|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán BOS hủy kế hoạch phát hành 40 triệu cổ phiếu ART; họ FLC tăng trần hàng loạt

17:47 | 08/06/2022
Chia sẻ
Sau khi giảm sàn trong phiên 7/6, hàng loạt cổ phiếu trong họ FLC như ROS, ART, AMD, HAI đồng loạt tăng hết biên độ ngày 8/6.

Tháng 6/2022, logo FLC được gỡ khỏi tòa nhà 265 Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (Mã: ART) mới đây thông báo hủy kế hoạch phát hành 40 triệu cổ phiếu ART theo phương thức riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Nguyên nhân chủ yếu là Chứng khoán BOS chưa nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với phương án phát hành này.

Mặt khác, trong những tháng gần đây, Chứng khoán BOS trải qua nhiều biến động về nhân sự khi Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Hương Trần Kiều Dung và Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Trịnh Thị Thúy Nga bị khởi tố và bắt tạm giam.

Việc hủy phương án phát hành riêng lẻ nói trên sẽ được đưa ra đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 27/6/2022 tới đây để biểu quyết thông qua.

Ban đầu, phương án phát hành riêng lẻ cổ phiếu ART để tăng vốn điều lệ đã được đại hội cổ đông thường niên ngày 27/4/2021 phê duyệt. Khối lượng chào bán là 40 triệu đơn vị. Giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Nếu đợt phát hành diễn ra suôn sẻ, Chứng khoán BOS có thể thu về 400 tỷ đồng.

Đối tượng chào bán dự kiến là các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân chuyên nghiệp, mỗi nhà đầu tư được mua tối đa 6 triệu cổ phiếu.

Hiện nay, vốn điều lệ của Chứng khoán BOS là 969 tỷ đồng, tương đương 96,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Thống kê sau đây cho thấy công ty chứng khoán có số cổ phiếu dẫn đầu toàn ngành hiện nay là Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), theo sau là SSI.

Mặc dù vậy, Chứng khoán SSI mới đây đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chào bán cho cổ đông hiện hữu 497,4 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 50%. Vốn điều lệ của SSI sau phát hành dự kiến sẽ tăng lên thành 14.921 tỷ đồng, vượt qua VNDirect.

Chứng khoán VNDirect đang dẫn đầu toàn ngành về vốn điều lệ, BOS đứng thứ 22 trong số các công ty chứng khoán niêm yết.

Ngày 8/4 năm nay, hai lãnh đạo của Chứng khoán BOS là Chủ tịch HĐQT Hương Trần Kiều Dung và Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Trịnh Thị Thúy Nga đã bị khởi tố và bắt tạm giam vì liên quan tới vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS.

Bà Hương Trần Kiều Dung lúc này đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bà Trịnh Thị Thúy Nga là em gái của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết đã bị bắt từ ngày 29/3 về tội thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Chứng khoán BOS đã bầu ông Chu Tiến Vượng làm Chủ tịch thay cho bà Hương Trần Kiều Dung. Đại hội cổ đông thường niên ngày 27/6 tới đây sẽ chính thức miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với bà Hương Trần Kiều Dung và Trịnh Thị Thúy Nga, đồng thời bầu bổ sung 4 thành viên vào HĐQT.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết ông Trịnh Văn Quyết đã thu lợi bất chính khoảng 975 tỷ đồng từ việc sử dụng 450 tài khoản mở tại 41 công ty chứng khoán để thao túng giá 6 mã cổ phiếu: FLC, ROS, ART, AMD, GAB, HAI.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Cổ phiếu họ FLC đồng loạt kịch trần

Phiên hôm nay 8/6, cổ phiếu FLC và hàng loạt mã liên quan như ART, KLF, AMD, HAI, ROS đều tăng hết biên độ, trắng bên bán. Phiên trước đó (7/6), các cổ phiếu này đều cắm đầu lao dốc, thậm chí giảm kịch sàn.

ART, KLF, AMD vẫn đang được giao dịch cả ngày như bình thường. Các mã FLC, ROS và HAI chỉ được phép giao dịch vào buổi chiều do các doanh nghiệp niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với quy định.

Trong báo cáo giải trình gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) ngày 3/6 và 7/6, ROS và FLC cho biết cả hai doanh nghiệp đều đang gấp rút tìm đơn vị kiểm toán phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.

Khắc phục nguyên nhân dẫn tới hạn chế giao dịch là điều kiện cần để các cổ phiếu FLC, ROS và HAI được giao dịch cả ngày trở lại. Biểu đồ dưới đây cho thấy giá các cổ phiếu trong họ FLC từ đầu năm đến nay đã giảm trên 50%, có khi lên tới gần 80%.

Cổ phiếu FLC giảm sâu so với đầu năm.

Ngày 10/6 sắp tới, Tập đoàn FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để chính thức miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung.

Đại hội cũng sẽ miễn nhiệm cả ba thành viên Ban Kiểm soát (BKS) đã nộp đơn từ nhiệm trong tháng 4 và tháng 5.

Theo kế hoạch, đại hội bất thường sẽ bầu bổ sung hai thành viên HĐQT và ba thành viên BKS. Danh sách ba ứng viên vào BKS đã được FLC công bố hôm 31/5. Tuy nhiên, danh tính của các ứng viên HĐQT vẫn đang là ẩn số.

HĐQT của FLC hiện nay có ba người là Chủ tịch Đặng Tất Thắng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền và Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Lã Quý Hiển.

Song Ngọc - Đức Quyền