|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhìn lại lịch sử tăng vốn từ 1,5 tỷ lên 5.676 tỷ của FLC Faros và quá trình thoái vốn của ông Trịnh Văn Quyết

16:33 | 26/08/2022
Chia sẻ
Trong 7 năm, FLC Faros tăng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 5.676 tỷ đồng, tức là gấp 3.784 lần. Ông Trịnh Văn Quyết có thời gian làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 67% vốn của FLC Faros.

Những đợt tăng vốn trước khi lên sàn

Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) mà nhiều nhà đầu tư biết đến ngày nay có tên cũ là Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà.

Ngày 13/5/2015, công ty Vĩnh Hà đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng Faros. Đến gần cuối năm 2016, tức là khoảng ba tháng sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, Xây dựng Faros mới có thêm chữ “FLC” trong tên gọi của mình như hôm nay.

“Ngày 30/11/2016, Công ty đã được cơ quan thẩm quyền công nhận việc chính thức đổi tên thành ‘Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros’. Việc thay đổi tên đã cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Công ty với Tập đoàn FLC”, thông cáo của FLC Faros có đoạn viết.

FLC Faros đã trải qua nhiều thay đổi về quy mô vốn cũng như lãnh đạo chủ chốt.

Khi mới thành lập năm 2011, FLC Faros có vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng. Đến 24/4/2014, công ty tăng vốn lên 225 tỷ theo phương thức phát hành cho cổ đông hiện hữu. Từ tháng 6/2015 đến tháng 1/2016, FLC Faros còn ba lần phát hành cho cổ đông hiện hữu khác, đưa vốn điều lệ lên mức 3.500 tỷ đồng.

Tháng 3/2016, FLC Faros phát hành riêng lẻ 80 triệu cổ phiếu và nâng vốn lên mức 4.300 tỷ đồng. Tháng 9 cùng năm, công ty đưa 430 triệu cổ phiếu ROS lên niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Sau khi lên sàn, FLC Faros tiếp tục tăng vốn thêm hai lần khác bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ lần lượt là 10% và 20%. Biểu đồ dưới đây cho thấy từ tháng 5/2018 đến nay FLC Faros có vốn điều lệ 5.676 tỷ đồng, tương ứng với 567,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

FLC Faros đã 7 lần tăng vốn kể từ khi thành lập, bao gồm 5 lần trước khi lên sàn và hai lần sau khi niêm yết HOSE.

Khi FLC Faros lên sàn vào tháng 9/2016, Chủ tịch HĐQT là ông Doãn Văn Phương, một trong các Thành viên HĐQT là ông Trịnh Văn Quyết. Đến ngày 5/5/2017, ông Quyết làm Chủ tịch HĐQT và nắm giữ vị trí này tới khi từ nhiệm vào tháng 4/2020.

Nghi vấn tăng vốn ảo

FLC Faros khẳng định: Với các đợt tăng vốn trong năm 2014, 2015 và 2016, công ty đã giải trình và cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ cho công ty kiểm toán về tính chính xác của tình hình góp vốn và sử dụng vốn. Trên cơ sở đó, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội đã phát hành các báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 trong đó có ghi nhận vốn điều lệ thực góp tại các thời điểm 31/12/2014 và 31/12/2015.

Ngoài ra, báo cáo vốn đầu tư của chủ sở hữu của FLC Faros cho giai đoạn từ 1/1/2016 đến 30/6/2016 cũng đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán ASC, theo đó vốn điều lệ thực góp của FLC Faros tại ngày giữa năm 2016 là 4.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên ngày 25/8/2022 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) – Bộ Công an cho rằng ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Chủ tịch FLC Faros), bà Trịnh Thị Thúy Nga và bà Trịnh Thị Minh Huế (cả hai đều là em gái ông Quyết) đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách tăng vốn ảo cho FLC Faros rồi bán cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Cụ thể theo Cơ quan điều tra: Từ năm 2014 đến 2016, các bị can nói trên đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng - tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty Xây dựng Faros; sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, 4 bị can đã bán cổ phiếu và chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. 

Tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS đứng tên ông Quyết và cổ phiếu ROS dưới tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng rồi rút tiền mặt để chiếm đoạt, Cơ quan điều tra cáo buộc.

Ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC Faros từ ngày 5/5/2017 đến 7/4/2020. (Ảnh và đồ họa: Đức Quyền).

Trong báo cáo tài chính bán niên soát xét 2016, đơn vị kiểm toán cũng đã nhấn mạnh hai vấn đề: Tính đến ngày 30/6/2016, tổng số tiền CTCP Xây dựng Faros ủy thác đầu tư cho các cá nhân là 1.417 tỷ đồng, ủy thác đầu tư cho các tổ chức là 2.149 tỷ đồng.

Ngoài ra, đợt tăng vốn điều lệ quý I/2016 có ba cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016, Công ty TNHH Kiểm toán ASC cho biết.

Như vậy, những nhà đầu tư tham gia đợt tăng vốn đầu năm 2016 của Faros chỉ cần có trong tay khoảng 26 tỷ đồng rồi liên tục chuyển tiền vào – rút tiền ra nhiều lần để hoàn tất việc góp vốn về mặt hình thức. 

Ông Trịnh Văn Quyết rút khỏi FLC Faros

Tính đến tháng 8/2019, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất của FLC Faros với tỷ lệ sở hữu 67,34%, tương ứng với 382,2 triệu cổ phiếu ROS.

Từ 5/9/2019 đến 2/1/2020, ông Quyết đã hai lần bán ra tổng cộng 91 triệu cổ phiếu ROS, thu khoảng 2.000 tỷ đồng và giảm tỷ lệ sở hữu còn 51,3%.

Đầu tháng 4/2020, tức là khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu và gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, ông Trịnh Văn Quyết gửi đơn xin thôi chức Chủ tịch, đồng thời muốn rút hoàn toàn khỏi HĐQT của FLC Faros sau ba năm gắn bó.

HĐQT có thẩm quyền miễn nhiệm chức Chủ tịch của ông Quyết, nhưng tư cách Thành viên HĐQT phải do đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm.

Ngay trong tháng 4/2020, khi FLC Faros chưa tổ chức đại hội cổ đông để chính thức miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT, ông Quyết đã bán 53,8 triệu cổ phiếu ROS, thu về ước tính 220 tỷ đồng. Sau đó, ông Quyết liên tục thoái vốn, không đăng trước, chỉ công bố kết quả.

Trong khoảng hai tháng từ 7/4 đến 10/6/2020, ông Quyết đã bán tổng cộng 267,5 triệu cổ phiếu ROS, trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Tính đến tháng 6/2020, ông Quyết không còn là cổ đông lớn tại FLC Faros khi tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 4,17%, tương ứng với 23,7 triệu đơn vị. Vì không còn là lãnh đạo hay cổ đông lớn nên ông Quyết có thể bán hết số cổ phiếu còn lại mà không cần đăng ký hay báo cáo kết quả.

Theo Cơ quan điều tra, ông Quyết không chỉ bán số cổ phiếu đứng tên mình còn chỉ đạo những cá nhân khác mua bán cổ phiếu ROS để chiếm đoạt tài sản. Theo Bộ Luật Hình sự 2015, hình phạt cao nhất đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tù chung thân.

ROS bắt đầu giao dịch tại HOSE từ ngày 1/9/2016, đến hết ngày 11/8/2022 thì bị đình chỉ giao dịch.  

Đức Quyền - Song Ngọc

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.