Cảng Hải Phòng trước khi bị hủy niêm yết: Thị phần dẫn đầu khu vực phía Bắc, biên lãi gộp vượt Gemadept và Xếp dỡ Hải An
Vì sao Cảng Hải Phòng bị hủy niêm yết?
Ngày 31/8 vừa qua là ngày huỷ niêm yết bắt buộc của gần 327 triệu cổ phiếu PHP của CTCP Cảng Hải Phòng. Trước đó, ngày 17/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành quyết định về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu PHP do báo cáo tài chính năm đã kiểm toán có ý kiến ngoại trừ liên tiếp trong 3 năm 2019, 2020, 2021.
Trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đưa ý kiến ngoại trừ về chỉ tiêu tài sản cố định hữu hình là các tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ với tổng nguyên giá là 279,7 tỷ đồng, giá trị còn lại là hơn 149 tỷ. Đây là tài sản thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp PHP giai đoạn 2 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ. Hiện tại, công ty đang trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án thuê khai thác các dự án này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu kiểm tra lại quá trình cổ phần hóa, trong điều kiện hồ sơ quyết toán giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa của PHP chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do không thể xác định được ảnh hưởng của quá trình kiểm tra nên đơn vị kiểm toán không thể xác định được liệu có cần điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, PHP đã tạm nộp vào ngân sách Nhà nước một số khoản có liên quan đến dự án nêu trên, gồm khoản khấu hao từ năm 2014 đến 31/12/2018 (44,8 tỷ đồng), chi phí lãi vay ODA Nhật Bản tạm trích trước (149,3 tỷ đồng).
Thực hiện theo nghị quyết HĐQT ngày 12/6/2020, công ty đã dừng trích khấu hao, dừng ghi nhận chi phí lãi vay kể từ ngày 1/1/2020 đối với các tài sản thuộc nhóm tài sản trên và đang chờ phê duyệt để quản lý chính thức. Tuy nhiên, công ty chưa ghi nhận và phản ánh khoản chi phí thuê các tài sản này trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Đây cũng là vấn đề khiến công ty mẹ là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) cho rằng việc quyết toán vốn nhà nước tại PHP kéo dài nhiều năm qua và đên nay vẫn chưa xong.
Thị phần top đầu khu vực phía Bắc, vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm cảng biển
Theo giới thiệu, PHP do Pháp xây dựng từ năm 1874 và đến tháng 7/2014, PHP đã được cấp giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 5, hoàn tất việc chuyển đổi từ công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước sang hình thức công ty cổ phần với số vốn điều lệ là 3.269,6 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm hơn 92% vốn điều lệ (tính đến cuối tháng 6/2022). PHP cũng là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm các doanh nghiệp cảng biển, đạt gần 3.270 tỷ đồng.
PHP nằm trong khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, một trong 5 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam, đồng thời cũng là cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất ở phía Bắc Việt Nam, do đó PHP có nhiều khả năng để tận dụng dòng chảy thương mại toàn cầu sôi động.
Đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của PHP là hoạt động bốc xếp hàng hóa (chiếm khoảng 70% tổng doanh thu) tiếp đến là hoạt động lưu kho bãi.
Từ lúc niêm yết trên HNX vào năm 2015 đến nay, PHP đều duy trì doanh thu trên ngưỡng 2.000 tỷ đồng, và lợi nhuận trên trên 500 tỷ, chỉ xếp sau Gemadept trong cùng nhóm, và vượt qua Cảng Đồng Nai, Cảng Sài Gòn ở phía Nam.
Còn xét về biên lợi nhuận gộp trong vòng 5 năm trở lại đây, nếu như kết quả của PHP xếp sau nhiều doanh cảng như Cảng Đình Vũ (công ty con của PHP), Cảng Sài Gòn, Gemadept vào giai đoạn 2018 - 2020 thì đến năm 2021, PHP đã vượt qua Gemadept để soán ngôi vị trí thứ ba về tỷ suất lợi nhuận gộp trong 7 doanh nghiệp khai thác cảng được thống kê.
6 tháng đầu năm 2022, PHP tiếp tục duy trì phong độ trong nhóm vận hành cảng biển kinh doanh hiệu quả với mức tăng trưởng doanh thu dù đi ngang nhưng lợi nhuận đạt gấp đôi cùng kỳ, nhờ lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối kỳ.
Nhận định về triển vọng của ngành cảng biển, SSI research cho rằng sản lượng qua các cảng có thể tiếp tục đà tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2022 (tăng 10% so với cùng kỳ) do mức so sánh thấp trong cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, ngành cảng vẫn có triển vọng tăng trưởng dài hạn nhờ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước lân cận khiến một số công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nhà máy vẫn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ chuỗi cung ứng Trung Quốc, làm gia tăng việc luân chuyển hàng hóa ra vào Việt Nam trong dài hạn.
Theo các chuyên gia, Cảng Cái Mép và Cảng Hải Phòng, đặc biệt là các cảng nước sâu sẽ được hưởng lợi chính, do cảng khu vực TP HCM (Cảng Cát Lái) đã hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, PHP vẫn thừa cung với sản lượng qua cảng mới đạt 75% tổng nguồn cung năm 2022, dẫn đến cạnh tranh gay gắt. Các cảng tại Cái Mép có lợi thế tốt nhất để tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn khó khăn này.
Năm 2022, PHP cũng xác định đây là năm cạnh tranh khốc liệt về giá cước dịch vụ và thị phần hàng hóa. Mặt hàng container chịu tác động lớn của Cảng Quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng (HITCT) (đây là cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc) và hàng ngoài container bị ảnh hưởng bởi chủ trương xây dựng cầu Nguyễn Trãi.
Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu biến động bất thường cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của cảng.
Đầu tư bến cảng 3 và 4 tại khu vực Lạch Huyện, dự kiến di dời Cảng Hoàng Diệu
Năm nay, PHP sẽ đầu tư triển khai xây dựng bến cảng 3, 4 tại khu vực Lạch Huyện, thuộc cửa ngỏ cảng quốc tế Hải Phòng. Dự án dự kiến hoàn thành thi công trong quý III/2024.
Cập nhất mới nhất, tháng 7/2022, dự án xây dựng bến container số 3 và 4 đã được triển khai thi công. Theo PHP, đây là một bước tiến quan trọng trong công tác đầu tư mở rộng của cảng theo xu hướng tiến xa ra biển, hướng tới đón những chuyến tàu tải trọng đến 100.000 DWT, nâng cao lợi thế cạnh tranh, và khẳng định vị trí chủ lực của PHP trong hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc.
Ngược lại, do quy hoạch, nên PHP sẽ phải thực hiện di dời Cảng Hoàng Diệu. Đây cũng là một trong ba bến cảng của PHP có vai trò quan trọng của khu vực phía Bắc với công suất đạt khoảng 10 triệu tấn/năm, là cảng duy nhất trong cả nước có hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia (Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) để vận chuyển các loại hàng rời như lưu huỳnh, quặng, a-pa-tit đến Lào Cai.
Giai đoạn 1, cầu cảng số 9, 10, 11 đã tạm ngừng khai thác và đã được di dời để phục vụ triểu khai xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ. Giai đoạn 2 tiến hành di dời theo tiến độ cầu Nguyễn Trãi của TP Hải Phòng và tiến độ xây dựng hai bến container số 3,4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Vì di dời Cảng Hoàng Diệu nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm các bến cảng khác (kể cả các bến thuộc cảng biển Quảng Ninh) ngoài bến cảng Chùa Vẽ và các bến tổng hợp, container hiện hữu trên sống Cấm về khả năng tiếp nhận các tàu biển trọng tải 40.000 - 50.000 DWT.
Điều này sẽ giúp giảm tải hiện đang khai thác tại bến cảng Hoàng Diệu, hạn chế phải nạo vét vũng quay tàu và vùng nước trước bến cảng Chùa Vẽ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/