|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đường Quảng Ngãi (QNS) có gì để hấp dẫn Nutifood?

14:55 | 03/09/2022
Chia sẻ
Trong khi các công ty đang vật lộn từng miếng thị phần trong mảng sữa bột, sữa nước với những người dẫn đầu là Vinamilk, TH True Milk hay Dutch Lady,… thì với mảng sữa đậu nành, thị phần đang gần như nằm trong tay của Đường Quảng Ngãi.

Từ ngày 18/8 đến 22/8, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Bình Dương đã mua vào thành công hơn 3,6 triệu cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi, để nâng mức nắm giữ từ 3,42% lên 4,44%. Như vậy cùng với công ty mẹ là CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, nhóm Nutifood đã nắm được 8,04% cổ phần tại QNS.

Thực tế, trước đây đã có nhiều tin đồn sẽ có một cuộc đổ bộ mới vào nhóm cổ đông của QNS. ĐHĐCĐ thường niên 2021 của QNS đã thông qua việc ông Nguyễn Văn Đông – người đại diện cho 29,35 triệu cổ phiếu QNS, tương ứng 8,22% vốn cổ phần lúc bấy giờ tham gia làm thành viên HĐQT độc lập của QNS.

Ông Đông là một chuyên gia M&A tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) – đơn vị từng tư vấn cho CTCP Cà phê Phước An (CPA) – thành viên của Nutifood. Nhiều khả năng ông Đông là đại diện cho VDSC, nhưng cũng có thể là người đứng tên cho một nhóm cổ đông nào khác.

Nutifood âm thầm liên tục gom cổ phần của QNS gần đây phải chăng bắt đầu lộ diện trong nhóm cổ đông của QNS đã làm dấy lên nhiều tin đồn QNS sẽ đổi chủ song ban lãnh đạo QNS đã phủ định tin đồn này với Nutifood, đây đơn giản chỉ là sự sang tay nội bộ.

Đường Quảng Ngãi: Lợi nhuận duy trì trên nghìn tỷ đồng mỗi năm

 Đồ họa: Justin Bui.

QNS tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ XX. Đầu năm 2006, QNS chính thức được cổ phần hóa và đi vào hoạt động như một công ty cổ phần.

Hoạt động sản xuất của QNS gắn liền với các thương hiệu Đường An Khê, bia Dung Quất, nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun. Ngoài ra, QNS còn sản xuất điện sinh khối.

Xét giai đoạn 2014 – 2021, doanh thu mỗi năm của QNS trên 7.000 tỷ đồng, trừ hai năm 2014 và năm 2020. Đặc biệt năm 2018, doanh nghiệp lần đầu chạm mốc doanh thu 8.000 tỷ đồng cao lịch sử và QNS đang kỳ vọng năm 2022 này sẽ tiếp tục lặp lại mức đỉnh đó. Còn lợi nhuận của doanh nghiệp hầu như duy trì đều đặn trên mốc 1.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận của QNS đều đặn giữ trên nghìn tỷ đồng mỗi năm. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của QNS).

Mảng sữa đậu nành - ‘Con gà để trứng vàng’ của QNS 

Trong tất cả các ngành hàng, mảng sữa đậu nành Vinasoy với thương hiệu Fami được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của QNS, chiếm khoảng 55% doanh thu của Vinasoy năm 2021.

QNS cho biết, năm 2021, ngành hàng FMCG tăng trưởng âm (-4,8%), song ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa lại có sự tăng trưởng nhẹ (1,2%). Tuy nhiên, riêng ngành hàng sữa đậu nành lại giảm -4,1%. Trong bối cảnh đó, sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành Vinasoy năm 2021 vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, 8% so với năm 2020, đạt 270 triệu lít.

Tính đến cuối năm 2021, Vinasoy đang nắm áp đảo tới 90% thị phần sữa đậu nành bao bì hộp giấy của cả nước, có lúc đạt tỷ lệ 92,2% (tháng 8/2021). QNS cũng là thuộc top 5 nhà sản xuất đậu nành lớn nhất thế giới với tổng công suất nhà máy sữa là 390 lít/năm. Sản phẩm sữa đậu nành Fami còn được phủ sóng tại 1.000 cửa hàng tại Châu Á, chủ yếu ở Nhật Bản và Trung Quốc, song song đó còn ở Mỹ và Hàn Quốc.

Thương hiệu sữa đậu nành Fami của QNS đang nắm áp đảo 90% thị phần, số còn lại thuộc về Vinamilk hay Tribeco.... (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Để nắm hầu như thị phần sữa đậu nành, QNS đã đầu tư các vùng nguyên liệu và các trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống. Doanh nghiệp này có vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Hồng, vùng nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long và đã thử nghiệm thành công tại miền Trung, Tây Nguyên, Tây Ninh và Bình Phước, trong đó trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống nằm tại tỉnh Quảng Ngãi.

QNS cho biết, việc đã lai tạo được những giống đậu nành có năng suất vượt trội và còn có những chất dinh dưỡng quý omega 3, omega 6...  đã tạo ra sự khác biệt, cũng chính là lợi thế cạnh tranh cho Vinasoy so với các sản phẩm khác.

Trong khi các công ty đang vật lộn, tranh giành từng miếng thị phần trong mảng sữa bột, sữa nước với các ông lớn như Vinamilk, TH True Milk hay Dutch Lady,… thì mảng sữa đậu nành có thể gần như là độc quyền đối với Vinasoy.  

Ngoài sữa đậu nành, đường cũng là mảng đóng góp lớn vào doanh thu của QNS. Năm 2021, doanh thu hoạt động đường đạt 1.584 tỷ đồng (chiếm 21% tổng doanh thu), tăng 59% so với năm 2020. Lãi gộp đạt 372 tỷ đồng gấp 11,7 lần năm 2020.

Với vùng nguyên liệu mía An Khê (Gia Lai) - vùng trồng mía lớn nhất nhì cả nước với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây mía, QNS kỳ vọng mảng đường sẽ mang đến đột phá cho công ty trong thời gian tới.

Báo cáo của Chứng khoán VCBS hồi tháng 7 nhận định, trong nửa cuối năm, mảng sữa của QNS kỳ vọng tăng trưởng 15% so với cùng kỳ do mức nền năm ngoái thấp và đến từ việc Vinasoy mở rộng danh mục sản phẩm mới và tăng giá sản phẩm 5-6%.

Tuy nhiên, biên gộp sữa đậu sẽ kém tích cực do QNS đã chốt giá cao trong quý II vừa qua và giá đậu nành bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 6 đến nay sẽ phản ánh tích cực trong kết quả quý IV/2022 trở đi.

Trong khi đó, mảng đường của công ty kỳ vọng hưởng lợi khi Thuế phòng vệ thương mại được ban hành. Tuy nhiên, rủi ro sẽ đến từ việc giá nguyên liệu đậu nành biến động làm giảm biên gộp, còn mảng đường RS do diện tích mía tăng thêm ít hơn so với kỳ vọng, đường RE hiện mới chỉ chạy khoảng 7% công suất thiết kế do chưa tìm được giải pháp đường thô đầu vào.

Cơ cấu cổ đông phân mảnh

Tính đến cuối quý II, QNS có vốn điều lệ 3.569 tỷ đồng, gấp 71 lần so với con số 50 tỷ đồng từ lúc năm 2006 hoạt động, cơ cấu cổ đông cũng phân mảnh.

Tại ngày 15/2/2022, cổ đông lớn của QNS nắm tổng tỷ lệ sở hữu là 27,4%, trong đó cổ đông tổ chức là 23,1%. Cổ đông lớn nhất của QNS hiện là Công ty TNHH MTV TM Thành Phát – một công ty con do QNS nắm 100% cổ phần với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Với việc Thành Phát đang sở hữu 15,5% cổ phần của QNS, về bản chất vẫn thuộc sở hữu của QNS.

Ngoài tổ chức, cổ phần của QNS còn lại phân ra cho các cổ đông cá nhân bao gồm cả lãnh đạo và người lao động. QNS cho biết cổ phần của công ty được sở hữu bởi 7.000 cổ đông cả trong và ngoài nước.

Nguồn: MH tổng hợp.

Theo báo cáo quản trị bán niên 2022, ban lãnh đạo công ty cùng người có liên quan đang nắm giữ hơn 12,43% cổ phần. Ban lãnh đạo của QNS hầu hết đều là các cổ đông sáng lập của QNS, bao gồm ông Trần Ngọc Phương, Chủ tịch HĐQT, ông Võ Thành Đàng, Phó Chủ tịch, các Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hữu Tiến, ông Ngô Văn Tụ, ông Đặng Phú Quý. Bên cạnh đó là ông Nguyễn Đình Quế, ông Nguyễn Thành Huy, bà Huỳnh Thị Ngọc Diệp, ông Nguyễn Thế Bình là những người đang làm kiểm soát viên và kế toán trưởng của công ty.

Với doanh thu và lợi nhuận không biến động quá nhiều qua các năm, cộng thêm chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu đều đặn qua các năm, cổ đông cá nhân của QNS ít có động lực để bán, thậm chí họ còn tích cực gom mua cổ phiếu.

Chủ tịch Võ Thành Đàng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc QNS, đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu QNS từ ngày 4/8 đến 31/8 để nâng tỷ lệ lên mức 7,32%. Trước đó, ông Đàng đã không thành công trong việc mua 1 triệu cổ phiếu QNS trong khoảng thời gian từ ngày 30/6 – 29/7 do “điều kiện thị trường chưa phù hợp”.

Minh Hằng