|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bộ Công an tìm bị hại trong vụ án ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán

10:52 | 07/06/2022
Chia sẻ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo tìm các các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Logo FLC đã được tháo ra khỏi phiến đá trước tòa nhà 265 Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 29/3/2022.

Quá trình điều tra xác định:

Từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/01/2022, ông Trịnh Văn Quyết, khi đó đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết, là nhân viên kế toán thuộc Tập đoàn FLC), liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập công ty.

Bà Huế đã liên hệ và cùng những người thân trong gia đình thành lập 20 công ty, đồng thời mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán đứng tên bà Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán.

Trong đó, 120 tài khoản được mở tại CTCP Chứng khoán BOS (Mã: ART) và 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác.

Theo cơ quan điều tra, 450 tài khoản mà ông Quyết chỉ đạo mở đã liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu); mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán, bao gồm:

FLC của Tập đoàn FLC

ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros

ART của CTCP Chứng khoán BOS

HAI của CTCP Nông dược HAI

AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone

GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết ông Trịnh Văn Quyết đã thu lợi bất chính ước tính khoảng 975 tỷ đồng từ việc sử dụng 450 tài khoản nói trên để thao túng giá cổ phiếu.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm. Biểu đồ dưới đây cho thấy giá cổ phiếu trong họ FLC có nhiều đợt tăng sốc - giảm sâu, khiến nhà đầu tư bất ngờ.

Cổ phiếu GAB không có giao dịch từ ngày 28/3/2022 cho đến nay.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo cho các nhà đầu tư (người bị hại) mua cổ phiếu FLC trong giai đoạn từ ngày 23/9/2020 đến ngày 10/1/2022; cổ phiếu ROS từ ngày 1/9/2016 đến nay; cổ phiếu ART từ ngày 2/1/2021 đến ngày 11/6/2021; cổ phiếu HAI  từ ngày 26/6/2017 đến ngày 9/2/2018; cổ phiếu AMD từ ngày 26/5/2017 đến ngày 13/7/2017 và cổ phiếu GAB  từ ngày 19/12/2019 đến ngày 27/11/2020 được biết, liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Phòng 4/C01) trước ngày 29/6/2022 để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Địa chỉ liên hệ: Số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội; số điện thoại trực ban: 069.2345860; số điện thoại di động: 0912.733.444.

Đức Quyền

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.