3 và số 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đang được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.

Kết thúc tháng 8, bến cầu đệm đã cơ bản hoàn thành, hạng mục san lấp đã thi công đạt 90% và bắt đầu cắm bấc thấm xử lý nền. 8 tháng đầu năm nay, chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân cho dự án đạt 65% kế hoạch năm. Nhà thầu đang phấn đấu hoàn thành hạng mục các bến container trước ngày 13/5/2024.

Toàn cảnh tiến độ Dự án Đầu tư Bến container số 3 và số 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện (Ảnh: Cảng Hải Phòng).

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã đăng tải dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lấy ý kiến.

Theo đó, giá sàn xếp dỡ container được điều chỉnh tăng 10% so với giá cũ (có hiệu lực từ năm 2019), còn đối với một số cảng nước sâu lớn (đón được tàu trọng tải trên 160 nghìn DWT) giá sàn được điều chỉnh tăng thêm thêm khoảng 10%.

Trong báo cáo về ngành cảng biển mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, không phải tất cả các cảng đều được hưởng lợi khi dự thảo này được thông qua. Đối với các cảng tại Hải Phòng đang niêm yết dịch vụ xếp dỡ container với mức giá cao hơn giá sàn của dự thảo sửa đổi, ảnh hưởng từ chính sách có thể không rõ rệt lên tình hình tài chính.

Bên cạnh đó, các cảng có thể tiếp tục niêm yết dịch vụ xếp dỡ container ở mức giá trần, cao hơn 20% so với hiện tại. Nguyên nhân đến từ khả năng đón được tàu có trọng tải lớn, phù hợp với xu hướng phát triển đội tàu của thế giới nên nhu cầu khai thác container tại cảng nước sâu rất cao.

Do đó, các công ty niêm yết được hưởng lợi lớn nhờ có cảng nước sâu là Gemadept (cảng Gemalink), Cảng Sài Gòn (cảng SSIT và CMIT) tại khu vực Cái Mép – Thị Vải và Cảng Hải Phòng bến 3&4 tại Lạch Huyện (dự kiến đi vào khai thác từ cuối năm 2024).

Lâm Anh